Hạ tầng kích cầu, giá nhà đất rục rịch tăng
Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản Tây Sài Gòn đúng vào giai đoạn cuối năm, cùng thời điểm với "một cuộc đổ bộ quy mô lớn" của các tên tuổi lớn đã khiến nhà đất khu vực này trở nên có giá hơn trong mắt nhà đầu tư, cũng như khách hàng có nhu cầu ở thực.
Giá nhà đất khu vực Tây Sài Gòn đã rục rịch tăng lên |
Theo ghi nhận của phóng viên, trong 2 tháng trở lại đây, giá nhà đất khu vực Tây Sài Gòn đã rục rịch tăng lên. Hiện tại giá căn hộ tại đây đang được điều chỉnh theo xu thế tăng dần tuỳ vị trí. Đơn cử, một dự án toạ lạc trên đường Trần Đại Nghĩa (quận 6) được công bố ra thị trường vào thời điểm cuối tháng 10/2016 có giá bán trung bình từ 1,5-1,6 tỷ đồng/căn (chưa gồm VAT).
Tuy nhiên, theo chủ đầu tư, mức giá này sẽ được điều chỉnh tăng lên từ 5-10% trong giai đoạn mở bán tiếp theo vào nửa cuối tháng 12 này. Không nằm ngoài quy luật "hạ tầng đi trước, bất động sản theo sau", lý giải cho sự trỗi dậy của thị trường nhà đất Tây Sài Gòn, hầu hết các chuyên gia đầu có chung nhận định, hạ tầng từng bước được kết nối hoàn thiện chính là nguyên nhân đầu tiên.
Theo đó, khu vực phía Tây TP.Hồ Chí Minh bao gồm các quận Bình Tân, Tân Phú, quận 6, huyện Bình Chánh và một phần của quận 8. Đây là các quận, huyện nằm trong khu vực cửa ngõ giao thương giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nam Bộ, có tốc độ đô thị hóa cao, dân số đông và nhu cầu nhà ở lớn.
Trao đổi với phóng viên, một Giám đốc Sàn giao dịch tại khu Tây Sài Gòn cho rằng, án ngữ tại cửa ngõ giao thương giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ, được đầu tư khá tốt về hạ tầng, đó là một lợi thế không nhỏ của bất động sản Tây Sài Gòn.
Lợi thế này sẽ càng rõ nét hơn khi các tuyến metro số 2 (Bến Thành, Tham Lương, khởi công vào năm 2010 và dự kiến đi vào hoạt động năm 2019), tuyến metro số 6 Bình Phú (Tân Bình, Phú Lâm) kết nối giữa tuyến metro số 3A (Bến Thành, bến xe miền Tây) tại vòng xoay Phú Lâm và tuyến metro số 2 tại Bà Quẹo hoàn thành. Các tuyến đường Vành đai 3 cũng sẽ giúp giao thông khu Tây kết nối với các khu vực khác trong thành phố, cùng nhiều thành phố vệ tinh như Bình Dương, Đồng Nai và Long An thuận tiện hơn.
Thương hiệu mạnh "chạy" trước
Từ nửa cuối năm 2015, khu vực Tây Sài Gòn đã cho thấy những dấu hiệu hứa hẹn trở thành "vùng trũng" thu hút dòng chảy của nguồn vốn đổ vào bất động sản với hàng loạt dự án của nhiều tên tuổi lớn trên thị trường địa ốc. Chỉ tính riêng hai quận Bình Tân và Tân Phú đã có đến hàng chục dự án đang được đầu tư xây dựng, chào bán ra thị trường.
Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên, trên thực tế, không phải dự án nào ở khu vực này cũng có thanh khoản tốt. Điển hình như một dự án có vị trí khá đắc địa, nằm trong lòng Khu dân cư cao cấp Tên Lửa, hội tụ các tiện ích đẳng cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thế nhưng, "vật vã" từ tháng 12/2015 đến nay, đơn vị phân phối chỉ bán được... chưa quá 100 căn hộ.
Theo Dân Việt