Ngày 31 – 10, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với các sở ngành liên quan khẩn trương rà soát các chiến lược phát triển kinh tế xã hội, các quy hoạch xây dựng đô thị. Đồng thời điều chỉnh nội dung các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng tài nguyên nước, quy hoạch quản lý chất thải rắn, kế hoạch xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường và kế hoạch xử lý cơ sở không phù hợp quy hoạch.
UBND TP.HCM cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM sớm triển khai Chương trình giảm ô nhiễm môi trường sau khi được Thành ủy TP.HCM thông qua. Xây dựng lộ trình cụ thể, phát triển hài hòa các phương tiện giao thông vận tải, gắn với việc tăng cường sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường như xăng E5, E10, khí hóa lỏng CNG, LNG... cùng với việc thay đổi công nghệ, phương tiện vận tải, trồng cây xanh trên địa bàn TP.HCM.
Sở Tài nguyên Môi trường cũng được giao nghiên cứu, đề xuất đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực, kể cả xử lý nước thải. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải và hệ thống thu gom nước thải. Chủ động trong vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, gắn với chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
TP.HCM sẽ điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất phù hợp với thực tế |
Đẩy mạnh xây dựng hệ thống các trạm quan sát môi trường trên địa bàn TP.HCM. Xây dựng nhà vệ sinh công cộng, thùng rác công cộng. Phát động các phong trào trồng cây xanh nhằm góp phần xây dựng TP.HCM xanh, sạch, đẹp, không ô nhiễm môi trường...
Giảm ô nhiễm môi trường là một trong những chương trình trọng điểm của TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt được nhiều mục tiêu giảm 90% mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt so với năm 2011, 90% nguồn khí thải công nghiệp có nguồn thải tập trung được xử lý đạt quy chuẩn môi trường.
TP.HCM cũng phấn đấu 95% các cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ có lưu lượng nước thải từ 10m3/ ngày đêm trở lên có hệ thống xử lý đạt quy chuẩn môi trường, giảm 90% mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt so với năm 2011, 90% nguồn khí thải công nghiệp có nguồn thải tập trung được xử lý đạt quy chuẩn môi trường.
100% nước thải y tế được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường, giảm 70% ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông so với năm 2011, 55% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn môi trường.
Đồng thời, TP.HCM tiếp tục kiểm tra, giám sát, duy trì 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường để giám sát.
Trước đó, UBND TP.HCM yêu cầu thành lập tổ công tác điều phối quy hoạch phát triển đô thị khu vực hướng Đông TP.HCM. Từ đó, nghiên cứu đề xuất định hướng điều chỉnh quy hoạch đô thị trên cơ sở cân đối chỉ tiêu quy mô dân số, sử dụng đất, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị chung cho cả khu vực này để làm cơ sở cho việc điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM sắp tới.
UBND TP.HCM cũng giao tổ công tác khẩn trương rà soát, đánh giá hiện trạng, quy hoạch đô thị được duyệt, nhu cầu thực tiễn phát triển dự án nhà ở, dự án phúc lợi xã hội, dự án hạ tầng kỹ thuật tại đây. Đồng thời, đề xuất các giải pháp mang tính đột phá nhằm thúc đẩy phát triển khu vực này trở thành một khu đô thị phát triển bền vững và đồng bộ.
Còn UBND quận 6 được giao tổ chức lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại các khu vực quy hoạch trên địa bàn quận và công bố công khai cho người dân sau khi các điều chỉnh cục bộ quy hoạch này được duyệt.
Các cơ quan chức năng sẽ đề xuất các cơ chế chính sách nhằm tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư các dự án phát triển đô thị cũng như các chính sách quản lý về nhà, đất trong khu vực quy hoạch nhằm hạn chế gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng dân cư trong khu vực quy hoạch.
Theo PLO