Theo tìm hiểu của chúng tôi, công trình Thuận Kiều Plaza do Công ty xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (nay thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV) hợp tác cùng Công ty Kings Harmony Intl Ltd (Hong Kong) xây dựng, trong đó phía VN góp 25% tổng vốn xây dựng.
Công trình tọa lạc trên khu đất rộng 10.000m2, nằm trên đường Hồng Bàng, một trong những trục đường chính nối trung tâm TP.HCM và khu vực Chợ Lớn.
Ngủ yên 17 năm
Dự án được khởi công từ năm 1994, hoàn thành năm 1998 với quy mô 33 tầng, tổng diện tích xây dựng 100.000m2.
Thông tin từ Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn cho biết hợp đồng liên doanh để xây dựng và khai thác tòa nhà Thuận Kiều có hiệu lực 20 năm kể từ năm 1994. Đến tháng 12-2014, hợp đồng liên doanh hết hiệu lực.
Dự án trên hiện đã được liên doanh bán cho Công ty CP đầu tư An Đông vào năm 2014, gồm những căn hộ chưa sử dụng và toàn bộ phần thương mại.
Sau khi mua lại, chủ đầu tư mới đã thương lượng mua lại toàn bộ các căn hộ đã bán cho người dân.
Nguồn tin này cũng cho biết các đơn vị liên quan hiện đang làm thủ tục để đóng tiền sử dụng đất trước khi trình phương án sửa chữa và nâng cấp lên cơ quan chức năng.
KTS Lưu Trọng Hải - nguyên trưởng phòng quản lý kiến trúc Sở Xây dựng TP.HCM và là một trong những chuyên viên được tham gia góp ý kiến dự án Thuận Kiều Plaza từ những ngày đầu - cho biết dự án này từng được kỳ vọng sẽ thay đổi bộ mặt của Q.5, một trong những quận đầu tiên, ngoài khu vực trung tâm TP.HCM như Q.1 và Q.3, có cao ốc quy mô lớn.
Tuy nhiên, do những sai lầm của chủ đầu tư mà các toan tính ban đầu đã bất thành.
“Qua các lần làm việc khi dự án bắt đầu triển khai, tôi thấy tòa nhà này hoàn toàn thiết kế theo phong cách nhà ở của người Hong Kong với mục tiêu chính là đón đầu dòng người di cư từ Hong Kong trước sự kiện Hong Kong được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997” - ông Hải cho biết.
Cụ thể, chủ đầu tư thiết kế các căn hộ rất chật chội, như những “tổ chim”. Độ cao giữa các tầng khoảng 2,7m, các phòng trong căn hộ nhỏ lắt nhắt...
Tuy nhiên đến năm 1997, Nhà nước Trung Quốc có chính sách cởi mở đối với đặc khu Hong Kong nên không có làn sóng người Hong Kong di cư như nhà đầu tư dự đoán ban đầu. Như vậy, khách hàng của dự án lúc này chỉ là người dân ở khu Q.5.
“Sau 5 - 6 năm kể từ khi khánh thành vẫn không bán được căn hộ tại đây. Người ít tiền không có khả năng mua vì giá quá đắt, người có tiền lại không thích căn hộ kiểu như vậy. Đây là những lý do khiến toan tính ban đầu của nhà đầu tư đã bị thất bại” - ông Hải khẳng định.
Thiết kế căn hộ chưa phù hợp với xứ nhiệt đới
Được biết, khu căn hộ của dự án này tổng diện tích khoảng 60.000m2, gồm 648 căn hộ chia đều cho ba tháp A, B, C với năm loại: loại căn hộ hai phòng ngủ tương đương 80m2, loại ba phòng ngủ khoảng 100m2, loại căn hộ mở rộng khoảng 180m2, loại hai tầng 154m2, loại hai tầng 195m2. Khu thương mại chiếm 20.000m2, diện tích nhà để xe rộng 10.000m2 và câu lạc bộ thể thao giải trí rộng 10.000m2.
Theo KTS Lưu Trọng Hải, ngay từ khi dự án được triển khai, nhiều ý kiến đã đề nghị chủ đầu tư phải làm nhà rộng hơn, thoáng hơn cho phù hợp với xứ nhiệt đới, nhưng chủ đầu tư không chấp nhận.
Trong khi đó, do chưa có một công trình hiện đại nào trên địa bàn, lãnh đạo lúc bấy giờ của Q.5 rất muốn giữ chân chủ đầu tư, nên giữ quan điểm là chuyện thiết kế có phù hợp với thị trường hay không, căn hộ có bán được hay không phải do chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm. Vì vậy, TP chấp thuận.
Ông Hải cũng cho rằng do bên trong là những căn hộ nhỏ nên thiết kế hình dáng bên ngoài tòa nhà cũng bị ảnh hưởng, nhưng xét về mặt kiến trúc, công trình trên rất ổn, tương xứng với bố cục chung của TP. Về mặt cảnh quan thì bố cục này khá đẹp và phù hợp.
“Dù không đẹp bằng các tòa nhà ở Q.1 nhưng tòa nhà này cũng tạo được bộ mặt mới của đô thị khu vực này, chưa kể ưu thế là nằm cạnh một đường rất lớn, tạo được thế đứng rất tốt” - ông Hải nói.
Theo TTO