Báo cáo tiền khả thi chưa đạt yêu cầu
Tập đoàn Geleximco vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT về việc hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng sân bay Long Thành, theo hình thức đối tác công tư.
Trước thông tin trên, trao đổi với PV, ngày 25/8, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết: "Tất cả các dự án đều phải có đánh giá nghiên cứu độc lập, nhưng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án xây dựng sân bay Long Thành lại chưa đạt hiệu quả.
Chúng ta phải có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho đàng hoàng thì mới nghĩ đến những giai đoạn tiếp theo, tôi đã nói công khai rất nhiều lần về việc này.
Khi chúng tôi đưa ra Báo cáo tiền khả thi dự án không đạt yêu cầu vì thiếu báo cáo tài chính nhưng cả Bộ GTVT, Cục Hàng không không trả lời thẳng vào vấn đề đó mà lại lái sang vấn đề chứng minh hiệu quả mới làm, bỏ qua nghiên cứu tiền khả thi về hiệu quả tài chính.
Trong khi dự án lớn như Long Thành cần chứng minh hiệu quả tài chính hay không, hiệu quả như thế nào, nếu thua lỗ tài chính thì thua lỗ đến đâu chứ không thể để trống như vậy.
Khi biết Báo cáo tiền khả thi không tốt nhưng vẫn cho qua, đến giai đoạn nghiên cứu khả thi dự án đầu tư, chúng ta sẽ lãng phí hàng trăm triệu để rồi kết luận dự án không hiệu quả nên không đầu tư".
Phối cảnh thiết kế sân bay Long Thành |
Để lựa chọn nhà đầu tư, theo ông Tống, Bộ GTVT phải có một nghiên cứu báo cáo tiền khả thi cho đầy đủ, đúng mức. Không nên ra một đầu bài, rồi các doanh nghiệp Việt Nam vào cuộc và mời công ty Trung Quốc tham gia. Họ vừa nghiên cứu khả thi rồi đứng ra đầu tư, sẽ phát sinh mâu thuẫn quyền lợi mà chúng ta cần tránh.
Vị chuyên gia cũng lưu ý, nghiên cứu khả thi sẽ là vấn đề tổng thể trên vấn đề nhu cầu hàng không của khu vực phía Nam. Việc này không dễ làm. Hiện nay, các công ty tư vấn quốc tế chưa chắc ai đã mặn mà nhảy vào.
Có nên hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc?
Ở góc độ khác, theo vị chuyên gia trên, giờ một doanh nghiệp Việt muốn mời Trung Quốc vào đầu tư sẽ không thể dễ dàng. Nếu riêng sân bay Long Thành thì đơn giản nhưng còn vấn đề kết nối với giao thông thành phố nữa. Vì vậy, hiện nay đặt ra vấn đề này là không hợp lý.
Mặt khác, hàng không là vấn đề quan trọng liên quan đến chính trị xã hội, an ninh quốc phòng. Không thể ngây thơ, dại dột, cố tình lệ thuộc vào Trung Quốc bằng phương án đó. Không được chủ quan trong việc lựa chọn đơn vị xây dựng.
"Chúng ta đã có quá nhiều bài học. Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, gây tai nạn chết người cũng là nhà thầu Trung Quốc, và hàng loạt các dự án nhà máy thép cũng là Trung Quốc sau lưng...
Chúng ta đã có quá nhiều bài học đau đớn, nên dứt khoát phải từ chối thẳng thắn ngay từ đầu", ông Tống chỉ rõ.
Nhất định phải chọn công ty mang tầm quốc tế
Là người nghiên cứu sâu về hàng không, Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không phân tích: "Thứ nhất, xây dựng sân bay không thể chọn đơn vị xây dựng loại 2, phải hạng nhất thế giới.
Long Thành hứa hẹn là sân bay lớn nhất Việt Nam, với tham vọng trở thành một sân bay khu vực Đông Nam Á, sân bay quốc tế thì không thể dùng các nhà thầu nội địa. Trung Quốc dù là quốc gia lớn, nhưng họ cũng phải thuê công ty quốc tế chứ không phải Trung Quốc tự làm cho Trung Quốc, tiêu biểu sân bay Bắc Kinh cũng nhà thầu quốc tế làm.
Như chúng ta biết các công ty châu Á rành về hàng không là Nhật Bản, sau đó là Hàn Quốc, nhưng dù giỏi họ vẫn thuê công ty tư vấn quốc tế về làm chứ không tự làm.
Thứ hai, Trung Quốc khẳng định không có kinh nghiệm xây dựng sân bay quốc tế lớn, nên đừng đặt vấn đề đó. Ở đây không phải vấn đề giá cả mà còn là chất lượng.
Tôi có một số thời gian nghiên cứu về các công ty quốc tế có năng lực về xây dựng sân bay, nhưng thấy Mỹ, Anh, Hà Lan là có nhiều kinh nghiệm nhất, đến nước phát triển như Singapore không phải Singapore làm, sân bay Hồng Kông cũng vậy, họ cũng thuê công ty quốc tế làm.
Vì vậy, việc hợp tác với Trung Quốc chúng ta không cần bàn tính tới, loại bỏ ngay từ đầu".
Theo Đất Việt