Xuất hiện vùng tứ giác BĐS mới tại phía Nam

Thứ bảy, 27/06/2015, 16:01
Ngay sau khi chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua, nhiều chuyên gia phân tích nhận định rằng đang xuất hiện một điểm “cực nóng” trên thị trường BĐS phía Nam.
Người dân tham quan các dự án ở khu vực Long Thành

- Mặc dù, theo kế hoạch dự kiến đến năm 2025 giai đoạn 1 của dự án mới được đưa vào vận hành thương mại, nhưng trong những ngày gần đây thị trường BĐS các khu vực này đang bước vào một cuộc cạnh tranh rất gay gắt.

- Một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường BĐS tăng trưởng mạnh nhất thì cơ sở hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng nhất. Tuy nhiên, đi với “điểm nóng” mới bao giờ cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực.

Trong đó, như đại diện một chuyên gia nghiên cứu của công ty TNHH CBRE Việt Nam khẳng định rằng vùng tứ giác BĐS mới tại những khu vực xung quanh dự án sân bay Long Thành sẽ được xây dựng trong tương lai chắc chắn có thật.

Theo đó, vùng tứ giác BĐS mới này bao gồm Long Thành – Nhơn Trạch – Biên Hòa (Đồng Nai), Dĩ An – Thủ Dầu Một (Bình Dương) và quận 2, 9, Thủ Đức (Tp.HCM) và một phần tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là khu vực có tốc độ phát triển các dự án BĐS ở nhiều phân khúc lớn nhỏ sôi động nhất tại phía Nam trong thời gian tới.

Minh chứng cho việc này, chỉ trong vòng 6 tháng trở lại đây hàng loạt nhà đầu tư BĐS đã chấp nhận thua lỗ nặng để giữ đất “nằm chờ” cơ hội ngày hôm nay để tái khởi động dự án.

Theo khảo sát của các công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường, các dự án căn hộ trung – cao cấp nằm cách sân bay từ 20 đến 30km đang có sự cạnh tranh khá quyết liệt. Các sàn giao dịch BĐS tại thành phố Biên Hòa, Nhơn Trạch (Đồng Nai), thị xã Bà Rịa (Bà Rịa – Vũng Tàu), Dĩ An (Bình Dương) hoạt động hết công suất.

Một số dự án bỏ hoang gần 10 năm nay như khu đô thị Detaco, Sunflower City, Tín Nghĩa, Thunh Lũng Xanh… đã bắt đầu mở bán đất nền và nhà phố trở lại. Các chủ đầu tư này còn ráo riết “săn” khách hàng bằng việc thực hiện chương trình tham quan miễn phí, đưa đón khách hàng tận tình từ Tp.HCM hoặc các địa phương lân cận đến trực tiếp dự án.

Tại khu vực quận 2 (Tp.HCM) đã có những chủ đầu tư như CapitaLand, Keppel Land hay VinGroup, Thảo Điền Investment, Đại Quang Minh và Kiến Á đang chuẩn bị nguồn hàng “khủng” cho thị trường mới. Nhìn xa hơn là khu vực quận 9 và Thủ Đức đang có sự góp mặt các chủ đầu tư Khang Điền, Indochina Land, Thăng Long Real, N.H.O tạo thành những cụm đô thị cấp trung phát triển dọc các tuyến đường chiến lược mới đang hình thành rõ rệt từng ngày.

Ông Marc Town Send, Tổng giám đốc CBRE, khẳng định rằng tương lai trong 4 năm tới, bức tranh thị trường tại những khu vực này sẽ phong phú hơn. Đó là nhờ vào những nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng của Tp.HCM đang dồn vào tuyến metro đầu tiên, Xa lộ Hà Nội mở rộng, cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Vành Đai Trong và tương lai có thể là cả một hệ thống giao thông đường thủy nhộn nhịp dọc sông Sài Gòn. Khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ tạo nên một hệ thống hạ tầng giao thông khép kín.

“Có thể nói chưa bao giờ chúng tôi được chứng kiến một mức độ nóng của thị trường như trong những ngày gần đây, nhất là ngay sau khi dự án sân bay Long Thành được Quốc hội thông qua. Môi giới, nhà đầu tư thứ cấp, người dân ngày đêm “săn” đất ráo riết để đón đầu cơ hội trong những năm tới”, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu của CBRE khẳng định trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi chiều 26/6.

Nhận định về cơn sốt đất này, bà Dung cho rằng việc hình thành nên một điểm “cực nóng” mới trên thị trường là không tránh khỏi, bởi vì một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường BĐS tăng trưởng mạnh nhất thì cơ sở hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng nhất. Tuy nhiên, đi cùng với “điểm nóng” mới bao giờ cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Do khu vực này vẫn chưa được kiểm soát tốt nên sẽ xuất hiện những yếu tố tiêu cực nhiều hơn.

Theo đó, cò đất, môi giới đang đồng loạt xuất hiện, tranh giành gom đất và sẽ kéo theo việc “thổi” giá nhà đất lên một mức quá cao, hoặc sẽ có hiện tượng thao túng thị trường. Những khu vực nằm gần dự án sân bay Long Thành hơn như Dĩ An, Nhơn Trạch, Bà Rịa vẫn còn một diện tích đất “dù” rất lớn, tức là đất không chính chủ hay chồng lấn quy hoạch.

Khách hàng mua nhà hoặc đất hiện nay đều nhận được những thông tin đồn thổi từ nhiều phía mà không có một thông tin chính thống nào để kiểm chứng. Điều này dễ tạo nên sự lộn xộn trên thị trường trong thời gian tới.

“Đây là những điều chúng ta không thể tránh khỏi, có chăng là cần có giải pháp giảm thiểu mặt tiêu cực một cách sớm nhất. Trong đó, thông tin minh bạch của thị trường được công bố từ chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng. Đây là một dự án đầu tư lớn nhưng nếu không có một siêu kế hoạch tạo ra quỹ đất phát triển BĐS thì thị trường sẽ rất manh mún”, bà Dung cho biết thêm.

Trao đổi với chúng tôi, bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, cho rằng một khi khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng sẽ tạo thuận lợi lớn trong thu hút đầu tư vốn nước ngoài cũng như những dự án lớn về BĐS, dịch vụ và du lịch.

Từ đầu năm 2015 đến nay, nhiều đoàn doanh nghiệp của Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Thái Lan, Trung Quốc... đã đến Đồng Nai tìm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và đã cụ thể hóa thành những quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án lớn.

Theo TriThứcTrẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích