|
Dường như những tranh cãi liên quan đến dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) tuyến tránh Cai Lậy trong thời gian qua không mấy làm giảm sức hút đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng giao thông ở Việt Nam, nhất là các tập đoàn nước ngoài như Nhật và gần đây nổi lên vai trò của các nhà đầu tư Trung Quốc với tham vọng đầu tư vào siêu sân bay quốc tế Long Thành. Nhưng câu chuyện thực sự đằng sau xu thế này là gì?
Có thể thấy Việt Nam đang xem nâng cấp cơ sở hạ tầng là một trong những mối ưu tiên hàng đầu. Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở cả hai nhánh Nhà nước và tư nhân của Việt Nam đang đạt khoảng 5,7% GDP trong những năm gần đây, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ hai tại châu Á. Việc tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước là chìa khóa giúp cho chính sách của Chính phủ được đẩy nhanh hơn.
Mới đây, một nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc gồm tập đoàn năng lượng Sunshine Kaidi, tập đoàn quản lý tài sản Hoa Dung Trung Quốc, Công ty Cổ phần Đầu tư Dân Sinh, Tập đoàn IDG... đã ngỏ ý muốn đầu tư vào sân bay Long Thành trong một liên doanh với tập đoàn trong nước là Geleximco, thực hiện theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).
Đây là một đề xuất khá táo bạo. Sân bay Long Thành có tổng giá trị đầu tư dự tính lên đến 15,8 tỉ USD và diện tích khai thác 5.000ha. Nếu xét về năng lực tài chính, một mình Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chắc chắn sẽ không thể đảm nhiệm toàn bộ và việc hợp tác với các đối tác bên ngoài là điều hợp lý để giảm gánh nặng tài chính.
|
Không chỉ có sân bay Long Thành, nhiều dự án khủng khác cũng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư Trung Quốc. Một nhóm các nhà đầu tư từ Hồng Kông từng đề xuất ý tưởng đầu tư vào tuyến đường cao tốc Bắc - Nam dài hơn 1.300km trị giá hàng tỉ USD, hay mong muốn đầu tư vào hệ thống đường sắt ở khu vực Mekong, kết nối với hệ thống đường sắt và cảng biển tại Campuchia mà Trung Quốc đang là nhà đầu tư chính.
Bên cạnh chiến lược đầu tư vào hạ tầng giao thông, dòng tiền của nhà đầu tư Trung Quốc còn đổ mạnh vào thị trường bất động sản, đáng chú ý là động thái giải cứu các dự án “xấu” có quy mô lớn và sở hữu vị trí tiềm năng. Điển hình như tập đoàn bất động sản China Fortune Land Development thâu tóm dự án Đại Phước Lotus của VinaCapital (dự án nằm bên cạnh sân bay Long Thành), Hong Kong Alpha King thâu tóm tòa nhà Saigon One Tower sở hữu hai mặt tiền đường Hàm Nghi và Tôn Đức Thắng (quận 1), hay mới đây Summerfield ngỏ ý mua lại dự án 2 tỉ USD Happy Land tại Long An từ tay của Khang Thông.
Theo công ty tư vấn JLL Việt Nam, hiện có hàng trăm triệu USD chờ đợi đổ vào thị trường trong nước ở hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp. Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật, Hàn Quốc, Singapore và đáng chú ý gần đây là nhóm nhà đầu tư Trung Quốc.
Nhìn một cách tổng thể, có vẻ như mục đích của dòng tiền Trung Quốc là nhắm đến hạ tầng giao thông, kết hợp với bất động sản liền kề, tạo thành một mô hình kinh doanh có tính hỗ trợ lẫn nhau, giúp gia tăng giá trị của các tài sản nắm giữ.
Nhưng lý do có lẽ không chỉ có vậy. Những năm gần đây chứng kiến làn sóng đầu tư ra nước ngoài khủng của các nhà đầu tư Trung Quốc. Điều này một mặt phản ánh sức mạnh ngày càng lớn của các doanh nghiệp nước này trong cuộc chơi toàn cầu, nhưng mặt khác xu thế đó cũng làm dấy lên mối quan ngại về mục tiêu thực sự của các đại gia người Hoa, trong đó có thể có cả mục tiêu rửa tiền hay di chuyển tài sản để định cư ở nước ngoài, gây ra rủi ro bất ổn nền tài chính quốc gia.
Để đối phó, mới đây Chính phủ Trung Quốc đã ban hành luật lệ mới về đầu tư ra nước ngoài, trong đó sẽ giới hạn những khoản đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, giải trí phim ảnh, hay thâu tóm các câu lạc bộ thể thao hàng đầu. Các khoản đầu tư vào casino sẽ bị cấm.
Ngược lại, nếu các doanh nghiệp có ý định đầu tư vào cơ sở hạ tầng theo định hướng One Belt, One Road (tạm dịch: “Một vành đai, một con đường”) thì sẽ được khuyến khích. Các ngành khác cũng được khuyến khích đầu tư ra nước ngoài là công nghệ cao, khai thác dầu khí và khoáng sản, nông nghiệp và thủy sản.
Rõ ràng, hoạt động của các tập đoàn Trung Quốc chịu nhiều ảnh hưởng từ các quyết sách chính phủ. Bên cạnh những rủi ro, việc tuân thủ các chính sách thực chất có thể mang lại nhiều lợi ích rất lớn. Đơn cử, tổng giá trị của đề án One Belt, One Road lên đến 900 tỉ USD và không nghi ngờ gì các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ là những người nắm giữ phần lớn chiếc bánh này.
Hãy quay trở lại với câu chuyện sân bay Long Thành. Không thể phủ nhận dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài như Trung Quốc, đặc biệt là lãi suất thấp sẽ mang đến một giải pháp tài chính hiệu quả cho Việt Nam, nhưng Chính phủ cần có chiến lược thông minh trong việc huy động nguồn vốn này, nhất là tránh các điều kiện ràng buộc trong tương lai và cần có cơ chế giám sát chặt chẽ tiến độ thi công cũng như chất lượng công trình.
Bên cạnh các nhà đầu tư Trung Quốc, nhiều tập đoàn nước ngoài khác cũng dành sự quan tâm rất lớn đến Long Thành như tập đoàn ADP của Pháp, Sam Sung, Incheon của Hàn Quốc, các tập đoàn của Nhật… Riêng ADP đã đề nghị cụ thể đầu tư trực tiếp 500 triệu USD và huy động 1 tỉ USD từ ngân hàng nếu dự án được thông qua và được tham gia hợp tác đầu tư. Càng nhiều nhà đầu tư tham gia, càng có thêm cơ hội để sân bay Long Thành cất cánh sớm với chi phí cạnh tranh.
Theo NCĐT