Tiền từ Nhật Bản sẽ đổ mạnh vào BĐS Việt Nam

Thứ bảy, 20/02/2016, 10:16
Theo dữ liệu của Real Capital Analytics, Việt Nam ghi nhận tổng cộng gần 6 tỷ USD chuyển nhượng BĐS trong 10 năm qua. Trong đó, một tỷ lệ lớn các giao dịch chuyển nhượng là cho các khu đất dự án, chiếm hơn một phần ba tổng giá trị giao dịch.

Doanh nghiệp địa ốc nội vẫn làm chủ thị trường

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang được cho là có triển vọng tương đối vững vàng bất chấp bối cảnh kinh tế khu vực, đặc biệt là khi Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp nhận một dòng vốn đầu tư mới sau khi trở thành thành viên và đối tác của các hiệp định thương mại tự do khu vực và quốc tế, bao gồm Hiệp định TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Sau những nỗ lực gần đây để mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có việc nới lỏng quy định cho phép người nước ngoài mua nhà, và nới “room” sở hữu nước ngoài của các công ty niêm yết, Việt Nam kì vọng hưởng lợi từ sự gia tăng đầu tư nước ngoài trong vài năm tới, bao gồm thị trường BĐS.

Theo CBRE Việt Nam, trên thị trường BĐS trong nước hiện nay đang có hai nhóm nhà đầu tư khác nhau. Theo đó, các chủ đầu tư tiếp tục là nhóm đầu tư lớn nhất vào thị trường BĐS Việt Nam. Các chủ đầu tư trong nước hiện vẫn chiếm lĩnh thị trường, do có lợi thế tiếp cận quỹ đất và hiểu biết môi trường kinh doanh trong nước.

Về mặt phân khúc, cũng theo một báo cáo mới đây của CBRE, BĐS nhà ở vẫn là trọng tâm của thị trường và dự kiến sẽ duy trì ở vị trí này trong thời gian tới. Phân khúc này phục vụ cho nhu cầu tiếp tục gia tăng đặc biệt là từ các gia đình trung lưu ở các thành phố lớn. Thời gian qua, nhà đầu tư địa ốc trong nước vẫn làm chủ phân khúc này.

Nhóm đầu tư lớn thứ hai trên thị trường BĐS Việt Nam là các tổ chức đầu tư, bao gồm các quỹ bất động sản, ngân hàng đầu tư, các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí.

Trong thời gian gần đây, các tổ chức đầu tư đã thể hiện sự quan tâm lớn hơn tới thị trường BĐS Việt Nam. Phân khúc BĐS thương mại thông thường là kênh đầu tư yêu thích của các tổ chức đầu tư, nên dự kiến sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài, Quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT) được kì vọng trở nên phổ biến hơn trong thời gian tới khi thị trường ngày một phát triển, đáp ứng nhu cầu vốn gia tăng của các dự án BĐS.

Các nhà đầu tư Nhật Bản tạo lập sân chơi mới

Trong những năm qua, thị trường BĐS đã thu hút được lượng đầu tư lớn từ Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Hồng Kông. Trong 2 năm gần đây, số lượng các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm tới thị trường Việt Nam đã tăng lên đáng kể, và dự kiến sẽ có sự tham gia đầu tư mạnh mẽ hơn của khối đầu tư này vào thị trường BĐS. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Singapore và Hàn Quốc sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam, tận dụng những kinh nghiệm tích luỹ trong quá khứ.

Theo quan sát của giới nghiên cứu, gần một nửa các giao dịch và nhu cầu đầu tư vào các khu đất là cho mục đích sử dụng hỗn hợp bao gồm nhà ở vốn vẫn đang là phân khúc có nhu cầu cao. Tỷ lệ sinh lời từ cho thuê nhà ở tại Việt Nam hiện đang ở mức hấp dẫn nhất trong khu vực, đồng thời giá bán lại rẻ hơn một cách tương đối, nên đầu tư vào BĐS nhà ở tại Việt Nam hiện đang là kênh đầu tư hấp dẫn đối với khối ngoại.

BĐS thương mại đang hoạt động vẫn là loại hình được nhiều nhà đầu tư quan tâm, trong đó BĐS văn phòng sẽ tiếp tục là mục tiêu chính của các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tp.HCM là thị trường được đặc biệt ưa thích, do giá thuê tại nhiều tòa nhà tại Tp. HCM được dự báo sẽ tăng.

Song song đó, các báo cáo cũng cho thấy thị trường BĐS nghỉ dưỡng vẫn sẽ sôi động do Việt Nam đang nổi lên như một điểm nghỉ dưỡng mới, trong khi BĐS công nghiệp cũng được kì vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi các tập đoàn đa quốc gia mở rộng các cơ sở sản xuất ở Việt Nam để tận dụng lợi thế của hiệp định TPP và những ưu thế về giao thương khác.

CBRE Việt Nam cho biết các nhà đầu tư sẽ tiếp tục cạnh tranh để mua những BĐS ở các vị trí đắc địa, khiến cho tỷ suất sinh lời tiếp tục duy trì ở mức được đánh giá là thấp, chỉ xung quanh 7%-8%, cho đến khi có thêm nguồn cung mới tại những vị trí vàng. Nguồn cung BĐS sẵn sàng để đầu tư còn hạn chế cùng với khó khăn trong thương lượng về giá cả sẽ là những rào cản chính cho hoạt động đầu tư.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích