Thuận Kiều Plaza sắp có chủ mới?

Thứ sáu, 14/08/2015, 21:44
Sau gần 20 năm, hơn 600 căn hộ bỏ hoang do không có người ở, dự án TTTM Thuận Kiều Plaza liệu có được “thoát xác” bởi một đại gia địa ốc?
Thất bại do phong thủy xấu?
Nhiều nhà đầu tư lĩnh vực BĐS cho rằng khu đất gần 10.000m2 của TTTM Thuận Kiều Plaza tại trung tâm quận 5 là niềm mơ ước của không biết bao nhiêu người. Theo đó, vị trí xây dựng dự án này đã được đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông khá đồng bộ và rộng lớn, giúp kết nối thuận lợi với các tỉnh miền Tây. Đặc biệt, đây là khu vực thương mại sầm uất bậc nhất của Tp.HCM từ trước đến này thuộc về cộng đồng người Hoa.
Theo đó, năm 1994 Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (trực thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV) và Kings Harmony Int MTV của HongKong liên doanh xây dựng cao ốc thương mại trên khu đất có diện tích 9.971m², với tổng vốn đầu tư hơn 55 triệu USD.
Công trình gồm 3 tháp, mỗi tháp có 33 tầng, trong đó có khu trung tâm thương mại, 648 căn hộ và các công trình tiện ích khác như hồ bơi, khu giải trí, nhà xe… Năm 1998 công trình này hoàn thành, nhưng không đưa vào khai thác sử dụng từ đó đến nay.
Thuan Kieu Plaza sap co chu moi?
Nguyên nhân của cảnh hoang vắng này, theo một chuyên gia đều bắt nguồn từ việc chủ đầu tư đã xây dựng dự án hoành tráng này mà bỏ qua yếu tố phong thủy. Đây là một vấn đề khá hệ trọng đối với bất kỳ một người Á Đông nào khi mua nhà ở.
Giả thuyết đầu tiên, nhiều người bảo rằng nếu nhìn từ xa với khoảng cách khoảng 500m, tòa nhà này trông không khác gì một con thuyền với 3 ống khói vươn thẳng lên nền trời, trong khi lòng con thuyền không cân xứng với chiều cao này. Do vậy, chiếc thuyền này dễ bị chìm đắm trong những cơn “bão gió” sau khi đưa vào hoạt động.
Một giả thuyết thứ hai, theo một vị kiến trúc sư tại Tp.HCM trao đổi với phóng viên chiều ngày 13/8, nhìn tổng thể, công trình này được thiết kế trông y như một bát hương với 3 cây nhang, một yếu tố trong mỗi gia đình người Việt hay châu Á đều có trong việc thờ cúng.
Bỏ qua yếu tố trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, cho chúng tôi biết rằng các nhà đầu tư đã “bê” nguyên mẫu mô hình nhà ở của HongKong sang đặt tại đây. Trong khi đó, chúng ta thừa biết rằng phong cách thiết kế này lại hoàn toàn không phù hợp với người Việt Nam.
Theo đó, công trình khi đó được xây dựng theo thiết kế xà cột chứ không như hiện nay, do vậy căn hộ nào cũng có một xà ngang chạy ngang nhà mà lại nằm ngay phòng ngủ. Kèm với trần nhà khá thấp, không thoáng khí. Do đó, nhiều người cho rằng chính cây xà này đã “đè” nặng lên cuộc sống, sinh mạng của mình nên không ai dám ở.
“HongKong là nơi đất chật người đông nên kiểu thiết kế này rất phù hợp, nhưng tại Việt Nam thì ngược lại. Người Việt chúng ta phóng khoán nên muốn sống trong một ngôi nhà vuông vứt, thoáng mát chứ không ngột ngạt như thế.”, ông Châu nói.
Một nhà đầu tư khác cũng cho rằng ban đầu chủ ý của người làm nên dự án này với mong muốn bán căn hộ cho cộng đồng người Hoa, nhưng kết quả không như mong muốn nên dự án bị bỏ hoang từ đó đến nay.
Vạn Thịnh Phát mua lại để làm gì?
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, toàn bộ dự án này đã được một doanh nghiệp BĐS lớn của Việt Nam mua lại, đó là Công ty địa ốc Vạn Thịnh Phát. Hiện nay, hai bên đang tiếp tục những thủ tục cần thiết để chuyển nhượng lại dự án. Tuy nhiên, vị này còn cho biết thêm rằng quá trình này sẽ không diễn ra nhanh được và phải mất ít nhất 2 năm nữa mới hoàn tất, mặc dù giá cả của thương vụ này đã được thống nhất.
Trên thị trường, Vạn Thịnh Phát được xem tập đoàn bất động sản tư nhân lớn tại Việt Nam của bà chủ Trương Mỹ Lan. Bà Trương Mỹ Lan nổi lên từ 2011 khi 3 ngân hàng SCB, Đệ Nhất và Việt Nam Tín Nghĩa tiến hành hợp nhất với nhau, năm 2013 bà Lan càng nổi như cồn khi Vạn Thịnh Phát được cho là có liên quan tới thương vụ mua lại Vincom Centre A trị giá tới 470 triệu USD...
Đến 2014, khối tài sản của bà Trương Mỹ Lan được cho là lên tới 6.700 tỷ đồng. Vạn Thịnh Phát thì sở hữu hàng loạt dự án BĐS lớn khác như như Sherwood Residence, trung tâm dịch vụ văn phòng Vạn Thịnh Phát, Khách sạn Windsor – An Đông Plaza, dự án Saigon Peninsula…
Liên quan tới Thuận Kiều Plaza, khi được hỏi rằng chính quyền địa phương có sự hỗ trợ nào cho chủ đầu tư nhằm tháo gỡ những khó khăn để dự án này sớm thoát khỏi cảnh hoang tàn, vị này cho rằng dự án Trung tâm thương mại Thuận Kiều Plaza là của các chủ đầu tư tư nhân, do đó chuyện làm ăn thắng hay thua là họ phải chấp nhận. Dự án bị bỏ hoang nhiều năm thì tự thân doanh nghiệp phải tự biết cách cứu mình.
“Trong bối cảnh thị trường Việt Nam đang phục hồi tốt như hiện nay, quá trình mua bán – sáp nhập các dự án trùm mền để “hóa kiếp” nó là một xu thế không tránh khỏi. Dự án TTTM này nằm ở một vị trí khá tốt nên được mua lại để tái hoạt động kinh doanh cũng nằm trong dòng chảy này”, ông Châu nói.
Dự án này sẽ làm như thế nào để không lao vào “vết xe đổ” hàng chục năm qua, một số ý kiến cho rằng khu đất “vàng” này rất thích hợp để phát triển dự án Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp. Bởi vì, ngay quận 5 hiện nay các dự án loại này không có, lại tọa lạc ở một địa điểm giao thông khá thuận tiện, hạ tầng tiện ích rất nhiều như gần 5 bệnh viện lớn, trường học quốc tế... Vạn Thịnh Phát chắc chắn sẽ đi theo hướng này.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh thiết kế TTTM Thuận Kiều Plaza hiện hữu là khả năng khó xảy ra nhất, thay vào đó công trình này có thể sẽ bị đập bỏ phần 3 tòa tháp chung cư, giữ lại phần chân tháp để thay đổi toàn bộ phần trên, hợp với phong thủy hơn.
Đại diện của một quỹ đầu tư Hoa Kỳ tại Tp.HCM, cho biết thêm trong hơn 2 năm qua quỹ này cũng đã “nhòm ngó” mảnh đất lớn này, nhưng do có quá nhiều vấn đề về thủ tục pháp lý và giá chuyển nhượng nên đành “bỏ cuộc”. Ngoài ra, nếu mua lại dự án này thì nhà đầu tư mới buộc phải đập bỏ để xây mới bởi vì hệ thống bên trong nhiều năm không sử dụng đã xuống cấp rất nghiêm trọng, công nghệ lạc hậu. Quỹ này khẳng định rằng nói là mua lại dự án nhưng thực ra cũng chỉ là mua lại đất!
Theo Trí Thức Trẻ

Các tin cũ hơn