Trongbài viết trướcVOV đã nêu thực trạng các dự án du lịch, bất động sản dang dở, băm nát bãi biển. Dự án treo, quy hoạch treo khiến người dân bức xúc, các nhà đầu tư có năng lực nhưng đến sau cũng mất cơ hội, còn chính quyền địa phương thì tiến thoái lưỡng nan.
Tình trạng các chủ dự án rào chắn bãi biển không cho người qua lại là điều vô lý và phải được chấn chỉnh kịp thời. Vậy chính quyền các địa phương ứng xử thế nào với những dự án xí phần, găm đất ven biển?
Đầu năm 2015, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã mạnh tay thu hồi dự án đối với 15 dự án “treo” tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, huyện Phú Lộc. Trong số này có rất nhiều dự án du lịch ven biển như: Khu nghỉ dưỡng Pegasus Lăng Cô; Khu du lịch bến thuyền và Câu lạc bộ thể thao dưới nước Lăng Cô; Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp ven đầm Lập An…
Một resort ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) đang bị bỏ hoang
Cùng thời điểm, UBND tỉnh Quảng Bình cũng kiên quyết thu hồi 38 dự án với hàng trăm héc ta đất đăng ký đầu tư rồi “ngâm” dự án giữ đất, gây nhiều lãng phí.
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nêu rõ quan điểm của địa phương: “Tỉnh chúng tôi cũng thông cảm cho những nhà đầu tư khó khăn tài chính. Tuy nhiên, đối với một số nhà đầu tư về du lịch không có năng lực, trách nhiệm không cao, có tư tưởng sang nhượng thì chúng tôi kiên quyết thu hồi. Và vừa rồi chúng tôi cũng đã thu hồi một số dự án”.
Mới đây, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tỏ thái độ kiên quyết đối với những dự án ven biển chậm triển khai. Sau nhiều lần gia hạn, chính quyền thành phố này đã chính thức có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng tham mưu UBND thành phố thu hồi giấy chứng nhận đầu tư một loạt dự án ven biển “găm đất, xí phần” như: Dự án khu du lịch giải trí Đệ Nhất, Trường dạy nghề lướt ván, khu thể thao giải trí Huy Khánh…
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT thành phố Đà Nẵng cho biết, đã kiểm tra xong 16 dự án ven biển, đang tiến hành thủ tục tham mưu cho UBND thành phố thu hồi giấy chứng nhận đầu tư vì các dự án này chậm triển khai.
Theo ông Nguyễn Điểu, thực chất chủ đầu tư không có năng lực, không khởi động dự án hoặc triển khai mang tính đối phó. Nhiều dự án giao đất 12 năm nay vẫn “án binh bất động”, chờ cơ hội sang nhượng kiếm lời. Hàng trăm ha đất thuộc các dự án ven biển từ Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đến Hội An, tỉnh Quảng Nam đang “trùm mền”, trong khi các nhà đầu tư mới không có đất làm ăn.
Ông Trần Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản Trị Công ty Cổ phần Đầu tư Cao su Quảng Nam, chủ đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng D’Evelyn Beach tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Đang tạm dừng lại để điều chỉnh thiết kế. Bây giờ vấn đề là doanh nghiệp không có tiền và lựa chọn thiết kế cho phù hợp. Dọc biển đó có ai triển khai không”.
Vẫn biết đất bỏ hoang thì phải thu hồi dự án. Nói là thế nhưng việc thu hồi dự án là điều không dễ. Bởi nhiều năm qua, địa phương nào cũng lúng túng khi xử lý những dự án chậm triển khai. Vì đằng sau các chủ dự án là những “ông chủ lớn” và những lý do nghe rất “êm tai”.
Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, quan điểm của chính quyền thành phố là tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư đến làm ăn, nhưng cũng kiên quyết đối với dự án chậm hoặc không triển khai: “Vừa rồi chúng tôi đã tập trung rà soát tất cả các dự án ven biển và nội đô để lâu ngày không triển khai. Trước mắt yêu cầu các nhà đầu tư cam kết tiến độ triển khai, phân kỳ đầu tư trong quí 1 và quí 2 này.
"Nhà đầu tư nào không thực hiện đúng cam kết thì chúng tôi cũng phải định hướng họ đầu tư. Nếu họ thực sự không có năng lực thì cũng yêu cầu thực hiện theo luận Đất đai và luật Đầu tư, nhường đất dự án lại cho các nhà đầu tư khác”, ông Viết khẳng định.
Một resort đang "ì ạch" ở thị xã Điện Bàn, Quảng Nam
Thời gian gần đây, tỉnh Quảng Nam cũng mạnh tay thu hồi 3 dự án du lịch ven biển do triển khai “ì ạch”, không thực hiện đúng cam kết với địa phương. Đó là dự án khu công viên biển và khu hỗn hợp rộng hơn 12 ha ở thị xã Điện Bàn.
Hai dự án của Công ty Cổ phần hạ tầng và dịch vụ truyền thông Logi 3, Công ty đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông T.I.D.I cũng tại địa bàn thị xã Điện Bàn bị thu hồi do không triển khai và vướng giải phóng mặt bằng.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng xử lý hàng loạt dự án có sai phạm, thu hồi hơn 23 ha trong quy hoạch cây xanh phía đông dọc tuyến đường ĐT693A thuộc 2 xã Điện Ngọc, Điện Dương, thị xã Điện Bàn.
UBND tỉnh Quảng Nam thành lập Tổ công tác “Hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư du lịch ven biển Điện Bàn - Hội An”, tiến hành rà soát và có biện pháp dứt khoát đối với 4 dự án đã tạm dừng thi công, 7 dự án đã có mặt bằng sạch nhưng chưa xây dựng cùng 8 dự án khác triển khai chậm do vướng mặt bằng.
Biển "cấm vào" ở một resort tại Đà Nẵng
Bây giờ, nhiều tỉnh, thành phố ven biển miền Trung đã nói “không” với các nhà đầu tư yếu kém. UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định thu hồi 7 dự án găm đất, xí phần. Những dự án sau này, UBND tỉnh yêu cầu các nhà đầu tư phải ký quỹ 100 tỷ đồng nếu muốn đăng ký thực hiện dự án.
Theo phương án ký quỹ này, trong vòng 35 ngày kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải hoàn thành việc nộp tiền ký quỹ vào tài khoản do Sở Tài chính hoặc nhà đầu tư mở tài khoản ở một ngân hàng thương mại tại Khánh Hòa. Số tiền ký quỹ sẽ được giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án. Trường hợp do lỗi của nhà đầu tư, dự án không được triển khai hoặc không triển khai đúng tiến độ, UBND tỉnh sẽ thu hồi dự án và thu luôn số tiền ký quỹ.
Đây là biện pháp mạnh, lần đầu tiên được áp dụng tại Khánh Hòa nhằm tránh tình trạng các nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, chiếm đất chờ thời cơ chuyển nhượng dự án.
Ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa khẳng định: “Xu hướng trong quy hoạch, chúng tôi sẽ co cụm lại, không còn nhiều như hiện nay, không bành trướng ra thêm. Nếu mật độ dày không cần thiết hết hạn chúng ta giải tán, không cho tăng thêm. Sắp tới quy hoạch chi tiết sẽ xem xét hết tất cả góc độ về ý tưởng quy hoạch, cảnh quan đô thị. Muốn làm gì thì làm, diện tích công viên, diện tích công cộng hưởng thụ của người dân là phải ngày càng tăng lên, ngày càng nhiều lên”.
Khu vực bắc bán đảo Cam Ranh - nơi đang có nhiều dự án treo
Việc quy hoạch treo, các chủ đầu tư “găm đất dự án” ven biển chờ chuyển nhượng kiếm lời đã và đang gây ra nhiều lãng phí về tài nguyên, ảnh hưởng lợi ích của người dân. Thu hút đầu tư bằng mọi giá để rồi hôm nay, ai nấy đều nhận ra cái giá phải trả là quá đắt. Sâu xa của thực trạng này có một phần do tầm nhìn chiến lược biển còn hạn chế và không mấy ai hiểu biết đầy đủ về biển.
Đã đến lúc chính quyền địa phương nên cẩn trọng xem xét lại quy hoạch khu vực ven biển; khẩn trương rà soát, thẩm định năng lực tài chính của các nhà đầu tư; kiên quyết nói “không” với những ông chủ “tay không bắt giặc”. Chúng ta nên ứng xử với biển bằng tâm thức và tư duy hướng biển của dân tộc Việt đã có từ bao đời nay