Thận trọng chọn nhà thầu xây sân bay Long Thành

Thứ ba, 29/08/2017, 10:34
Dù Bộ GTVT khẳng định dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành còn khá lâu mới đến thời điểm lựa chọn nhà đầu tư, nhưng đề xuất của Geleximco và một doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xây dựng công trình này đang gây nhiều ý kiến trái chiều.

Thiết kế sân bay Long Thành theo hình cách điệu hoa sen

Nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm

Theo kiến nghị của Công ty CP xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) và Tập đoàn KAIDI gửi Thủ tướng, Geleximco cùng Tập đoàn năng lượng mới KAIDI Dương Quang (Trung Quốc) xin đầu tư xây dựng sân bay Long Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Geleximco cho biết có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp (DN) lớn của Trung Quốc như KAIDI, Tập đoàn quản lý tài sản Hoa Dung Trung Quốc, Công ty TNHH CP đầu tư dân sinh (Trung Quốc) và tập đoàn đầu tư lớn tại Hồng Kông như IDG... Theo lãnh đạo Geleximco, với kinh nghiệm triển khai, xây dựng và quản lý đầu tư các dự án về giao thông, cảng hàng không và khả năng thu xếp vốn, sẽ đảm bảo tiến độ với thời gian xây dựng vận hành từ 3 - 5 năm, giá thành đầu tư thấp nhất cho một sân bay mới hiện đại.

Đây không phải lần đầu tiên Geleximco của “đại gia” Vũ Văn Tiền muốn cùng một đối tác Trung Quốc tham gia vào các dự án lớn tại VN. Tháng 10.2016, Geleximco và Công ty TNHH Hong Kong United Investors Holding (HUI) cũng đề nghị Bộ GTVT cho phép tham gia 4 dự án hạ tầng giao thông lớn, gồm: sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái và đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn ước tính khoảng 50 tỉ USD.

Trước đó, tháng 2.2017, liên quan đến dự án quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng, Geleximco đã chủ động mời Viện Thiết kế và quy hoạch TP.Hàng Châu (Trung Quốc) tham gia nghiên cứu và lập quy hoạch 1/5.000 cũng như có văn bản đề nghị UBND TP.Hà Nội cung cấp hồ sơ, tài liệu, số liệu để lập quy hoạch.

Một lãnh đạo ngành hàng không cho biết tại các cuộc gặp cấp Bộ, rất nhiều nước bày tỏ quan tâm tham gia vào dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành như Mỹ, Nhật, Pháp, Hàn Quốc... “Vì dự án đang ở giai đoạn ban đầu nên các nhà đầu tư mới chỉ bày tỏ quan tâm. Khi xong báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) thì mới có các tiếp cận cụ thể”, ông này cho biết.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng cho hay hiện dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành mới ở giai đoạn chọn tư vấn lập F/S, chưa đến giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư nào quan tâm tham gia đầu tư xây dựng sân bay Long Thành đều có thể gửi đề xuất, nhưng chỉ sau khi báo cáo F/S được thông qua, khi đó dự án mới có những yếu tố cụ thể về nguồn vốn cũng như xem xét lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP.

Bài học nhãn tiền

Hiện còn quá sớm để nói về việc lựa chọn liên danh giữa DN trong nước và Trung Quốc tham gia xây dựng sân bay Long Thành, tất cả mới chỉ là đề xuất của phía DN. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại và cho rằng cần thận trọng khi lựa chọn nhà đầu tư xây dựng sân bay Long Thành.

Một trong những dự án tai tiếng nhất liên quan đến nhà đầu tư Trung Quốc là đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc làm tổng thầu EPC. Được khởi công tháng 10.2011, dự định hoàn thành vào tháng 11.2013, nhưng dự án đã phải nhiều lần giãn tiến độ, dự kiến quý 2/2018 mới có thể khai thác thương mại. Tới thời điểm này, dự án vẫn rất ì ạch bởi sau gần 1 năm vẫn chưa thể giải ngân thêm nguồn vốn vay bổ sung, dù đã đội vốn từ 552,86 triệu USD ban đầu lên 868,04 triệu USD.

Trước đó, nhà thầu Trung Quốc là Công ty Hanoi International Group (HISG - Trung Quốc) dù hồ sơ kinh nghiệm không bằng nhà thầu khác, vẫn trúng thầu dự án Sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Kết luận thanh tra dự án sau đó đã chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng như 94% thiết bị xây dựng không đúng với hợp đồng. Nhiều đại dự án ngàn tỉ khác cũng “mắc kẹt” với nhà thầu hoặc công nghệ thiết bị Trung Quốc như dự án Gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2, các dự án ethanol...

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT), cho biết nhu cầu vốn cho các dự án hạ tầng của VN rất lớn, nhưng lựa chọn nhà đầu tư cần thận trọng.

Chia sẻ quan điểm này, theo TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng: Chúng ta không định kiến với vốn vay hay nhà thầu Trung Quốc nhưng cần rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong quá khứ tại các dự án dính đến nhà đầu tư Trung Quốc.

Dự án sân bay Long Thành đang ở giai đoạn sơ khởi, nhưng việc lựa chọn nhà đầu tư sau này cũng phải theo đúng nguyên tắc cơ chế thị trường là đấu thầu. Bài học từ hệ lụy thắng thầu giá rẻ cho thấy cần rất thận trọng khi lựa chọn nhà thầu dựa trên yếu tố giá thầu thấp, thay vào đó phải xem xét kỹ bề dày kinh nghiệm của nhà đầu tư, các dự án đã thực hiện.

Đề xuất hợp tác Trung Quốc xây 5 nhà máy nhiệt điện
Cũng trong văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Geleximco đề xuất hợp tác với KAIDI Dương Quang xây dựng 5 nhà máy nhiệt điện lớn, gồm: dự án nhà máy nhiệt điện cùng có công suất 2 tổ máy, mỗi tổ máy 600 MW là Quỳnh Lập 1, Quỳnh Lập 2, Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Hải Phòng 3 theo hình thức đối tác công tư. Trong đó DN nhà nước chiếm 20 - 25% cổ phần, còn lại do Geleximco đầu tư.
Ngày 28.8, UBND tỉnh Đồng Nai cùng các sở, ngành đã họp lần cuối và thống nhất việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án sân bay Long Thành. Ngày 29.8, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai dự kiến đi Hà Nội lấy ý kiến các bộ ngành và Ủy ban Kinh tế Quốc hội, trước khi trình lên Quốc hội thông qua. Theo đó, số kinh phí dùng để giải tỏa 4.864 hộ dân với 15.557 nhân khẩu trong vùng dự án sân bay Long Thành (diện tích 5.000 ha) hạ xuống còn 23.051 tỉ đồng.
Trước đó, số tiền được Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đưa ra là khoảng 25.400 tỉ đồng (tăng 2.900 tỉ đồng so với hồ sơ trình Quốc hội tháng 5.2017), nên Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh đã yêu cầu phải rà soát lần cuối.
Ngày 31.7, khi vào làm việc tại Đồng Nai về dự án sân bay Long Thành, đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đã bày tỏ lo ngại về số tiền dùng để giải phóng mặt bằng và tái định cư, vì hiện tại ngân sách nhà nước chỉ mới bố trí được 5.000 tỉ đồng, số tiền còn lại chưa có nguồn huy động. Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đề nghị Đồng Nai làm rõ tại sao ban đầu số tiền chỉ 12.000 tỉ đồng, đến Quốc hội khóa 13 tăng lên 18.000 tỉ đồng, rồi 23.000 tỉ đồng.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn