LTS: Một bác sĩ vừa đăng những lời xúc phạm nhà báo trên facebook: "…tối nay đi trực mà gặp nhà báo ngừng tim thì tôi sẽ theo ý trời", "Giá mà ngành báo này yên nghỉ thì cái xã hội này sẽ bớt điên loạn". Nhiều nhà báo, tờ báo đã lên tiếng về việc này.
Để có một cái nhìn đa chiều, chúng tôi xin đăng tải ý kiến của bác sĩ Võ Xuân Sơn, một facebooker có tiếng.
Câu chuyện nảy sinh khi trao đổi về một vài trường hợp nhân viên y tế bị xử lý oan ức, sau khi một vài trang mạng hoặc tờ báo đăng tải thông tin không đúng về họ.
Hoặc thông tin, hình ảnh thì đúng, nhưng chỉ là một hình ảnh cắt ngang trong cả một quá trình (một nửa sự thật không phải là sự thật), khiến dư luận hiểu lầm.
Và trong lúc bức xúc, bác sĩ B.N.T đã có những lời lẽ không hay lắm:
Mặc dù, tôi hiểu rằng, anh chỉ ám chỉ một vài người đưa tin với dụng ý không tốt, nhưng đã gây không ít người, trong đó có cả những nhà báo - cho rằng đó là anh nhận xét mang tính "tổng kết" về tất cả các nhà báo.
Đã từng là nạn nhân của việc đưa tin không khách quan, tôi rất hiểu cảm giác nóng giận và bất lực của một người bị lên án một cách vô lý.
Tôi đã từng nói chuyện với bác sĩ H., nhân vật chính trong câu chuyện "bác sĩ gác chân lên giường bệnh". Hình ảnh này cũng đã gây một cơn bão trên mạng xã hội rồi lan ra báo chí mấy tháng trước.
Hình ảnh phản cảm của bác sĩ H khi thăm khám cho bệnh nhân đã gây bức xúc trong dư luận tại Phú Thọ năm 2015. |
Chỉ vì một hình ảnh cắt ngang, không thể hiện đầy đủ sự thật, trong khi vị bác sĩ ấy đang gắng làm điều tốt cho người bệnh. Chỉ vì ham muốn nổi tiếng của một kẻ vô công rỗi nghề, và một lần đưa tin không cân nhắc của một nhà báo, mà cuộc đời bác sĩ H. đã sang trang khác, u ám hơn.
Không biết đến bao giờ anh mới cân bằng trở lại được.Và vì vậy, tôi hiểu nỗi bức xúc của bác sĩ B.N.T khi nhắc lại những câu chuyện đau lòng đó.
Tuy nhiên, ngành nghề nào cũng có người thế này, thế khác. Ngay trong ngành y cũng có những bác sĩ vòi vĩnh, bắt ép bệnh nhân đấy thôi.
Không thể vơ đũa cả nắm được. Trên thực tế, nếu không nhờ những nhà báo chân chính, làm sao mà ngành y có thể làm tốt công tác truyền thông được, làm sao mà có tỉ lệ hơn 75% người dân mua BHYT.
Bác sĩ Võ Xuân Sơn |
Tôi cũng đã trao đổi cá nhân với bác sĩ B.N.T. Đúng là do quá bức xúc mà anh ấy đã không cẩn trọng trong bình luận của mình, làm cho mọi người hiểu lầm.
Không riêng gì bác sĩ B.N.T, tôi cho rằng nhiều người trong chúng ta cần rút kinh nghiệm. Cho dù fb là trang cá nhân, nhưng khi để chế độ public, nó trở thành trang chung, dành cho cộng đồng, nên chúng ta cần cẩn trọng hơn khi phát biểu ý kiến, tránh tác động không tốt đến xã hội.
Tuy nhiên, qua việc này hi vọng các nhà báo bức xúc với comment của bác sĩ B.N.T hiểu được tâm trạng của nhân viên y tế khi có rất nhiều người lên mạng mạt sát họ. Và không chỉ mạt sát khi họ sai, mà cả khi họ đúng, khi họ bị hành hung, bị bạo hành.
Thậm chí, nhiều kẻ còn mạt sát nhân viên y tế ngay trên trang nhà của họ, mà chẳng cần lý do gì, hoặc chỉ vì tức giận sau một lần đưa tin, giật tít thiếu cẩn trọng của một nhà báo nào đó.
Cách đây chưa lâu, tại bệnh viện quận Tân Phú -TP HCM, một người nhà bệnh nhi vô cớ tát thẳng vào mặt bác sĩ đang khám cho con mình, ngay trong bệnh viện.
Khi nhà báo phỏng vấn, người phụ nữ này thừa nhận một cách ... tỉnh bơ: "Biết là bác sĩ đó không có lỗi gì, nhưng tại bức xúc quá nên tát đại".
Trời ơi, bác sĩ không phải là người sao? Không có thể diện và không biết đau hay sao?
May quá, những người có cách hành xử hồ đồ như chị phụ nữ nói trên không phải là số nhiều. Nếu không, chắc không ít người trong chúng tôi đã bỏ nghề.
Nhân ngày Nhà báo Việt Nam đang đến gần, tôi chân thành chúc các nhà báo sức khỏe dồi dào, tinh thần minh mẫn, có nhiều bài viết hay, bài viết đúng sự thật, góp phần làm cho xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh.
PS: Nếu lỡ có nhà báo nào có chuyện gì liên quan đến sức khỏe, bị ngừng tim, thì anh em chúng tôi hứa sẽ cố gắng hết sức để cùng các bạn cãi lại ý trời.
Theo Trí Thức Trẻ