Đồng thời, Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại điều 26 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, theo phương thức đàm phán trực tiếp với nhà thầu, để lựa chọn nhà thầu thực hiện đối với gói thầu “Cột ánh sáng kiến trúc Lý (đèn ống hình cột)” và gói thầu “Chế tạo sa bàn và mô hình công trường khảo cổ học” theo đề nghị của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thủ tướng yêu cầu Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với hai gói thầu nêu trên trong trường hợp đáp ứng các điều kiện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo đúng quy định, và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Bên cạnh đó, thực hiện việc trình, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, các nội dung trong đấu thầu, bao gồm cả yêu cầu của gói thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu hiện hành; vốn cho gói thầu phải được bố trí theo tiến độ thực hiện; việc lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo đáp ứng được yêu cầu năng lực, kinh nghiệm, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, tiến độ và hiệu quả kinh tế.
Theo dự án, dưới tầng hầm Nhà Quốc hội sẽ trưng bày một số di tích, di vật khảo cổ tiêu biểu, đặc sắc khai quật được tại khu vực tầng hầm 1 và 2 ở phía Đông của Nhà Quốc hội.
Khu trưng bày có tổng diện tích mặt bằng khoảng 3.700 m2. Trong đó, tầng hầm 1 trưng bày giới thiệu về di tích, di vật thời kỳ Thăng Long, bao gồm từ thời Lý, Trần đến thời Lê, thế kỷ 15-18, trong đó, chủ yếu giới thiệu về thời nhà Lý; tầng hầm 2 trưng bày giới thiệu về di tích, di vật thời kỳ Tiền Thăng Long, bao gồm thời Đại La (thế kỷ 7-9) và thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ 10).
Theo VnEconomy