Công trình xây dựng khách sạn Mường Thanh Sài Gòn trên đường Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM - Ảnh: Q.Định |
Những ngày qua, khối khách sạn đang được tô tường hoàn thiện với bảy tầng lầu chính và một công trình phụ chứa nước quy mô lớn phía trên tầng 7 (giấy phép chỉ cho bốn tầng).
Cưỡng chế không nổi!
Chiều 8/9, ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ tịch UBND phường Hàm Tiến (TP Phan Thiết, Bình Thuận), cho biết lực lượng chức năng của phường không đủ để cưỡng chế tháo dỡ khách sạn xây dựng trái phép được mà chỉ cấp TP hoặc tỉnh mới làm nổi. Theo ông Hải, trước đó ngày 8/7, ông đã ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình.
Thực hiện quyết định đình chỉ của UBND phường, lực lượng công an có cử người đến công trình làm việc khi phát hiện xây dựng trái phép, nhưng khi công an rút thì công trình lại tiếp tục thi công, một cán bộ Công an phường Hàm Tiến cho hay.
Trong khi đó, ông Cao Sơn Dũng, chánh thanh tra Sở Xây dựng Bình Thuận, cho biết cơ quan này đã “làm hết trách nhiệm” theo quy định pháp luật khi phát hiện sai phạm xây dựng tại công trình này.
Lực lượng thanh tra đã nhiều lần kiểm tra, yêu cầu đình chỉ, xử lý ngay từ đầu bằng việc phạt chủ đầu tư là Công ty Đồng Ngân 50 triệu đồng. Tiếp đó đơn vị thi công khách sạn bị phạt 35 triệu đồng. Mới đây nhất, thanh tra xây dựng đề nghị phạt chủ đầu tư 1 tỷ đồng, Sở Xây dựng Bình Thuận đã đề nghị UBND tỉnh xử lý theo đề nghị này.
Tìm cách “chữa cháy” sai phạm
Sở Xây dựng Bình Thuận khẳng định việc cho dự án khách sạn Mường Thanh Mũi Né tồn tại và đồng ý điều chỉnh nội dung giấy phép xây dựng theo hồ sơ thiết kế mới thì công trình không vi phạm các quy định của pháp luật.
Ông Trần Anh Tuấn, giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận, lý giải nếu xem đây là công trình khách sạn đơn lẻ thì công trình này không thuộc đối tượng áp dụng quyết định 54 của UBND tỉnh về quy định quản lý xây dựng các dự án đầu tư khu du lịch ven biển trên địa bàn tỉnh.
Quyết định 54 quy định chiều cao tối đa của công trình là 15m. Lâu nay khi cấp phép xây dựng cho các dự án trong khu vực, Sở Xây dựng đều có vận dụng quy định theo quyết định 54 để xử lý tầng cao và khoảng lùi của công trình.
Ông Tuấn cho biết thêm theo quy hoạch phân khu của P.Hàm Tiến tại quyết định 493 của chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, khu vực dự án nói trên nằm trong đất du lịch nghỉ dưỡng. Theo quy định, tầng cao của công trình khách sạn cho phép tối đa là 17 tầng.
Công nhân bị “đuổi” mới chịu ngừng thi công
Tại công trình khách sạn Mường Thanh Sài Gòn (8A Mạc Đĩnh Chi, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM), UBND P.Bến Nghé cho biết chủ đầu tư là DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đang tháo dỡ phần diện tích sàn tầng 1. Trước đó, chủ đầu tư đã tháo dỡ xong bốn cột bêtông xây không phép.
Ngày 31/3/2014, UBND P.Bến Nghé phát hiện công trình trên đang thi công trái phép đã xong hai tầng hầm. Sau đó, UBND phường ra quyết định đình chỉ thi công, cắt điện, cắt nước nhưng chủ đầu tư vẫn tổ chức thi công lén.
Qua giám sát, UBND phường đã phối hợp cùng các lực lượng khác nhiều lần yêu cầu công nhân rời khỏi công trường trên. Việc thi công chỉ ngừng hẳn khi công trình đã xong phần sàn tầng trệt vào giữa tháng 5/2014. UBND quận 1 xử phạt chủ đầu tư 40 triệu đồng, yêu cầu chủ đầu tư xin giấy phép xây dựng theo quy định.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, đầu tháng 10/2013 chủ đầu tư của dự án xin phép được thi công ép cọc thử tải để lấy số liệu thiết kế kỹ thuật cho công trình nhà văn phòng.
Theo đó, chủ đầu tư phải thi công cọc thử xong trước ngày 31/3/2014 và chỉ được phép khởi công xây dựng công trình khi đã có đầy đủ các điều kiện theo điều 72 Luật Xây dựng, tức phải có giấy phép xây dựng và các thủ tục khác. Thời điểm này, thông tin quy hoạch cho phép chủ đầu tư xây dựng tòa nhà văn phòng quy mô 10 tầng với chiều cao tối đa 50m.
Sau khi bị đình chỉ thi công hơn ba tháng vì xây dựng không phép, ngày 9/7 đại diện chủ đầu tư dự án khách sạn Mường Thanh Sài Gòn mới nộp hồ sơ xin giấy phép xây dựng.
Theo hồ sơ xin phép, chủ đầu tư chuyển công năng của dự án trên thành khách sạn 4 sao với quy mô 15 tầng và hai tầng hầm. Trong đó, chủ đầu tư thiết kế khoét lỗ giữa các sàn, chừa nhiều ô trống để bảo đảm diện tích xây dựng không vượt quá hệ số sử dụng đất và mật độ xây dựng theo quy hoạch.
Dễ bít các lỗ trống thành sàn
Ngày 23/7, Sở Xây dựng có công văn báo cáo UBND TP về việc cấp giấy phép xây dựng cho công trình trên, đồng thời gửi chủ đầu tư về những nội dung buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh bản vẽ thiết kế.
Trong đó, Sở nhận xét việc khoét sàn, chừa nhiều ô trống (50% sàn từ tầng 2 đến tầng 4 và 30% sàn từ tầng 6 đến tầng 14) nhưng vẫn giữ nguyên hệ thống đà ngang, đà dọc của công trình ở những vị trí này là không hợp lý, không phục vụ mục đích sử dụng công trình, tạo điều kiện để sau này chủ đầu tư bít các lỗ trống này thành sàn sử dụng, tăng hệ số sử dụng đất...
Đại diện Sở Xây dựng cho biết kinh nghiệm thực tế cho thấy cơ quan chức năng rất khó quản lý việc sử dụng đúng công năng những khoảng thông tầng nằm hoàn toàn trong “ruột” các công trình như cách thiết kế trên. Sau khi hoàn công, chủ đầu tư thường sử dụng các loại vật liệu lắp ghép để bít các khoảng thông tầng này thành sàn sử dụng, cơ quan chức năng khó phát hiện và xử lý.
Vì vậy, Sở Xây dựng đề xuất Sở Quy hoạch - kiến trúc phải quy định cụ thể số tầng cao cho công trình trên. Ngày 5-9, đại diện chủ đầu tư làm việc với phòng cấp phép xây dựng của Sở Xây dựng nhưng hồ sơ xin cấp phép vẫn chưa bảo đảm các chỉ tiêu. Sở đã hướng dẫn chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ.
Nếu tháo dỡ thì tháo dỡ gần như toàn bộ Trong bản cáo cáo hướng xử lý cho UBND tỉnh, Sở Xây dựng Bình Thuận cho rằng trường hợp buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm do xây dựng không đúng giấy phép xây dựng được cấp theo đúng quy định của pháp luật thì phải tháo dỡ gần như toàn bộ công trình khách sạn. Do đó, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND tỉnh cho phép công trình tồn tại và điều chỉnh giấy phép xây dựng cho công trình. Hôm nay 9/9, UBND tỉnh Bình Thuận hội ý xử lý sai phạm của dự án trên. |
Theo TTO