Giọt nước tràn ly
Sự bát nháo của môi giới được xem là “giọt nước tràn ly” khi nhân viên một sàn giao dịch bất động sản tại quận Hà Đông (Hà Nội) đề nghị khách hàng đặt cọc 5 triệu đồng gọi là “phí giữ chỗ” nếu muốn mua căn hộ tại dự án The Vesta (dự án nhà ở xã hội). Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát, đơn vị chủ đầu tư, hoàn toàn bất ngờ trước thông tin trên.
Bởi lẽ, dự án nhà ở xã hội The Vesta chỉ bán cho các đối tượng đủ điều kiện mua nhà theo qui định, chủ đầu tư là đơn vị trực tiếp xét duyệt hồ sơ, không thông qua sàn hay môi giới và không thu bất kỳ khoản phí thủ tục giao dịch nào.
Đội ngũ môi giới từng “đại náo” hội chợ, triển lãm BĐS |
Theo tìm hiểu, đây thực chất là một “chiêu” làm giá khá phổ biến của đội ngũ môi giới bất động sản khi muốn ràng buộc khách hàng với một dự án nào đó. Sau khi cầm được “tiền cọc”, sàn môi giới bất động sản sẽ chủ động trong việc ép giá bên mua, chủ động đàm phán hợp đồng. Thậm chí, đánh vào tâm lý sợ mất “tiền cọc” để ép khách hàng mua căn hộ tại dự án khác thay vì dự án ban đầu.
Thực tế cho thấy, nhiều dự án BĐS mở bán đồng nghĩa với việc, mở cơ hội hoạt động nhộn nhịp của đội ngũ môi giới. Nhiều cá nhân còn lập cả web riêng về dự án để chào mời nhà đầu tư, với những ưu đãi rất có cánh, đánh trúng tâm lý tiêu dùng.
Chị Phương An (Công ty Thiên Bình, quận Đống Đa) cho biết, chị thực sự hấp dẫn khi đọc thông tin trên web về một dự án khu Trung Kính, thế nhưng khi gọi điện liên hệ thì nhân viên cho biết, dự án vừa hết và hỏi mình định mua căn hộ bao nhiêu tiền, khu vực nào họ sẽ tư vấn hoặc để lại số điện thoại họ sẽ liên lạc,… “Thông tin giới thiệu cứ như đúng rồi. Hóa ra chỉ là chiêu kinh doanh, giới thiệu các dự án, khiến mình chả còn cảm hứng mua nhà theo kiểu này nữa”, chị An nói.
Chủ đầu tư không nên dựa vào giao dịch với bên môi giới để tăng giá bán. “Một điều mà chủ đầu tư rất cần phải lưu ý đó là cần lựa chọn những nhà phân phối chuyên nghiệp, có uy tín khi đưa sản phẩm ra thị trường. Không những vậy, chủ đầu tư không nên tuỳ tiện dựa vào giao dịch với bên môi giới để tăng giá bán mà cần xác định được mức giá phù hợp. Nếu không, vô hình chung chính doanh nghiệp đã tiếp tay cho việc đẩy giá nhà của môi giới. Nếu đã bị mất uy tín với người mua như vậy, sẽ rất khó để họ tiếp tục tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản trên thị trường sau này”, ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, nhấn mạnh. |
Điều này là hoàn có cơ sở, ví như mới đây, làng BĐS sôi động với sự mở bán của dự án Imperia Garden (203 Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội) . Đâu đâu cũng thấy môi giới giới thiệu về dự án này.
Điều đáng nói, dự án là do Công ty cổ phần HBI làm chủ đầu tư nhưng một số nhân viên môi giới bất động sản không có đầy đủ thông tin của dự án, vẫn tự động in tờ rơi, tài liệu giới thiệu sai lệch, rằng dự án Imperia Garden là do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng Hòa Bình (viết tắt là HBI, có trụ sở đóng tại tỉnh Long An thuộc Tập đoàn Địa ốc Hòa Bình - HBC) làm chủ đầu tư. “Thậm chí, có đối tượng môi giới còn thiết kế hẳn trang web riêng với tên miền gần giống với tên dự án này để hút khách mua nhà”, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết.
Cần chế tài đủ mạnh
Trao đổi với LĐTĐ về vấn đề nêu trên, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính khẳng định, hiện tượng các nhà môi giới BĐS gây náo loạn thị trường như dư luận phản ánh gần đây là có thực, nhưng chỉ là một số, một góc thị trường và không phải là tất cả. Bởi thực tế, thời gian vừa qua, nhà môi giới chân chính chuyên nghiệp đã góp sức rất lớn vào việc giải phóng thành công lượng lớn hàng tồn kho, đưa thị trường đi vào ổn định và phát triển trở lại.
Tuy nhiên, ông Đính cho rằng, để hoạt động môi giới bất động sản phát huy được tiềm năng vốn có và hạn chế những bất cập không lành mạnh, nhất thiết cần có chế tài đủ mạnh. Hiện, Hội Môi giới bất động sản VN (VARs) đang có những hành động cụ thể để đưa hoạt động môi giới về chuẩn mực.
Ví dụ: Ban hành chuẩn mực đạo đức hành nghề bắt buộc với tất cả những môi giới; xây dựng chương trình đào tạo chuyên môn nghề nghiệp chuẩn mực thống nhất trên toàn quốc; liên kết rộng rãi với các tổ chức đào tạo để hỗ trợ đào tạo lại cho hội viên về nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng và kỹ năng nghề cho môi giới trong hoạt động hành nghề; đề xuất được phối hợp với Bộ Xây dựng tham gia sát hạch nghề nghiệp trước khi bộ cấp chứng chỉ hành nghề; đề xuất với nhà nước bổ sung các qui định, chế tài xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của các nhà môi giới sai phạm.
“Tên những sàn giao dịch bất động sản và môi giới viên BĐS đủ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề môi giới được hội thẩm định, đảm bảo về trình độ, chất lượng sẽ được công bố trên website của Hội Môi giới BĐS. Nhà đầu tư, người tiêu dùng có thể truy cập web để tra cứu tìm kiếm, nắm bắt đầy đủ thông tin về các nhà môi giới, tránh lọt vào “ma trận” của môi giới lệch chuẩn”, ông Đính cho biết.
Còn theo ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, người mua nhà cần tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị môi giới và chủ đầu tư xem họ có đủ điều kiện để bán nhà hay không. Sau đó, nên thẩm định lại thông tin kỹ lưỡng rồi mới đưa ra quyết định giao dịch.
Việc tham khảo giá ở những dự án tương đương cũng nên được người mua nhà chú trọng để có thể kiểm chứng và so sánh với những thông tin đã được dự án thổi phồng sai sự thật. Điều này sẽ giúp ích cho khách hàng khi tham gia các giao dịch BĐS và hạn chế tối đa rủi ro bị lừa đảo.
“Hiện tượng các nhà môi giới BĐS gây náo loạn thị trường là có thực”. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, với LĐTĐ.
Tuy nhiên ông Đính cho rằng, đó chỉ là một số, một góc thị trường và không phải là tất cả. Bởi thực tế, thời gian vừa qua, nhà môi giới chân chính chuyên nghiệp đã góp sức rất lớn vào việc giải phóng thành công lượng lớn hàng tồn kho, đưa thị trường đi vào ổn định và phát triển trở lại. |
Theo Cafeland