Ngày 13/6, làm việc với các doanh nghiệp trẻ thuộc Tổ chức lãnh đạo trẻ Việt Nam (YPO), ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định thành phố cam kết tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào đây. Theo ông Phong, mục tiêu của TP.HCM là phấn đấu để trở thành một trung tâm kinh tế thương mại đầu tàu và là động lực kinh tế của cả nước.
“Chính vì vậy, tiêu điểm của TP.HCM năm tới là nhắm tới phát triển như các thành phố khu vực Đông Á. Nếu đặt tầm nhìn không đúng mức, mọi nỗ lực sẽ không đạt yêu cầu. Hiện nay, vấn đề đặt ra cho lãnh đạo cũng như đội ngũ cán bộ thành phố là xác định tầm nhìn cho mình để tạo sự thay đổi hướng đến mục tiêu. Trong quá trình hướng đến mục tiêu, tôi hy vọng các doanh nghiệp cùng với thành phố bắt tay để xây dựng TP.HCM trở thành đầu tàu và động lực phát triển kinh tế của cả nước”, ông Phong chia sẻ.
Doanh nghiệp hào hứng hiến kế cho lãnh đạo thành phố. |
Chủ tịch TP.HCM cho biết để hướng tới mục tiêu, thành phố đang phối hợp với các viện kinh tế và chuyên gia trình Trung ương cơ chế thúc đẩy thành phố phát triển. Bên cạnh đó, ông kêu gọi các doanh nghiệp tạo ra sự chuyển biến đột phá mang tính chất khởi nghiệp.
“Khởi nghiệp ở đây không phải là chập chững bước vào thương trường mà khởi nghiệp là chuyển biến đổi mới để vững vàng cạnh tranh với các thương hiệu lớn, với những sản phẩm chất lượng. Khi chúng ta gia nhập TPP, hàng rào thuế quan đã được gỡ bỏ thì các doanh nghiệp phải có sự chuyển biến mang tính đột phá để cạnh tranh. Sự đổi mới không chỉ riêng doanh nghiệp, đội ngũ quản lý cũng phải đổi mới để bắt tay cùng doanh nghiệp tạo một môi trường cạnh tranh năng động”, ông Phong giải thích.
Đồng thời khẳng định, mối quan tâm lớn của TP.HCM là hạ tầng đô thị và môi trường đầu tư kinh doanh. Người đứng đầu thành phố kêu gọi mọi người cùng chia sẻ, đồng hành để xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm phát triển dịch vụ giá trị gia tăng cao, là trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm của những tập đoàn lớn trên thế giới.
“TP.HCM sẽ xây tổ để mời đại bàng”, ông Phong ví von.
Sự chân tình của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khiến các lãnh đạo doanh nghiệp hồ hởi đóng góp ý kiến. Ông Don Lâm, Tổng giám đốc VinaCapital Group cho rằng thành phố nên có sẵn “sản phẩm” để các nhà đầu tư có thể mua và bán, cụ thể như trái phiếu hay các công ty cổ phần. Để thu hút những nhà đầu tư hạ tầng, cần chuẩn bị sẵn để họ đầu tư, bởi các nhà đầu tư rất ngại việc sẽ mất 3-4 năm trời để đàm phán.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Công ty AA Corporation góp ý thành phố cần có trung tâm triển lãm tầm cỡ. Hiện TP.HCM mới chỉ có nhà triển lãm với diện tích khiêm tốn 20.000m2 ở quận 7, trong khi Singapore đã có trung tâm 200.000 m2, Quảng Châu sở hữu trung tâm 800.000m2. “Cần có trung tâm triển lãm rộng lớn để tập trung lôi kéo doanh nghiệp đến thúc đẩy giá trị gia tăng”, ông Khanh hiến kế.
Lấy Thủ Thiêm làm tâm điểm cho phát triển thành phố, ông Võ Sỹ Nhân, Tổng giám đốc NP Capital Partner Limited cho rằng, TP HCM có cơ hội phát triển Thủ Thiêm rất lớn nhưng hiện tại chỉ mới phát triển phần cứng còn phần mềm chưa được quan tâm.
“Thủ Thiêm cần những tuyến metro, những cây cầu để kết nối, tuy nhiên, để trở thành trung tâm tài chính thương mại, dịch vụ cao cấp thì cần phải có những phần mềm. Đó là những chính sách khác biệt để thu hút các nhà đầu tư về phía Đông thành phố. Để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, những quỹ đầu tư và định chế tài chính lớn, Thủ Thiêm cần có những phần mềm như chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, tạo điều kiện làm visa…”, ông Nhân kiến nghị, đồng thời không quên góp ý thành phố cần chấn chỉnh lại bộ mặt của sân bay Tân Sơn Nhất - cửa ngõ đón khách quốc tế.
“Cách sắp xếp đưa đón của taxi trong nhà ga rất lộn xộn cần sắp xếp lại vì đây là hình ảnh đầu tiên của chúng ta đối với cộng đồng quốc tế khi đặt chân xuống TP.HCM”, ông Nhân trăn trở.
Đại diện cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nhân Trần Văn Trọng đề nghị thành phố cần nghiên cứu chỗ cho những doanh nghiệp này vì quy mô và vốn của họ không đủ để dời đi quá xa trung tâm thành phố, thậm chí phải dời qua các tỉnh khác. Địa điểm phù hợp theo ông Trọng gợi ý là Thủ Thiêm.
Trả lời về các bất cập trong sân bay, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong thẳng thắn chia sẻ: “Tôi nhiều lần không đi theo tiêu chuẩn phòng VIP mà đi hạng bình thường nên đã chứng kiến được sự lộn xộn ở sân bay Tân Sơn Nhất và đã có kiến nghị lên Cục Hàng không rồi. Vì vấn đề trong sân bay Tân Sơn Nhất không thuộc thẩm quyền của thành phố”.
Còn với việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chủ tịch Phong cho biết thành phố đang phối hợp với Đại học Kinh tế TP.HCM làm đề án giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tận dụng diện tích nhỏ để sản xuất sản phẩm. Tuy nhiên, đất Thủ Thiêm không có, nên thành phố đã dành 80ha đất ở Hiệp Phước cho các doanh nghiệp này.
"Tôi thấy ở Nhật Bản có doanh nghiệp chỉ cần 50 đến 100m2 mà vẫn tiến hành sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ xuất khẩu toàn cầu. Hiện nay, thành phố đã xây nhà xưởng như vậy trong khu chế xuất Tân Thuận với tòa nhà 7 tầng và đã được thuê hết”. Về trung tâm triển lãm, ông Phong cho biết đang chỉ định một đơn vị nghiên cứu xây dựng trung tâm triển lãm 17ha tại TP. HCM.
Theo VNE