Ngôi nhà mặt tiền rộng hàng ngàn mét vuông của ai?

Thứ sáu, 21/11/2014, 09:31
Sau khi tòa án đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp, các anh em ruột tiếp tục kháng cáo với nhiều tình tiết ly kỳ xung quanh vụ kiện về di sản thừa kế này.  
Ông Phương (bên phải) cùng luật sư Nguyễn Tấn Thi.
Ông Phương (bên phải) cùng luật sư Nguyễn Tấn Thi.
Các anh em cho rằng họ bị thiệt thòi về quyền và lợi ích

Mới đây, ngày 14/11, ông Thạch Vũ Phương (em ruột bà bán bún Thạch Kim Phát) cùng luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã đến TAND TP.HCM nộp đơn kháng cáo quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 1261/2014/QĐST-DS ngày 27.10 của TAND TP.HCM giữa nguyên đơn là ông Thạch Vũ Phương (đại diện cho anh em dòng họ) và bị đơn là bà Thạch Hà Huệ Lan (con gái nuôi của bà Phát).

Theo đó, sau hơn 2 năm thụ lý giải quyết, và nhiều lần hòa giải không thành, đến ngày 27/10, thẩm phán Phan Tô Ngọc (thẩm phán tòa hành chính) đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Ngày 7/11, tòa triệu tập ông Nguyễn Tấn Thi - người đại diện theo ủy quyền của ông Phương và trao quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, đến ngày 14/11, tòa vẫn chưa tống đạt trực tiếp quyết định này cho ông Phương và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trong đơn kháng cáo, ông Phương cho rằng: “Nhận thấy việc đình chỉ giải quyết vụ án là chưa đúng căn cứ pháp luật gây thiệt thòi về quyền và lợi ích hợp pháp của tôi… nên tôi kháng cáo lên tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xem xét hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 1261/2014 của TAND TP.HCM”.

Ông Phương cũng cho rằng: “Thẩm phán Phan Tô Ngọc đã không xem xét kỹ các chứng cứ mà tôi và gia đình cung cấp, cũng như những chứng cứ tòa thu thập trong suốt thời gian thụ lý giải quyết vụ án. Đồng thời cũng không xem xét kỹ nội dung khởi kiện, nội dung yêu cầu... bởi gia đình tôi kiện bà Huệ Lan để đòi lại nhà và đất tại số 110/1 đường Tô Hiệu, phường Hiệp Tân, Q.Tân Phú (hiện trị giá khoảng 60 tỉ đồng). Đây là nhà, đất của gia tộc, trước đây do mẹ tôi có giấy ủy quyền giao cho chị Phát quản lý, sử dụng vào mục đích kinh doanh của gia tộc. Như vậy tài sản nhà, đất này là của mẹ tôi, chị Phát…, chứ không phải là tài sản riêng của chị Phát”.

Giấy ủy quyền có trước ngày con gái nuôi bà Phát chào đời

Theo ông Phương, ông kiện bà Huệ Lan bởi vì ngôi nhà là tài sản của ba mẹ ông làm ra và để lại, anh em trong gia tộc đã ủy quyền cho bà Phát quản lý, sử dụng vào mục đích kinh doanh của gia tộc. Bởi lẽ, ông Thạch Trúc (ba ông Phương, bà Phát…) đã mất năm 1966 và bà Hà Kim Liên mất năm 1987. Gia đình ông Phát có các anh em gồm 8 người: Thạch Lai Kim, Thạch Kim, Thạch Kim Phát, Hà Kim Hoa, Thạch Vũ Phương, Thạch Vũ Phi, Thạch Vũ Khanh và Hà Xuân.

Trước năm 1975, gia đình đều sinh sống tại số 110/1 đường Tô Hiệu, phường Hiệp Tân, Q.Tân Phú. Căn nhà này có nguồn gốc do chính ông bà Thạch Trúc và Hà Kim Liên tạo lập theo tờ bán đoạn ruộng đã được vi chứng vào ngày 9/7/1973 và đã cước bộ ngày 16/7/1973. Đến năm 1978, do bà Hà Kim Liên già yếu nên gia đình thống nhất ủy quyền cho bà Thạch Kim Phát quản lý sử dụng nhà đất này.

Theo ông Phương, do bà Phát là người không có chồng con nên bà Liên và gia đình thống nhất ủy quyền cho bà Phát quản lý sử dụng ngôi nhà và đất này vào ngày 23/2/1987. Như vậy, lúc làm giấy ủy quyền, bà Phát độc thân (sau này có giấy chứng nhận độc thân). Trong khi đó, giấy khai sinh của bà Huệ Lan (con nuôi bà Phát) ghi ngày sinh là 26/12/1987.

Như vậy, giấy ủy quyền có trước ngày bà Huệ Lan chào đời. Hơn nữa, giấy ủy quyền này còn được UBND phường 20, quận Tân Bình (nay là phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) xác nhận đề ngày 24/3/1987. Đặc biệt quan trọng, trên nội dung giấy ủy quyền có ghi là chỉ cho phép bà Phát quản lý và sử dụng, chứ hoàn toàn không có dòng chữ nào cho phép bà Phát toàn quyền định đoạt mua bán hay cho tặng nhà, đất này cả.

Sau khi lập giấy ủy quyền gần một tháng, ngày 13/4/1987 bà Hà Kim Liên mất. Đến ngày 10/3/2011, bà Phát mất. Và ngày 7/8/2012, khi Phòng Công chứng số 1, TP.HCM có văn bản thông báo số 545/CC1 gửi UBND phường Hiệp Tân, quận Tân Phú niêm yết thông báo về việc khai nhận di sản thừa kế của bà Huệ Lan đối với tài sản của bà Thạch Kim Phát trong đó có căn nhà và đất số 110/1 đường Tô Hiệu, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, thì gia đình ông Phương mới tá hỏa khi biết rằng vào ngày 15/11/2004, bà Phát đã được Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh cấp “sổ hồng” cho lô đất trên mang tên bà Phát.

Lúc này, gia đình ông Phương đã gửi đơn tranh chấp về di sản thừa kế tới Phòng Công chứng số 1 đề nghị không công nhận việc khai di sản thừa kế của bà Huệ Lan từ tài sản của bà Phát để lại. Ông Phương cho biết: “Mặc dù đứng tên sổ hồng, nhưng chị tôi (bà Phát) chỉ là đứng tên do sự ủy quyền của gia đình chứ tài sản này không do chị tôi tạo lập hay được cho tặng từ gia đình tôi”.

Cũng trong đơn kháng cáo, ông Phương cho rằng, theo quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của TAND TP.HCM, “nếu coi" yêu cầu buộc bà Thạch Hà Huệ Lan giao trả tài sản trên cho ông Phương là tranh chấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất thì đây là tranh chấp ai có quyền sở hửu nhà và quyền sử dụng đất, phải tiến hành hòa giải tại UBND xã, phường... Ngay trong nhận định này cũng mang tính chủ quan vì tự đặt ra giả thiết “nếu coi” rồi tự quy vào đó là một loại tranh chấp khác bằng chữ “thì”. Đồng thời nhận định này cũng tự mâu thuẫn khi xác định ông Phương yêu cầu bà Huệ Lan giao trả tài sản, thì đây là tranh chấp đòi tài sản, chứ không phải là tranh chấp ai có quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất như nhận định trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Nhận định này cũng sai, vì nhà đất có chứng từ sở hữu do bà Phát đứng tên (theo ủy quyền của anh chị em trong gia tộc) nên không có sự tranh chấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất mà yêu cầu phải hòa giải theo quy định của Luật Đất đai. Với trình bày nêu trên, ông Phương cho rằng việc đình chỉ giải quyết vụ án của thẩm phán Phan Tô Ngọc, TAND TP.HCM là không đúng quy định của pháp luật và yêu cầu của ông Phương cùng các anh em là đòi lại tài sản do bà Thạch Hà Huệ Lan đang quản lý sử dụng.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích