TP.HCM chuẩn bị đợt “dọn” nợ xấu BĐS

Thứ sáu, 26/06/2015, 10:06
Từ nay đến cuối tháng 9/2015 các ngân hàng thương mại tại Tp.HCM phải hoàn thành xử lý 100% nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) và đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3%.
Nợ xấu BĐS là gánh nặng chính của các ngân hàng

Nếu một doanh nghiệp BĐS nào vẫn còn nợ xấu thì các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ không giải quyết bất kỳ một khoản vay nào. Trong 3 tháng tới, NHNN sẽ thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để xử lý triệt để số nợ xấu BĐS theo mục tiêu đề ra.

Thông tin trên vừa được ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chi nhánh Tp.HCM tái khẳng định trong một cuộc trao đổi mới đây với chúng tôi.

Theo đó, đến mốc thời điểm trên, nếu một doanh nghiệp BĐS nào vẫn còn nợ xấu thì các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ không giải quyết bất kỳ một khoản vay nào. Trong 3 tháng tới, NHNN sẽ thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để xử lý triệt để số nợ xấu BĐS theo mục tiêu đề ra.

Theo ông Minh, từ năm 2011 trở về trước, hệ thống NHTM rất hạn chế cho doanh nghiệp BĐS vay vốn đầu tư vì đang trong giai đoạn khủng khoảng và suy thoái của thị trường BĐS.

Tuy nhiên, tính từ tháng 4/2012, tình hình hoạt động tín dụng của các NHTM khả quan hơn, do tín dụng BĐS không nằm trong diện phi sản xuất mà được chuyển sang hình thức cho vay thông thường. Nhìn chung, cho vay xây dựng và sửa chữa, mua nhà đều có mức tăng trưởng tốt. Trong đó, duy chỉ có tín dụng xây dựng các khu công nghiệp là lĩnh vực mà các ngân hàng không tham gia cho vay.

Trong các năm 2011-2012, lĩnh vực BĐS bị “liệt” vào loại hình phi sản xuất, do đó tín dụng BĐS đã giảm 13% so với năm 2010, và giảm 15% so với năm 2009. Tính trong giai đoạn từ 2008 – 2010, tín dụng BĐS thường chiếm 10-15% trong tổng dư nợ, thì đến năm 2011-2012 lĩnh vực này chiếm khoảng 9,7% tổng dư nợ.

Nhưng, đến thời điểm NHNN đưa tín dụng BĐS vào loại hình cho vay thông thường, từ tháng 4/2012 tính đến nay, tình hình cho vay triển biến rất tích cực, dao động ở mức 12,5-12,7%, đến cuối tháng 5/2015 đã đạt 13% tổng dư nợ. Cũng trong giai đoạn này, bình quân hàng năm, tín dụng BĐS tại Tp.HCM tăng từ 10-11%.

Trong tổng dư nợ, vay đầu tư các dự án ở khu đô thị chiếm 23%, xây dựng văn phòng và cao ốc cho thuê chiếm 18%, vay xây sửa nhà riêng lẻ chiếm trên 18%, vay để đầu tư BĐS chiếm 20,5%.

Đối với nợ xấu trong lĩnh vực BĐS, hiện tại Tp.HCM đang chiếm một tỷ lệ khá cao, dao động ở mức trên dưới 5%. Thời gian gần đây, thị trường BĐS nói chung có sự phục hồi mạnh đã giúp kéo giảm nợ xấu xuống từ mức 6-7% trong các năm trước.

Cũng theo ông Minh, hiện tại hệ thống NHTM trên địa bàn thành phố còn 53.000 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 5,2% tổng dư nợ. Trong con số này, từ nay đến cuối tháng 9/2015 NHNN phải xử lý cho được 25.000 tỷ đồng, trong đó các NHTM phải tự xử lý 3.000 tỷ thông qua việc thu hồi nợ của khách hàng, bán tài sản thế chấp, trích dự phòng rủi ro… để xử lý.

Và 22.000 tỷ đồng còn lại sẽ được bán nợ cho Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để làm sao đạt được mục tiêu đề ra là đưa nợ xấu BĐS xuống dưới 3% theo chỉ đạo chung của NHNN.

“Khi chúng ta thực hiện đồng loạt các giải pháp cắt giảm nợ xấu như thế thì sẽ làm sạch thị trường, chúng tôi tin rằng mục tiêu này sẽ đạt được trong thời gian tới. Nếu làm được như thế thì các doanh nghiệp BĐS tiếp tục có điều kiện vay vốn”, ông Minh nói.

Về phía các doanh nghiệp, cũng theo ông Minh nếu doanh nghiệp có phương án đầu tư kinh doanh mang lại hiệu quả cao, có tính khả thi, sinh lợi tốt nhưng vẫn chưa giải quyết hết các khoản nợ xấu thì dứt khoát là sẽ không được các NHTM cho vay.

Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích