Khốn khổ vì chung cư cao cấp, chất lượng bình dân

Thứ bảy, 12/07/2014, 08:28
Bỏ tiền tỷ ra sở hữu những căn hộ chung cư cao cấp, nhưng nhiều thượng đế cũng phải "khóc dở" vì chất lượng chỉ xứng tầm bình dân.

Chung cư Mipec Tower

Cư dân sống tại chung cư Mipec Tower mới đây đã phải đối đầu với chủ đầu tư vì ban quản lý tự ý nâng phí gửi xe máy từ 45.000 đồng lên 100.000 đồng mỗi tháng. Đại diện dân cư tại đây cho biết, hạn cuối cùng nộp tiền phí gửi xe máy tháng 5 là vào ngày mùng 5.

Khốn khổ vì chung cư cao cấp, chất lượng bình dân

Do trễ 3 ngày nên ban quản lý tòa nhà yêu cầu bảo vệ chặn xe những người chưa nộp tiền theo mức giá mới.

Cụ thể, đầu tháng 5, cư dân sinh sống tại chung cư Mipec đi vào hầm gửi xe bất ngờ bị lực lượng bảo vệ chặn lại bằng rào chắn. Xe máy không vào được tầng hầm làm hơn 30 chiếc ôtô ùn tắc theo, nối đuôi nhau phủ kín từ cửa tầng hầm đến sảnh phía trung tâm thương mại.

Đến 22h đêm, sự việc vẫn chưa được giải quyết. Hàng dài xe vẫn ùn tắc tới tận sảnh trung tâm thương mại.

Tranh cãi về thu phí dịch vụ, phía Ban quản lý tòa nhà Keangnam đã đơn phương “cấm cửa” thang máy và cắt điện của gần 400 hộ dân tại đây...

Không chịu được cách hành xử này, toàn bộ cư dân chung cư cao cấp Keangnam đã kéo đến “quây” khu vực làm việc của Công ty Chestnut Vina, đơn vị quản lý tòa nhà, đòi lại quyền lợi của mình.

Chung cư Nam Đô Complex

Thanh tra Sở Y tế đã xác định, nước sinh hoạt cấp cho các hộ dân tòa nhà Nam Đô (609 Trương Định) “không đảm bảo chất lượng ăn uống, sinh hoạt” và yêu cầu dừng cung cấp nhưng các hộ dân ở đây vẫn phải sử dụng nước bẩn thêm 40 ngày.

Kết quả phân tích mẫu nước của Sở Y tế cho thấy, các mẫu nước tại bể ngầm tòa nhà CT1, CT2; mẫu nước tại hộ dân 1405 - CT2A và 14A01 - CT2B của tòa nhà Nam Đô đều có chỉ tiêu Nitrit/Nitrite vượt quá giới hạn cho phép từ 1,6 đến 3,2 lần theo quy chuẩn Việt Nam.

Về chỉ tiêu Asen, kết quả phân tích cho thấy, vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Như vậy, theo kết quả phân tích mẫu nước, cơ quan hữu quan xác định, nước ăn uống, sinh hoạt trong tòa nhà Nam Đô không bị nhiễm thạch tín (Asen).

Tuy nhiên, nước trong tòa nhà không đảm bảo chất lượng ăn uống, sinh hoạt do tiêu chí Nitrit vượt quá giới hạn cho phép.

Đáng chú ý, theo phản ánh của người dân tòa nhà Nam Đô, sau khi bể ngầm được rút hết nước, một “bí mật” khác lại lộ ra khiến người dân choáng váng.

Ông Võ Thanh Sơn nói: “Khi nước cạn hết, chúng tôi phát hiện nền bể có nhiều điểm có dấu hiệu sủi tăm nước. Điều này có nghĩa nền bể ngầm đã bị nứt và nước bẩn từ bên ngoài đã xâm nhập vào bể theo các vết nứt này. Cộng với kết quả xét nghiệm, chúng tôi có thể xác định được đây chính là nguyên nhân khiến nước sạch sinh hoạt được cung cấp bởi đơn vị chuyên trách lại biến thành nước bẩn!”.

Chung cư Mulberry Lane

Mới đây nhất, cư dân chung cư Mulberry Lane cũng bức xúc vì nước bẩn, thang máy rơi tự do, hỏng và báo cháy giả.

Theo thiết kế, tại tòa nhà E, chủ đầu tư thiết kế 3 thang máy phục vụ cho 340 căn hộ, tuy nhiên từ khi người dân chuyển về sinh sống (tháng 9/2013) hệ thống thang máy liên tục bị hỏng. Thậm chí, thang máy còn có hiện tượng trượt rơi tự do 1-2 tầng, gây hoảng loạn cho trẻ em và người cao tuổi.

Giống như hệ thống thang máy, hệ thống báo cháy tại tòa E - chung cư Mulberry Lane hoạt động lỗi, nhiều lần báo cháy giả khiến người dân rất hoang mang.

Chung cư Mulberry Lane được chủ đầu tư giới thiệu chung cư cao cấp, thực tế giá mỗi m2 cũng khá cao, dao động mức từ 31 triệu đồng/m2 đến 40 triệu đồng/m2, giá dịch vụ chủ đầu tư áp dụng mức 10.000 đồng/m2/tháng.

“Từ giá mua chung, giá dịch vụ điều là cao cấp nhưng thực tế cư dân chúng tôi chỉ nhận được dịch vụ thấp nhất, bên cạnh các sự cố về hệ thống kỹ thuật, chúng tôi hiện nay đang lo lắng nguồn nước sinh hoạt khi nước có hiện tượng lặng cặn có màu vàng, mùi tanh”, một người dân cho biết.

Theo VTCNews

Các tin cũ hơn