Khởi động dự án điện khí 20 tỷ USD

Thứ sáu, 11/07/2014, 10:40
Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) đang cân nhắc lựa chọn các phương án đưa khí vào bờ và xây nhà máy điện công suất lớn tại hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ USD. 

Ông Phạm Như Sô, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngày 15/7 tới, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng đại diện Tập đoàn Exxon Mobil sẽ về miền Trung khảo sát chuẩn bị triển khai dự án đưa khí từ ngoài khơi vào bờ và xây nhà máy điện.

10-7-Anh-1-Cang-dien-khi-3898-1404985006

Khu vực cảng Tam Hiệp, huyện Núi Thành (Quảng Nam), một trong hai phương án mà Tập đoàn Exxon Mobil đang tính toán đưa khí từ mỏ cá voi xanh vào bờ.

Theo ông Sô, Exxon Mobil quyết định đầu tư dự án điện khí này có tổng vốn lên đến 20 tỷ USD, trong đó nhà máy điện có công suất giai đoạn một là 1.500 MW, giai đoạn hai từ 4.000 đến 5.000 MW và nhà máy xử lý khí.

Tập đoàn này đang xem xét hai phương án: Đưa khí từ mỏ cá voi xanh vào bờ ở khu vực bàu Cá Cái, gần sát nhà máy lọc dầu Dung Quất và xây nhà máy điện tại Quảng Ngãi. Hoặc đưa khí vào khu vực cảng Tam Hiệp, huyện Núi Thành (Quảng Nam) và xây dựng nhà máy điện tại xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (gần khu du lịch Thiên Đàng), Khu kinh tế Dung Quất.

Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH lọc-hóa dầu Bình Sơn cho biết thêm, hiện Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025. Trong quy hoạch này, Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí từ các mỏ thuộc các lô 117, 118, 119 vào bờ với công suất thiết kế khoảng 2-4 tỷ m3 mỗi năm. Chính phủ cũng định hướng nghiên cứu, xây dựng mới nhà máy xử lý khí ở khu vực này với lưu lượng khoảng một đến 4 tỷ m3 một năm, dự kiến đưa vào vận hành từ năm 2018.

"Sau khi phân tích sơ bộ mỏ cá voi xanh, các chuyên gia đưa ra tín hiệu lạc quan, có thể tận dụng các nguồn khí này để phát triển các nhà máy điện và hóa dầu", ông Giang chia sẻ.

Ông Giang khẳng định, nếu Exxon Mobil lựa chọn phương án đưa khí vào Khu kinh tế Dung Quất sẽ gặp nhiều thuận lợi như: Tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có gồm cảng biển nước sâu, hệ thống giao thông thuận lợi, có kho vật tư, phụ tùng, nhà xưởng của nhà máy lọc dầu. Bên cạnh đó, kế hoạch này có thể tận dụng "chất xám" của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư giàu kinh nghiệm (không phải tốn chi phí đào tạo).

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn