Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Đất đai là điểm nghẽn lớn nhất

Thứ ba, 03/11/2015, 10:02
Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Có chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp”. Góp ý về nội dung này, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, cần có giải pháp mạnh hơn để đẩy nhanh tích tụ đất đai, nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Bỏ ruộng vì đất đai manh mún

Năng suất lao động nông nghiệp Việt Nam nằm ở mức thấp trong khu vực do quy mô đất đai trên lao động nước ta quá thấp. Trên 80% hộ nông dân nước ta có quy mô sản xuất dưới 1ha, thì năng suất lao động của Việt Nam thấp là điều dễ hiểu.

Nhiều khảo sát cho thấy, quy mô diện tích đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay chỉ khoảng 0,5-0,7ha/hộ, trong khi ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi hộ thuần lúa phải có ít nhất 2ha đất trở lên thì thu nhập từ sản xuất lúa gạo mới vượt qua ngưỡng đói nghèo.

Do đất đai quá nhỏ lẻ, người dân yêu ruộng không có động lực để đầu tư sản xuất và áp dụng công nghệ một cách bài bản.

Do đất đai quá nhỏ lẻ, người dân yêu ruộng không có động lực để đầu tư sản xuất và áp dụng công nghệ một cách bài bản. Trong tương lai, nông dân Việt Nam phải có ít nhất 1ha đất/hộ hoặc tốt hơn là 2-3ha/hộ và đó phải là đất liền vùng, liền thửa thì họ mới thấy “đáng” để đầu tư.

Với đất đai manh mún như hiện nay, thu nhập từ nông nghiệp chỉ chiếm 30% tổng thu nhập của hộ gia đình nông dân, phần lớn họ phải kiếm thêm thu nhập từ lĩnh vực khác. Đây cũng chính là lý do xảy ra thực trạng nhiều năm nay: nông dân bỏ ruộng.

Dĩ nhiên, nông dân chuyển dịch dần từ làm nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp (công nghiệp và dịch vụ) là một trong những mục đích mà chúng ta đặt ra. Tuy nhiên, sự chuyển dịch hiện nay rất manh mún, tự phát. Hầu hết lao động nông nghiệp ra đô thị chỉ làm các công việc đơn giản như xây dựng, xe ôm, cửu vạn,  giúp việc…, mà không có việc làm ổn định, không có hợp đồng, bảo hiểm, chỗ ở…, nên họ cũng không dám chuyển ra hẳn mà vẫn khư khư giữ ruộng ở quê để đề phòng thất nghiệp.

Trong trường hợp này, đất đai từ “tư liệu sản xuất” đã chuyển sang thành “vật bảo hiểm rủi ro”. Tình trạng này dẫn đến việc ruộng bỏ hoang nhiều nơi, trong khi người cần có ruộng, yêu ruộng thực sự để làm thì không có đủ thửa lớn, diện tích lớn để sản xuất.

Do đó, để nông dân không còn bỏ ruộng, trước hết, phải xác định nhóm nông dân có khả năng làm nông nghiệp, thiết tha làm nông nghiệp để tạo điều kiện tích tụ ruộng đất cho họ. Với các lao động không đủ điều kiện lao động nông nghiệp (người già, bệnh tật) hoặc muốn chuyển sang khu vực phi nông nghiệp, cần đào tạo nghề và có các giải pháp tạo việc làm, tạo thu nhập và phát triển hệ thống an sinh xã hội cho họ.

Không chỉ đối với nông dân, mà đến nay, đất đai cũng là điểm nghẽn lớn nhất trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ruộng đất tập trung sẽ tạo điều kiện dễ dàng áp dụng khoa học công nghệ. Ngoài ra, quy mô lớn còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giảm giá thành (quy mô sản xuất nhỏ khiến giá cả bị đội lên, khó có sức cạnh tranh).

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, nếu quốc gia nào xử lý được vấn đề tích tụ ruộng đất, thì sẽ tiến hành công nghiệp hóa thành công, còn không xử lý được thì sẽ rơi vào bẫy sản xuất nhỏ và nông dân còn lâu mới với tới được mức thu nhập trung bình.

Phải coi đất nông nghiệp là hàng hóa

Tập trung đất đai là chủ trương lớn đã được đặt ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 7 về vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn (Tam nông) để tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Tuy nhiên, chủ trương và chính sách đất đai hiện còn mâu thuẫn giữa một bên là những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ đất đai, nhằm tăng hiệu quả kinh tế, một bên là các nhóm chính sách hướng tới đảm bảo công bằng, ổn định xã hội, tránh phân hóa giàu nghèo.

Cho đến nay, đã có một số mô hình tích tụ ruộng đất hiệu quả, như tập trung đất đai giữa nông dân với nông dân (dồn điền đổi thửa hoặc nông dân thuê lại đất của nông dân); tập trung đất đai thông qua hợp tác xã; tập trung đất đai thông qua doanh nghiệp (nông dân góp vốn bằng đất và trở thành cổ đông của công ty, doanh nghiệp đi thuê đất của dân, mô hình cánh đồng mẫu lớn).

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế hiện nay, có thể thấy quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất còn chậm. Nguyên nhân đầu tiên là chúng ta chưa rút được lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, hầu hết các tụ điểm công nghiệp, dịch vụ chỉ tập trung ở một số thành phố lớn và ở những ngành mà lao động nông nghiệp rất khó tham gia.

Chính vì vậy, lao động nông nghiệp chỉ làm được dịch vụ, xây dựng lặt vặt, bấp bênh, mang tính thời vụ và không được bảo vệ về an sinh xã hội, nên chưa khuyến khích nông dân yên tâm chuyển nhượng đất cho người khác, để rút hoàn toàn ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, bản thân thị trường đất nông nghiệp nước ta cũng còn gặp nhiều khó khăn. Các thủ tục chuyển nhượng đất nông nghiệp vô cùng nhiêu khê và phức tạp. Trên thực tế, các hoạt động chuyển nhượng đất nông nghiệp dù có diễn ra thì cũng chủ yếu ở dạng “ngầm”. Chưa kể, hiện cũng chưa có cơ chế hỗ trợ tín dụng cho nông dân đi mua đất, thuê đất để sản xuất.

Để đẩy nhanh tích tụ ruộng đất, trước hết, nền kinh tế phải phát triển đồng đều giữa các khu vực, phải kéo các trung tâm công nghiệp, dịch vụ về gần với người nông dân hơn. Phải có bảo hiểm xã hội cho nông dân để họ yên tâm rút ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ hai, cần có chính sách hỗ trợ tín dụng cho thuê đất, mua đất nông nghiệp để khuyến khích những hộ nông dân sản xuất giỏi tích tụ ruộng đất.

Thứ ba, biến quyền sử dụng đất thành một loại hàng hóa, trở thành nguồn vốn cho đầu tư sản xuất, kinh doanh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta cũng cần phải tiếp tục sửa Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự và nhiều bộ luật liên quan. Đồng thời, thông thoáng thủ tục thị trường chuyển nhượng và thuê đất nông nghiệp.

Thứ tư, thay đổi về quy định đất thừa kế theo hướng chỉ giao cho một người hoặc đánh thuế lũy tiến theo số người được hưởng thừa kế, tránh một thửa ruộng nhiều người thừa kế, gây khó khăn cho quá trình chuyển nhượng.

Chỉ khi đất nông nghiệp vào tay nông dân chuyên nghiệp, vào tay những doanh nghiệp thực sự đầu tư vào nông nghiệp, thì từ đó mới sinh ra nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả giá trị gia tăng cao.

Tất nhiên, chỉ tích tụ ruộng đất là chưa đủ để tiến tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Đi cùng tích tụ nông nghiệp, cũng cần phải thay đổi hàng loạt thiết kế chiến lược về phát triển công nghiệp, phát triển đô thị, cũng như thay đổi thể chế một cách mạnh mẽ để hướng dòng vốn vào nông nghiệp.

Đơn cử, đầu tư hiện nay chủ yếu tập trung cho hai đầu tàu kinh tế của cả nước (Hà Nội và TP.HCM) thì doanh nghiệp cũng chỉ bám ở hai cực này mà ít đầu tư vào nông nghiệp. Bây giờ chúng ta khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên nhưng cả khu vực này không có đường sắt, trong khi đường bộ vừa tắc nghẽn, vừa đắt đỏ thì làm sao thu hút đầu tư vào nông nghiệp?

Không để nông dân bần cùng hóa

Thực tế cho thấy, mặc dù các mô hình tích tụ ruộng đất hiện nay đều mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội nhất định cho các bên tham gia. Tuy nhiên, không nhiều mô hình đạt được cả ba tiêu chí: công bằng, bền vững và hiệu quả. Trong các mô hình tích tụ ruộng đất, mô hình cánh đồng mẫu lớn và mô hình doanh nghiệp thuê ruộng của nông dân được coi là thành công nhất.

Bên cạnh đó, thực tế quá trình tích tụ ruộng đất cũng cho thấy, lao động dôi dư do tích tụ ruộng đất khó tìm việc làm và đảm bảo sinh kế bền vững, xung đột liên quan đến đất đai giữa nông dân và doanh nghiệp tăng lên.

Do đó, để tích tụ ruộng đất thành công, quá trình thực hiện cần phải gắn với tính công bằng, bền vững và hiệu quả, hướng tới cải thiện đời sống cho nông dân, xử lý các xung đột liên quan tới đất đai. Ngoài ra, chính sách thúc đẩy tích tụ đất đai cần phải đồng bộ, gắn với mục tiêu phát triển bền vững, với thị trường lao động.

Việc lựa chọn mô hình tích tụ đất đai cũng không được cứng nhắc, mà phải gắn với điều kiện cụ thể từng địa phương, từng loại cây trồng, thị trường đầu vào, đầu ra, do cộng đồng quyền định và đạt được sự đồng thuận cao của các bên tham gia.

Thời gian tới, để chính sách tích tụ đất đai hiệu quả, cần đảm bảo thời gian giao đất và quy hoạch sử dụng đất đủ dài đối với sản xuất nông nghiệp để người dân an tâm đầu tư vào đất. Cần quy định việc định giá đất phải có sự tham gia và đồng thuận của người dân khi áp dụng phương thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất, hỗ trợ người dân thuê tổ chức thẩm định giá độc lập để xác định giá đất khi góp vốn. Có cơ chế giám sát việc đào tạo lao động và chia lợi tức của doanh nghiệp với hộ nông dân góp vốn.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Để tạo việc làm và chuyển dịch cho lao động nông thôn, phải xác định rõ là đào tạo và chuyển dịch họ sang khu vực làm dịch vụ, thay vì công nghiệp. Bởi nhu cầu về công nhân trong tương lai cũng sẽ không nhiều do đòi hỏi tự động hóa, áp dụng công nghệ. Trong khi lĩnh vực dịch vụ thì nhu cầu về lao động rất lớn, từ bảo vệ, lái xe, giúp việc gia đình, nhà hàng, khách sạn...

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải công nhận những nghề trên là nghề chính thức, phải có chính sách hợp đồng, bảo hiểm và bảo vệ quyền lợi của họ. Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách an sinh xã hội cho những đối tượng không có khả năng tham gia sản xuất nông ngiệp bị ảnh hưởng bởi tích tụ ruộng đất…

Theo Báo Đầu Tư

Các tin cũ hơn