Cuộc đua thâu tóm đất vàng 93 Láng Hạ giữa các công ty bất động sản diễn ra gay cấn |
Được biết, Cty BĐS An Thịnh là chủ đầu tư Dự án chung cư 93 Láng Hạ. Đây hiện là khu tập thể cũ 5 tầng, có diện tích đất 5.000m2, đi vào hoạt động từ năm 1987 đến nay hạ tầng đã xuống cấp, và thành phố đã cho phép Cty BĐS An Thịnh được đầu tư dự án mới.
Tuy nhiên, sau nhiều năm không triển khai dự án, năm 2015 đã có nhiều công ty địa ốc nhảy vào thâu tóm An Thịnh.
Cuộc đua tranh thâu tóm công ty BĐS An Thịnh diễn ra bất ngờ khi có nhiều đại gia bất động sản cùng “tham chiến”. Đó đều là những đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư BĐS như Hà Đô Group, Vinaconex 2, CTCP Vimeco (VMC) và CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị Vinaconex (IUC),…
Trong đó, hai cái tên sáng giá cho vị trí ông chủ mới của BĐS An Thịnh là nhóm cổ đông của VC2, VMC và IUC và phía còn lại là Hà Đô Group. Cả hai bên đều có thông tin công bố sẽ nhận chuyển nhượng cổ phần của Cty BĐS An Thịnh, và đã ký hợp đồng hồi tháng 9 năm 2015.
Thậm chí, Hà Đô Group còn là người đến trước khi cho biết là họ đã ký hợp đồng mua bán cổ phần từ 3 cổ đông là ông Đoàn Hiếu Minh, ông Đoàn Văn Thức và CTCP An Xuân; tương đương 81,4% tổng số cổ phần BĐS An Thịnh từ cuối tháng 7/2015.
Tưởng chừng như cuộc đua tranh thâu tóm khu “đất vàng” này đã hoàn tất. Ban đầu là Hà Đô Group gần như đã chắc suất khi họ còn tuyên bố những giao dịch mua bán cổ phần An Thịnh với ba cổ đông trên sau ngày 24/7/2015 là không đúng quy định pháp luật.
Không lâu sau đó, ngày 15/9/2015, Vinaconex 2 cũng có thông báo là đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 100% cổ phần BĐS An Thịnh ngày 8/9/2015, giữa bên bán là BĐS An Thịnh và bên mua là VMC, VC2 và IUC. Trong đó, riêng VC2 cho biết đã đăng ký nhận về 29,85% vốn.
Dù vậy, thương vụ chuyển nhượng dự án 93 Láng Hạ lại diễn ra khá ly kỳ, khi mà vào đầu tháng 9/2015 lại có thông tin nhóm cổ đông An Thịnh đã hủy hợp đồng với Hà Đô vì một số cam kết trong hợp đồng không được thực hiện. Có nguồn tin cho biết nhóm cổ đông này đã có văn bản gửi Vietcombank trả lại thư bảo lãnh.
Câu chuyện về thương vụ dự án 93 Láng Hạ lại càng ly kỳ hơn khi bỗng dưng có Tổng CTCP XNK và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex (VCG) tham gia. Dù kết hoạch mua cổ phần An Thịnh chỉ mới được HĐQT của VCG thông qua hồi tháng 12/2015.
Với sự tranh đua của nhiều “ông lớn”, cuộc thâu tóm An Thịnh trở nên khó lường và cái kết là cả Hà Đô và nhóm VMC, VC2, IUC đã thua Vinaconex.
VCG vừa có thông báo, Vinaconex và các cổ đông BĐS An Thịnh đã tiến hành giao dịch mua bán cổ phần. Đến nay, VCG đã hoàn tất các thủ tục pháp lý để trở thành cổ đông lớn và là công ty mẹ của BĐS An Thịnh.
Được biết, hồi tháng 4 năm 2014 Vinaconex cũng đã có hợp tác đầu tư Dự án cải tạo chung cư cũ 97 Láng Hạ ngay cạnh khu tập thể 93 Láng Hạ, với tỉ lệ góp vốn 45%.
CTCP Bất động sản An Thịnh được thành lập tháng 8/2007, với vốn điều lệ 70 tỷ đồng. Dự án 93 Láng Hạ có quy hoạch ban đầu là tòa nhà được xây dựng theo hình thức "hợp khối" cao 27 tầng với các diện tích công năng khác. Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2010.'
Theo Tri Thức Trẻ