Ngân hàng "tháo van" cho vay với bất động sản

Thứ bảy, 22/11/2014, 14:57
Một cú điều chỉnh bất ngờ từ chính sách cho vay đối với đầu tư, kinh doanh bất động sản khi hệ số an toàn rủi ro giảm từ 250% xuống còn 150%, được kỳ vọng sẽ mang lại “hơi ấm” cho thị trường này trong thời gian tới.

Sau một thời gian dài “nhấc lên, đặt xuống”, hôm qua 21/11, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 36 quy định các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng có hiệu lực từ 1/2/2015. Điểm rất đáng chú ý của thông tư này là hệ số rủi ro trong cho vay chứng khoán, bất động sản được giảm từ mức 250% xuống còn 150%.

Trao đổi với PV, ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) giải thích, việc giảm hệ số rủi ro này sẽ ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng, trong khi hệ số CAR được Ngân hàng Nhà nước quy định không giảm dưới 9%. Trước kia, nếu quy định 250% để đảm bảo CAR bằng hoặc cao hơn mức quy định thì các ngân hàng hoặc phải giảm bớt cho vay các khoản vay bất động sản hoặc phải tăng vốn chủ sở hữu.

“Thông qua hệ số rủi ro này nhà điều hành muốn định hướng tín dụng ngân hàng sẽ đi vào các ngành, lĩnh vực nhà nước quan tâm và ưu tiên. Việc giảm hệ số rủi ro là tín hiệu để thúc đẩy thị trường phát triển giúp cho ngân hàng mạnh dạn hơn cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản”, ông Huyền Anh nói.

Nói nôm na dễ hiểu, theo tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội, ví dụ nếu cho vay với bất động sản là 100 đồng thì khi tính hệ số CAR sẽ bị xem là đã cho vay 250 đồng, trong khi với hệ số rủi ro thấp hơn ở mức 150% thì chỉ bị tính cho vay 150 đồng. Trên thực tế, khi cho vay lĩnh vực mà hệ số rủi ro quá cao làm ảnh hưởng đến lợi nhuận, buộc các nhà băng phải cân nhắc hạn chế bớt các khoản vay này. Do đó, với quy định vừa ban hành, theo tổng giám đốc trên, các ngân hàng có thể mở rộng cho vay với bất động sản được nhiều hơn gấp rưỡi so với quy định cũ.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, trước khi thông tư 36 ban hành, với tỷ lệ cũ 250% tại thông tư 13, thị trường bất động sản phản ứng vô cùng tiêu cực. Rất nhiều ngân hàng đã chùn tay, không dám mở rộng cho vay.

Noi-tin-dung-thi-truong-bat-dong-san
Nới tín dụng, thị trường bất động sản sẽ dần ấm lại

Thị trường sớm hồi phục

Theo tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam, quy định mới như một cú hích mạnh lên thị trường khi các ngân hàng được mở rộng khả năng cấp tín dụng. Qua đó, người dân có nhu cầu vay mua chung cư, chủ đầu tư muốn vay vốn để đầu tư căn hộ thuê, cho thuê, cho mua… sẽ mạnh dạn hơn vay vốn triển khai các dự án.

Trong khi đó, dư nợ cho vay bất động sản tính đến cuối năm 2013 khoảng 262.000 tỉ đồng chiếm 8% tổng dư nợ, không phải quá lớn. Tính đến hết quý 3/2014, con số này tăng khoảng 11,5% so với cuối 2013, cao hơn mức bình quân tăng trưởng dư nợ của hệ thống ngân hàng.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm cho rằng, thị trường bất động sản của Việt Nam có một đặc điểm khoảng trên 50% tài sản đảm bảo vốn vay là bất động sản. Các ngân hàng hiện đang chú trọng rất mạnh vào phân khúc cho vay, sửa nhà, cho thuê chiếm khoảng 40% tổng dư nợ cho vay bất động sản. Với vị trí và vai trò quan trọng trên thị trường cộng với thời gian tới khi hệ số rủi ro cho vay bất động sản giảm xuống, ngân hàng có cơ hội mở rộng tín dụng chắc chắn thị trường này sẽ hồi phục mạnh; nhiều dự án dang dở được tiếp sức để hoàn thành.

Trước thông tin các ngân hàng được "cởi trói" cho vay với bất động sản, nhiều người dân có nhu cầu mua nhà khá hồ hởi. Chị Dương Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Vợ chồng tôi đang muốn mua một căn hộ chung cư ở Cầu Giấy. Tuy nhiên, vừa qua cũng còn e ngại vay vốn vì nghĩ rằng thị trường bất động sản còn đóng băng, dự án dang dở, chủ đầu tư không có tiền hoàn thiện. Nay việc cho vay được mở rộng, hy vọng nhiều chủ đầu tư có thể hoàn thiện được công trình sớm và cá nhân tôi cũng sẽ mạnh dạn mua chung cư để ổn định cuộc sống”.

Còn theo ông chủ một dự án chung cư lớn tại Quận Hà Đông (Hà Nội), thời gian qua dự án của ông sau khi xây xong phần thô thì hết tiền và bị đình trệ trong khoảng hơn 2 năm. Việc các ngân hàng nới lỏng cho vay sẽ giúp cho chủ đầu tư các dự án được trút bỏ phần nào gánh nặng. “Trước kia khi chính sách siết lại, gõ cửa ngân hàng chỉ nhận được cái lắc đầu. Nay được sự ủng hộ của chính sách, nhà nước tôi nghĩ rằng cơ hội để tiếp cận vốn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”, ông chủ đầu tư này chia sẻ.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích