Thêm DN muốn làm sân bay Long Thành: Sao mới gọi điện?

Thứ hai, 28/08/2017, 14:07
Dù doanh nghiệp chỉ gọi điện để xin làm sân bay Long Thành nhưng họ có quyền tham gia đề xuất, nộp hồ sơ dự thầu...

Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Gia Bảo, doanh nghiệp “nổi tiếng” vì bút phê “buồn cười quá” gửi Thủ tướng, vừa ngỏ ý muốn tham gia vào dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Trao đổi trên báo chí, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Gia Bảo không có đề xuất bằng văn bản mà gọi điện để bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia đầu tư xây dựng sân bay Long Thành.

Dự án sân bay Long Thành đang được giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam lập báo cáo nghiên cứu khả thi để làm cơ sở tuyển chọn nhà đầu tư.

Bình luận về việc Công ty CP đầu tư phát triển nhà Gia Bảo muốn làm sân bay Long Thành, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM cho biết, nếu doanh nghiệp này muốn tham gia đầu tư sân bay Long Thành thì không còn con đường nào khác, họ cứ nộp hồ sơ, công khai tham gia đấu thầu và Việt Nam có một hội đồng để lựa chọn cho chính xác, khách quan.

"Về mặt luật pháp, không thể loại Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Gia Bảo, họ có quyền đề xuất phương án tham gia dự án, có quyền tham gia đấu thầu, dù họ gọi điện hay nộp đơn chính thức...

Có thể bước đầu họ chỉ thăm dò và nếu thấy được thì tiếp tục, không được thì thôi. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải chứng minh được năng lực thực hiện dự án, có quy trình thủ tục đầu đủ và Việt Nam phải làm công khai, minh bạch để chọn thầu cho đúng.

Khi đã công khai, bất kỳ doanh nghiệp nào có nguyện vọng, có khả năng cứ việc nộp hồ sơ đấu thầu và đã có hội đồng lựa chọn. Càng nhiều doanh nghiệp tham gia thì tính cạnh tranh càng lớn", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi nhấn mạnh.

Để chọn nhà đầu tư tốt nhất cho dự án sân bay Long Thành, vị trưởng khoa Kinh tế của Đại học Nông lâm TP.HCM khẳng định phải áp dụng luật Đấu thầu. Điều quan trọng nhất hiện nay là phía hội đồng phải có tiêu chí lựa chọn nhà thầu cho tốt, đúng quy định của pháp luật, quy trình lựa chọn phải chuẩn, tránh lợi ích nhóm xen kẽ vào việc đấu thầu.

Đối với dự án lớn như sân bay Long Thành, nếu sai lầm trong công đoạn này thì vô cùng nguy hiểm và ảnh hưởng lớn cho sân bay sau này về chất lượng, giá cả, chi phí...

Trong khi đó, theo thông tin của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Công ty CP đầu tư phát triển nhà Gia Bảo thành lập năm 2000 và có vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Ngành nghề hoạt động của công ty này là xây dựng nhà, chủ yếu là xây dựng lại các khu tập thể cũ tại Hà Nội.

Từ đây, bằng cảm quan của mình, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho rằng, với một dự án lớn và quan trọng như sân bay Long Thành, năng lực của Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Gia Bảo không đáp ứng được, trừ trường hợp đằng sau doanh nghiệp này có một nguồn lực rất lớn.

"Tuy nhiên, như đã nói, đây là dự án rất lớn và quan trọng, do đó tốt nhất là Việt Nam nên lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài bởi họ chuyên nghiệp, có bề dày kinh nghiệm, trách nhiệm và trình độ quản lý cao.

Chẳng hạn, Việt Nam nên mời gọi các doanh nghiệp lớn ở các nước phát triển như Nhật Bản, EU... Dĩ nhiên nhà đầu tư nước ngoài là ai càng phải thận trọng hơn nữa và hội đồng phải lựa chọn cho đúng", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Nói thêm về việc "nhà thầu nước ngoài là ai", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi muốn lưu ý Việt Nam phải hết sức thận trọng đối với nhà đầu tư, chủ thầu Trung Quốc.

"Trong việc lựa chọn thầu, hội đồng sẽ cân nhắc các khía cạnh, trong đó quan trọng nhất là chất lượng và chi phí. Không phải vì chi phí rẻ mà chấp nhận bởi nếu chi phí rẻ, chất lượng thấp thì vô cùng nguy hiểm. Cho nên, lựa chọn tối ưu vẫn là chất lượng đảm bảo, chi phí thấp nhất.

Tôi nghĩ, khi tiến hành đầu thầu, Việt Nam có thể để doanh nghiệp Trung Quốc tham gia để có sự lựa chọn đánh giá khách quan. Nếu họ có năng lực thật sự, làm nghiêm túc và đảm bảo được chất lượng thì Việt Nam vẫn có thể mời. Nhiều người đấu thầu thì Việt Nam càng có nhiều cơ hội để lựa chọn nhà thầu tốt nhất.

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, đối với các chủ đầu tư, nhà thầu Trung Quốc phải vô cùng thận trọng vì Việt Nam đã có quá bài học cay đắng", PGS Ngãi chỉ rõ.

Việc nhiều doanh nghiệp Việt vẫn sẵn sàng hợp tác với nhà đầu tư, chủ thầu Trung Quốc, theo PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi là vì phía Trung Quốc thường sẵn sàng làm với giá thành thấp nhưng Việt Nam không thể đánh đổi  giữa chi phí và chất lượng.

"Đối với sân bay Long Thành, giữa chi phí và chất lượng phải ưu tiên chất lượng. Tốt nhất là nên chọn doanh nghiệp đã có kinh nghiệm ở nước phát triển, họ luôn đặt chất lượng lên hàng đầu.

Trong lựa chọn thầu Việt Nam phải biết ưu tiên cái gì. Nếu chọn chi phí thấp thì nhà thầu Trung Quốc có thể đáp ứng ngay nhưng coi chừng tiền nào của nấy", ông Ngãi cảnh báo.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích