Hãng nghiên cứu Mercer Human Resource Consulting (Anh) vừa công bố báo cáo Chi phí sinh hoạt (Cost of Living) 2014 của 211 thành phố trên thế giới. Tính trên toàn cầu, Hà Nội xếp thứ 131 về mức độ đắt đỏ, nhảy 3 bậc so với năm ngoái. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt tại TP.HCM thấp hơn một chút, với vị trí 135, tăng 6 bậc so với năm trước.
Từ năm 2013 đến nay, hãng nghiên cứu của Anh vẫn đánh giá sinh hoạt phí tại Hà Nội cao hơn so với TP.HCM. Trên thực tế, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng tại thủ đô cũng tăng cao hơn so với trung tâm kinh tế lớn nhất nước (1,38% so với 1,09%).
Chi phí sinh hoạt tại TP.HCM được đánh giá thấp hơn một chút so với Hà Nội. Ảnh: City Lane |
Trong khu vực Đông Nam Á, dẫn đầu danh sách vẫn là Singapore (Singapore). Tiếp theo là Yangoon (Myanmar), Bandar Seri Begawan (Brunei) và Bankok (Thái Lan). Còn trên thế giới, hai thành phố châu Phi là Luanda (Angola) và N'Djamena (Chad) chiếm hai vị trí dẫn đầu. Luanda thậm chí đã đứng nhất hai năm liên tiếp.
Chi phí sinh hoạt tại đô thị này cao một phần do quá phụ thuộc vào xuất khẩu. Angola vẫn đang tái thiết đất nước, hơn 10 năm sau khi nội chiến kết thúc. Họ nhập khẩu tới ba phần tư hàng hóa tiêu thụ, theo Reuters. Bên cạnh đó, cơn sốt dầu mỏ tại đây cũng thu hút rất nhiều lao động nước ngoài, khiến giá cả cũng bị đẩy lên cao.
Các thành phố châu Á và châu Âu thống trị top 10 với 8 vị trí còn lại. Hong Kong (Trung Quốc), Singapore (Singapore) và Zurich (Thụy Sĩ) lần lượt xếp thứ 3,4 và 5. Các vị trí tiếp theo thuộc về Geneva (Thụy Sĩ), Tokyo (Nhật Bản), Bern (Thụy Sĩ), Moscow (Nga) và Thượng Hải (Trung Quốc).
Nhìn chung, tất cả thành phố châu Âu đều thăng hạng năm nay, chủ yếu do tiền tệ các nước tăng giá so với USD, báo cáo của Mercer cho biết. Ở châu Á, các thành phố Nhật Bản tụt hạng do đồng yen yếu so với USD. Trong khi đó, đại diện của Trung Quốc lại đồng loạt tăng bậc do NDT mạnh lên. 2 năm qua, yen đã giảm gần 30%, trong khi NDT tăng 3% so với đôla Mỹ.
Những thành phố trong danh sách được đánh giá theo kết quả khảo sát thường niên về chi phí hơn 200 loại hàng hóa, dịch vụ phổ biến, như nhà ở, giao thông, thức ăn, trang phục, đồ dùng gia đình và tiện nghi giải trí. Tất cả sau đó sẽ được so sánh với New York (Mỹ).
Theo Mercer, thứ hạng các thành phố thay đổi chủ yếu do hai yếu tố - giá cả tăng và nội tệ mạnh lên so với USD. Mục đích của báo cáo là giúp các công ty đa quốc gia và Chính phủ các nước đánh giá chi phí khi cử nhân viên sang làm việc tại nước ngoài.
Theo VnExpress