Đánh giá về thị trường bất động sản (BĐS) thời gian qua, tại Hội thảo “Bất động sản Việt Nam 20 năm nhìn lại - 2 năm hướng tới “, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay: Sau một thời gian phát triển mạnh, có phần quá nóng, thị trường BĐS bắt đầu gặp khó khăn, nhất là trong những năm 2011, 2012.
Tại thời điểm đó, giá BĐS và giao dịch sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường, có thời điểm giá nhà đã giảm tới 30%, tồn kho BĐS tăng cao. Tại thời điểm cuối năm 2012, lượng tồn kho lên tới hơn 100.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS giảm, trong khi nợ xấu trong lĩnh vực BĐS lại tăng. Nhiều doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo vị lãnh đạo này, khi thị trường BĐS sụt giảm không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, giảm thu ngân sách nhà nước, gây đình trệ sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, xây lắp, sản xuất và kinh doanh nội thất.
Giá nhà thương mại nên để thị trường tự điều tiết theo quy luật. |
“Sau thời gian “đóng băng” thị trường đã có dấu hiệu khởi sắc từ nửa cuối năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 tiếp tục đà phục hồi. Đáng nói, giá bán nhà đã chững lại, nhiều dự án khu vực phía Tây Hà Nội giai đoạn 2011 – 2013 đã giảm sâu (trên 30%) thì 6 tháng đầu năm 2014 đã ổn định và không giảm tiếp, cá biệt có một số dự án còn tăng giá thêm, khoảng 1-2% so với năm 2013. Tại TP. Hồ Chí Minh, so với một năm trước đây, giá cả đã điều chỉnh thấp hơn và hợp lý hơn, nhất là tại phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình”, ông Hà tiếp lời.
Bên cạnh đó, lượng giao dịch thành công ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều tăng, nhất là ở phân khúc chung cư có giá trung bình, diện tích nhỏ. Theo đó, tồn kho BĐS cũng giảm mạnh, dư nợ tín dụng BĐS tăng cao hơn mức tăng trưởng trung bình của tín dụng chung, BĐS thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
“Thị trường BĐS từ nay đến cuối năm 2014 sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực, cơ cấu sản phẩm sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh, nguồn cung sẽ tập trung vào phân khúc bình dân, diện tích vừa và nhỏ, giá bán dưới 20 triệu đồng/m2”, Cục trưởng Cục quản lý Nhà nhận định.
Liên quan đến vấn đề sắp tới sẽ điều chỉnh chính sách cho phép người tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, có ý kiến lo ngại điều này nhằm tăng nguồn cầu cho BĐS nhưng vô tình lại “đẩy” giá nhà lên cao mà vốn dĩ giá nhà ở Việt Nam đang ở mức cao. Điều này sẽ khiến những người thu nhập thấp càng khó tiếp cận nhà ở hơn trước, vậy Bộ Xây dựng có ý kiến thế nào?
Ông Hà thẳng thắn: Giá nhà một phần do thị trường, một phần do Nhà nước quản lý. Chúng ta phải chia thành 2 khu vực: Khu vực 1 phát triển nhà theo nhu cầu thị trường, những người có tiền thì ở biệt thự, hay những căn penhouse có chất lượng. Khu vực 2 là nhà cho người thu nhập thấp.
“Quan điểm của Bộ Xây dựng là để thị trường điều tiết, Nhà nước định hướng về mặt quy hoạch, chính sách, tiền sử dụng đất, thuế… để người bán và người mua tự quyết định giá cả với nhau. Thời gian năm 2009 – 2010, chưa mở rộng đối tượng mua nhà cho người nước ngoài nhưng giá nhà vẫn tăng. Đến năm 2012, dù không thít gì nhưng giá nhà lại giảm toàn thị trường. Vì thế, đối với nhà thương mại, thị trường điều tiết theo quy luật chứ không phải do mở rộng đối tượng”, ông Hà cho hay.
Còn đối với nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, theo vị Cục trưởng này, Nhà nước sẽ có chính sách, quy hoạch về đất đai, cơ chế tín dụng, ưu đãi cho nhà đầu tư và người mua nhà… nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở.
“Đối tượng thu nhập thấp chiếm 40% dân số, 50% thu nhập trung bình và khoảng 10% người thu nhập cao. Theo dự thảo của Chính phủ, những người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài chỉ được mua nhà ở thương mại, còn loại nhà ở chính sách của Nhà nước để phục vụ 40% người dân có thu nhập thấp ở Việt Nam thì không được mua”, ông Hà khẳng định.
Với những thông tin mà lãnh đạo Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản đưa ra thì chắc chắn rằng, khi người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng thu nhập thấp khi muốn tiếp cận về nhà ở chính sách cũng không quá lo lắng về giá cả.
Theo Infonet