Trước ngày 25/6, Bộ Công an, Bộ Công thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải báo cáo sự việc của ông Trịnh Xuân Thanh gửi Thủ tướng Chính phủ. |
Trao đổi với PV sáng nay 14/6, ông Trần Lưu Hải - nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, ông Trịnh Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang không nằm trong danh sách 44 cán bộ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư luân chuyển, điều động về công tác ở các địa phương giữ các chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Phó chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.
Việc luân chuyển công tác của ông Trịnh Xuân Thanh do tỉnh Hậu Giang đề xuất và trao đổi, thống nhất với Bộ Công thương.
“Về nguyên tắc việc này không sai, bởi Ban Bí thư không quản lý nhân sự Phó Chủ tịch ở các tỉnh, trừ TP.HCM và Hà Nội Ban Bí thư quản lý thôi. Chức danh Phó Chủ tịch tỉnh do các địa phương tự quản lý, có thể sử dụng nhân tài tại chỗ hoặc lấy từ chỗ khác về đề bạt cũng được. Còn danh sách 44 cán bộ do Trung ương luân chuyển (vào tháng 3/2014) thì không có tên ông Trịnh Xuân Thanh”- ông Hải nói.
Bày tỏ quan điểm về sự việc này, ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, cử tri cả nước và cán bộ lão thành đều rất hoan nghênh chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về sự việc của ông Trịnh Xuân Thanh.
“Ông Thanh này nổi tiếng rồi, lãnh đạo doanh nghiệp gây thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng nhưng lại lên Bộ Công thương rồi được luân chuyển về tỉnh Hậu Giang làm lãnh đạo... Không thể có chuyện khuyết điểm như thế, thua lỗ như thế lại sang Bộ Công thương, rồi lại vào Hậu Giang và trúng đại biểu Quốc hội trên 75%”- ông Hương thẳng thắn.
Trong thời gian ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã lỗ lũy kế đến cuối năm 2013 lên tới 3.262 tỷ đồng. Tuy nhiên tháng 9/2013, ông Thanh bất ngờ rời khỏi doanh nghiệp này và được bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh văn phòng Bộ Công thương - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng.
Ngày 25/1/2014, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 49/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nêu rõ: “Yêu cầu Tập đoàn kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ gây khó khăn cho Tập đoàn của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam. Xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Báo cáo Bộ Công Thương và yêu cầu Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Khi việc xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ còn chưa rõ ràng thì ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Công thương bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng - Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương. Đến tháng 5/2015, ông Thanh được luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016. Kết quả được Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố chiều 9/6 vừa qua, ông Thanh tiếp tục trúng cử đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang với tỷ lệ 75,28% phiếu tán thành.
Ngày 9/6, Văn phòng Trung ương Đảng đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an, Ban cán sự đảng các bộ Công Thương, Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung mà báo chí phản ánh về việc sử dụng xe tư gắn biển xanh và những “di sản” của Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh khi lãnh đạo PVC gây thua lỗ lớn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng tổ chức việc kiểm tra, kết luận, coi đây là “việc cần làm ngay” và báo cáo kết quả với Ban Bí thư.
Tiếp đó, ngày 10/6, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Công thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm rõ sự việc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/6.
Theo Dân Trí