Bộ phận Nghiên cứu CBRE ước tính sẽ có hơn 18.200 căn hộ hạng sang và cao cấp được chào bán trong năm 2016, và khoảng 41.000 căn ở những năm kế tiếp. Trong khi đó, nguồn cung nhà ở hợp túi tiền (600 triệu - 1,2 tỷ đồng) lại đang khan hiếm so với nhu cầu thực.
So với trước, nguồn cung mới tăng gần ba lần, tổng cộng có 16.674 căn hộ được chào bán trong năm 2015. Con số này cao gấp bốn lần so với năm 2007, cho thấy quy mô thị trường hiện nay lớn hơn nhiều so với thời hoàng kim 2006 – 2007.
Có thể thấy rõ Công ty Phú Mỹ Hưng và tập đoàn Vingroup là hai chủ đầu tư lớn nhất trên thị trường căn hộ hạng sang và cao cấp tại TP.HCM, lần lượt giới thiệu thêm dự án ở khu Nam và khu Đông, nơi có thị trường cho thuê sôi động nhất với tỷ suất sinh lời khá cao.
Hầu hết các công ty tư vấn nghiên cứu thị trường đều nhận thấy, nguồn cung căn hộ cao cấp tại Tp.HCM đang gia tăng nhanh chóng. CBRE ước tính năm qua TP.HCM đã tiêu thụ 36.160 căn hộ, tăng 98% so với năm trước. Còn theo Hiệp hội BĐS TPHCM, giao dịch BĐS tăng mạnh trong năm 2015, với hơn 26.000 giao dịch thành công, tăng gấp 1 lần rưỡi so với năm 2014, giá chào bán tăng 2% - 15%.
Còn báo cáo từ Công ty Nghiên cứu thị trường Savills cho thấy, bắt đầu từ quý 4/2015, nguồn cầu của những sản phẩm cao cấp tăng cao ở những khu vực phát triển; lượng giao dịch của những căn hộ có tổng thanh toán hơn 300.000USD chiếm 28% tổng lượng giao dịch.
Phân khúc BĐS cao cấp tập trung ở khu vực phía Đông (từ bờ Tây sông Sài Gòn: quận Bình Thạnh, quận 1, quận 4, quận 7 sang quận 2 và một phần quận 9, quận Thủ Đức), khu Nam. Phân khúc này đang có sự phát triển thêm ở hướng Tây - Tây Bắc của thành phố (quận Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp).
Năm 2015, giá bán của sản phẩm cao cấp tăng vọt so với cùng kỳ, hiện ở mức trung bình là 2.025USD/m². Năm nay dự kiến một số dự án ở khu trung tâm thành phố sẽ được mở bán với mức giá trên 7.000USD/m².
Đặc biệt, tổng thể thị trường sẽ chào đón hơn 45.000 căn hộ từ hơn 90 dự án thuộc mọi phân khúc trên khắp TP.HCM, tỷ trọng nguồn cung các dự án thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang sẽ tăng thêm 20% so với năm vừa qua.
Ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Him Lam, cho rằng, dòng sản phẩm cao cấp sẽ được nhiều doanh nghiệp ưu tiên triển khai vì sức mua trên thị trường khá tốt, đồng thời đón luồng khách hàng mới là Việt kiều và người nước ngoài khi giá bán các sản phẩm này vẫn còn khá rẻ, nếu so sánh với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, Luật Nhà Ở sửa đổi và Luật Kinh Doanh Bất Động Sản có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, trong đó nổi bật nhất là quy định cho phép người nước ngoài mua BĐS tại Việt Nam với nhiều quyền lợi được mở rộng.
Kể từ đó, thị trường ghi nhận lượng khách nước ngoài quan tâm nhiều đến những dự án cao cấp có chất lượng tốt được phát triển bởi các chủ đầu tư danh tiếng ở cả Hà Nội và TP.HCM.
Theo tìm hiểu, nhiều người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam rất quan tâm đến phân khúc nhà ở cao cấp, và mua để đầu tư cho thuê. Tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động cho thuê khá hấp dẫn khi so sánh với những nước phát triển hơn.
Lượng khách thuê có sẵn, đặc biệt ở các vị trí gần trường quốc tế, giúp họ mau chóng lấp đầy căn hộ. Thậm chí một dự án đã bán hết quỹ sản phẩm dành cho người nước ngoài chỉ bốn tháng sau khi chính thức mở bán.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khác cũng cho rằng, hiện có quá nhiều doanh nghiệp BĐS tung hàng trong thời điểm này, chủ yếu là căn hộ cao cấp. Trong khi đó, có nhiều dự án không nằm trong vị trí đẹp cũng như đủ chuẩn để có thể “tự xưng” là căn hộ cao cấp.
Nếu các doanh nghiệp BĐS không cẩn trọng, vô tình sẽ làm cho thị trường BĐS hình thành một mặt bằng giá mới, không đúng với thực tế, như vậy sẽ gây hại cho thị trường.
Theo Tri Thức Trẻ