Năm 2016, liệu “cò đất” có hái ra tiền?

Thứ ba, 16/02/2016, 15:26
2015 là năm bùng nổ của môi giới nhà đất, có người kiếm cả tỉ đồng trong một năm. Năm 2016 được dự báo là năm không mấy an lành cho giới “cò đất”.

Cái Tết ngọt ngào

Một trong những đơn vị hàng đầu về phân phối bất động sản, với số lượng nhân viên môi giới cả nghìn người, Cengroup đã tổng kết năm 2015 với kết quả khả quan, doanh số vượt mốc 1.000 tỉ đồng.

Trong đó, Hệ thống siêu thị dự án BĐS (STDA) đóng góp 62% doanh thu với con số 9.234 giao dịch thành công trên cả nước từ 40 dự án, tổng giá trị giao dịch khoảng 30.000 tỉ đồng.

Cũng giống như nhiều đơn vị kinh doanh bất động sản khác, Cengroup đã tổ chức những hoạt động tổng kết kết năm, chương trình hoạt động văn hóa hoành tráng hơn nhiều so với những năm trước. Từ chương trình vinh danh nhân viên xuất sắc tới hội chợ Tết, mổ lợn, gói bánh…cho nhân viên.

Thu nhập bình quân của nhân viên Cengroup khoảng 20,2 triệu đồng/tháng, cộng với đó là mức thưởng Tết từ 1-2 tháng lương, kèm theo đó là thưởng theo kết quả kinh doanh,…

Không chỉ có Cengroup, nhiều công ty khác cũng có hoạt động kinh doanh tốt. Mức thưởng Tết cộng với tiền hoa hồng cao đã giúp giới “cò đất” có một cái Tết ngọt ngào.

Theo chia sẻ của ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc thì năm 2015 là năm nhân viên kinh doanh của công ty có mức thu nhập cao nhất từ trước đến nay.

Mỗi căn hộ cao cấp giao dịch thành công, môi giới thường thu về tiền hoa hồng khoảng 15 -20 triệu đồng. Một nhân viên xuất xắc mỗi tháng có thể đạt khoảng 3-4 giao dịch. Cộng với lương tháng cơ bản từ 3-4 triệu đồng, thì môi giới trong năm vừa qua có thể có mức thu nhập trung bình từ 600 -700 triệu đồng sau khi trừ đi các chi phí phát sinh khác.

Những ngày cuối năm vừa qua, không ít các công ty địa ốc công bố về mức thưởng Tết cũng như thu nhập của nhân viên môi giới địa ốc. Có công ty công bố họ có tới 150 nhân viên kinh doanh thuộc hàng TOP SALE có  mức thu nhập từ 700 triệu đồng tới 1,5 tỉ đồng.

Thậm chí, cũng đã có thông tin xuất hiện trên thị trường “cò đất” còn kiếm tới 6 tỉ đồng một năm nhờ bán các sản phẩm siêu sang như biệt thự biển, bất động sản nghỉ dưỡng…Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều nhà kinh doanh địa ốc thì đó chỉ là một chiêu trò PR thô thiển, nhằm hút môi giới giỏi trên thị trường vào công ty họ.

2016 liệu có “hốt bạc”?

Năm 2015 đánh dấu một năm giao dịch nhà đất đạt mức kỷ lục, với số lượng thống kê của các cơ quan chuyên môn là khoảng 40.000 giao dịch ở 2 thành phố lớn là HN và Tp.HCM tăng gấp 2 lần năm ngoái. Một năm bội thu của “cò đất”.

Theo dự báo từ các chuyên gia kinh tế, thị trường bất động sản 2016 sẽ tiếp tục khởi sắc, tuy nhiên, sẽ rất khó có được những đột biến như 2015. Tính cạnh tranh trên thị trường sẽ rất khốc liệt.

Trong năm qua, các công ty dịch vụ bất động sản cũng ồ ạt mở ra và tuyển dụng môi giới ráo riết. Nhiều người đã chuyển nghề sang làm môi giới địa ốc, thậm chí họ còn đang là một công chức có lương tháng ổn định.

Điều đó sẽ càng tăng thêm tính cạnh tranh cho giới “cò đất”. Để có thể bán được nhiều sản phẩm thì môi giới buộc phải tìm nhiều cách để kiếm được khách hàng, trong đó có khâu quảng cáo nên họ sẽ phải bỏ ra chi phí nhiều hơn.

Ngoài ra, người mua nhà hiện nay đã thông thái hơn nhiều so với trước, do vậy, môi giới cũng sẽ gặp nhiều khó khăn để thuyết phục họ để đi đến việc “chốt” ký hợp đồng, thậm chí là phải chia sẻ tiền hoa hồng.

Một yếu tố khác sẽ làm giới “cò đất” không còn lộng hành trên thị trường như trước đây, giúp hoạt động này đi vào quy củ và chuyên nghiệp hơn. Đó là quy định về cấp chứng chỉ hành nghề cho môi giới nhà đất mới được Bộ Xây dựng ban hành, và có hiệu lực từ ngày 16/2/2016.

Cụ thể, bắt đầu tư hôm nay môi giới bất động sản phải có chứng chỉ mới được hành nghề, họ phải dự thi sát hạch để có chứng chỉ. Đồng thời họ phải có đủ các điều kiện sau: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không đang trong tình trạng truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án phạt tù; tốt nghiệp từ THPT trở lên; đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi và kinh phí dự thi cho đơn vị tổ chức kỳ thi theo quy định.

Đây được xem là một động thái mạnh tay của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm hạn chế tình trạng tung hoành của “cò đất”, đặc biệt là khi thị trường sôi động như hiện nay, sự hấp dẫn của nhà đất khiến họ tìm đủ cách để kiếm tiền.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn