Dù là người “ngoại đạo” nhưng ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận thấy phát triển quy hoạch của thành phố nói chung và kể cả quy hoạch lõi, đang có những vấn đề và đang đi chệch hướng. “Đến giờ chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội. Trong năm vừa qua, có những khu đất 5-7ha các anh cũng băm ra cho 2-3 chủ đầu tư”, ông Nguyễn Đức Chung nói.
Nhà cao tầng ken đặc đất đô thị
Điển hình của việc “băm nát” quy hoạch đó hiện diện rất rõ nét trong “Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm” tại quận Hoàng Mai. Khu đô thị này được khởi công từ năm 1997, trên diện tích 200 ha (bao gồm cả 74 ha hồ điều hòa) với quy mô dân số khoảng 25.000 người. Đến năm 2001, khu đô thị kiểu mẫu này cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay các khu chung cư cao tầng vẫn ùn ùn mọc lên khắp khu đô thị, khiến dân số lên đến khoảng 70.000 người.
Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm hiện đang quá tải cơ sở hạ tầng xã hội |
Chính vì các tòa nhà cao tầng đua nhau mọc lên tại “Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm” nên đầu tháng 12/2016, HĐND TP Hà Nội đã phải thông qua việc thành lập 8 tổ dân phố mới tại đây. Dân số tăng lên chóng mặt, phương tiện giao thông tăng theo khiến cơ sở hạ tầng xã hội ở đây luôn quá tải, đặc biệt là tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra ở các tuyến đường ra vào khu đô thị.
Câu chuyện nữa. Nhằm “giải cứu” tình trạng ùn tắc giao thông dọc trục đường hướng tâm Nguyễn Trãi, từ cuối những năm 2000, Hà Nội xây dựng mới tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (đường Tố Hữu). Giai đoạn đầu thông xe (năm 2010), cả hai làn đường của đường Lê Văn Lương kéo dài luôn rộng thênh thang, rất hiếm khi xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Vì vậy, nhiều người ở khu vực Hà Đông, thay vì đi lại trên đường Nguyễn Trãi thì chuyển sang đường Lê Văn Lương kéo dài để ra vào nội thành.
Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài dần trở thành nỗi bức xúc của người điều khiển phương tiện giao thông vì tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra. Điều rất dễ nhận thấy lý do ùn tắc là những tòa nhà cao tầng đua nhau mọc lên hai bên tuyến đường. Điển hình trong đó là khu vực đầu đường Lê Văn Lương kéo dài có những tòa nhà cao vài chục tầng như chung cư Tây Hà, Chung cư Bắc Hà… Theo quan sát của phóng viên, nhiều tòa nhà ở đường Lê Văn Lương kéo dài xây sát mép vỉa hè, bên trong dành rất ít đất xây dựng vườn hoa, cây xanh hay khu vui chơi dành cho cư dân.
Đường Lê Văn Lương kéo dài (đường Tố Hữu) quá tải sau 6 năm thông xe |
Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra, nhưng dọc tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài vẫn còn hàng chục dự án xây dựng nhà cao tầng đang rục rịch được khởi công vào đầu năm 2017. Điều đó khiến nhiều người càng lo ngại cho tuyến đường này trong tương lai sẽ càng ùn tắc nghiêm trọng hơn. Càng lo ngại hơn trong Quyết định 3740/QĐ-UBND, Hà Nội lại khuyến khích xây dựng nhà cao tầng ở đường Lê Văn Lương kéo dài. Theo đó, trục, tuyến kiến trúc chủ đạo nằm hai bên đường Lê Văn Lương kéo dài với các công trình cao từ 15 - 45 tầng, tầng cao phổ biến trên mặt đường là 25 tầng.
Bệnh viện, trường học được “xé rào” tăng chiều cao
Để giảm tình trạng ùn tắc giao thông và quá tải hạ tầng kỹ thuật ở nội đô, từ nhiều năm qua, chính sách di dời các bệnh viện, trường Đại học ra ngoại thành Hà Nội đã được đặt ra nhưng quá trình thực hiện nảy sinh nhiều bất cập. Đầu tháng 11/2016, HĐND TP Hà Nội báo cáo rõ kết quả giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo đảm quy hoạch trên địa bàn thành phố. Báo cáo chỉ rõ, trên địa bàn thành phố hiện có 8 bệnh viện thực hiện di dời ra ngoại thành, trong đó có 2 bệnh viện đi vào sử dụng là Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Hà Nội cũng đã phối hợp với các Bộ và cơ quan ngang bộ giới thiệu, bố trí quỹ đất phục vụ di dời cho 9 cơ quan, trong đó 7 cơ sở tiếp tục giữ lại làm trụ sở hoặc bàn giao cơ quan Trung ương quản lý, 2 cơ sở đã được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Theo quy định, trong nội thành Hà Nội không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của bệnh viện hiện có, không xây dựng mới cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, qua giám sát HĐND TP Hà Nội nhận thấy, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội vẫn chấp thuận tăng quy mô về chiều cao, số tầng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất. Điều này làm gia tăng áp lực lên hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và giao thông tại khu vực và chưa đảm bảo định hướng lâu dài theo quy định của Luật Thủ đô.
Những khu vực được Sở Quy hoạch Kiến trúc “xé rào” mà HĐND TP Hà Nội chỉ ra đó là việc xây dựng mới Trung tâm Khám bệnh và điều trị trong Bệnh viện Bạch Mai; Nhà khám đa khoa Bệnh viện Hữu Nghị; Dự án đầu tư, nâng cấp, cải tạo Bệnh viện Phổi Trung ương; Dự án xây mới Trung tâm khoa học thông tin thư viện, Nhà hành chính hiệu bộ, Giảng đường đa năng, Ký túc xá sinh viên thuộc Trường đại học Văn hóa Hà Nội…
PGS.TS Doãn Minh Tâm - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (Bộ GTVT) từng đưa ra cảnh báo nếu không giải quyết được vấn đề quy hoạch, các khu đô thị vẫn mọc lên hàng ngày, mỗi một tòa nhà bằng cả một phường, thì tất cả các giải pháp đưa ra đều không giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông. “Thực tế là thêm một mét vuông đường nào cũng khó, nhưng cứ hở ra một mét vuông đất nào ra là lại chuyển thành các khu đô thị mới, khu dân cư, nhà ở. Do vậy, nếu giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông phải làm đồng bộ, phải làm tổng thể”, PGS. TS Doãn Minh Tâm nói. |
Theo Dân Trí