Khối tài sản vài chục nghìn tỷ của ông Vũ Văn Tiền và Geleximco có những gì?

Thứ tư, 05/10/2016, 12:24
Đại gia Vũ Văn Tiền và Geleximco có những gì?
Không chỉ có ngân hàng, bất động sản

Sau một thời gian im ắng ông Vũ Văn Tiền và CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) bỗng trở thành "cái tên ồn ào" khi doanh nghiệp này cũng với công ty United Investors Holding (HUI) của Hongkong đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép tham gia đầu tư vào 4 dự án hạ tầng giao thông lớn tại Việt Nam với tổng mức đầu tư có thể lên đến 50 tỷ USD.

Tất nhiên đây mới chỉ là ý tưởng của 2 bên sau chuyến đi Hongkong của ông Vũ Văn Tiền nhưng nó cũng cho thấy tham vọng rất lớn của ông Tiền đối với lĩnh vực này.

Vậy tiềm lực tài chính của ông Tiền và Geleximco hiện ra sao?

Ông Vũ Văn Tiền được biết đến chủ yếu với vai trò là Chủ tịch của 2 doanh nghiệp lớn là Geleximco trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng An Bình (ABBank). Tuy nhiên, đây chỉ là 2 trong số rất nhiều lĩnh vực mà ông Tiền tham gia đầu tư.

Trong đó, Geleximco đóng vai trò là công ty trung tâm trong hoạt động đầu tư của ông Tiền. Đây là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam, đầu tư vào một loạt các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau, từ ngân hàng – tài chính, bất động sản – hạ tầng cho đến xi măng, nhiệt điện, giấy, thương mại, cảng biển, công nghệ...

Có thể nói rằng ông Tiền là một trong những doanh nhân kinh doanh đa ngành nhất Việt Nam với các lĩnh vực tham gia đầu tư đều có quy mô từ vài nghìn lên đến vài chục nghìn tỷ đồng.

Trong lĩnh vực tài chính, ông Tiền và Geleximco là cổ đông chính của Ngân hàng An Bình (ABBank) đồng thời đầu tư vào một loạt tổ chức tài chính khác như Chứng khoán An Bình (ABS), Quản lý quỹ An Bình (ABF) và Bảo hiểm Hàng không.

ABBank từng có giai đoạn tăng trưởng nhanh nhưng quy mô tài sản vẫn còn nhỏ trong ngành ngân hàng

Với lĩnh vực bất động sản, Geleximco và các đơn vị thành viên đầu tư vào hàng chục dự án lớn nhỏ, chủ yếu tại khu vực Hà Nội với 2 dự án tiêu biểu là khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn và khu đô thị Thành phố Giao lưu.

Phối cảnh dự án Thành phố Giao lưu

Nhiều khoản đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của ông Tiền và Geleximco có quy mô lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng như Nhà máy Xi măng Thăng Long, Giấy An Hòa hay Nhiệt điện Thăng Long.

Geleximco cũng có một số khoản đầu tư nhỏ vào Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam – Seaprodex, CTCP Đầu tư Khai thác cảng Cái Lân và Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG)…

Hàng chục nghìn tỷ đầu tư vào nhiệt điện, giấy, xi măng

Nhiệt điện Thăng Long: Vốn đầu tư 18.000 tỷ đồng

Phối cảnh nhà máy nhiệt điện Thăng Long

CTCP Nhiệt điện Thăng Long là chủ đầu tư của nhà máy nhiệt điện Thăng Long tại Hoành Bồ, Quảng Ninh.

Dự án này khởi công từ tháng 10/2014, với công suất 600MW và tổng vốn đầu tư dự kiến 18.000 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án nhiệt điện đầu tiên và có công suất lớn nhất do một doanh nghiệp tư nhân trong nước đầu tư.

Xi măng Thăng Long: Vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng

Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long là nhà sản xuất xi măng lớn tại Việt Nam với công suất 2,3 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng bao gồm một nhà máy xi măng tại Quảng Ninh và một Trạm nghiền đặt tại Hiệp Phước –huyện Nhà Bè - Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuối năm 2012, Geleximco đã bán 70% cổ phần của Xi măng Thăng Long cho Tập đoàn Semen Indonesia.

CTCP Giấy An Hòa

Công ty cổ phần Giấy An Hòa được thành lập năm 2002, là Chủ đầu tư của nhà máy Bột giấy và giấy An Hòa, bao gồm 2 dây chuyền: Sản xuất bột giấy sợi ngắn tẩy trắng và giấy tráng phấn. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 223ha tại xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nhà máy Giấy An Hòa
Gia nhập sàn chứng khoán với thương vụ niêm yết cửa sau đình đám

Một trong những thương vụ "đình đám" của ông Tiền trên sàn chứng khoán thời gian gần đây là tiến hành tái cấu trúc CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội – Hanic (SHN).

Từ một công ty thua lỗ triền miên, ông Tiền đã đưa SHN có lãi trở lại chỉ sau một thời gian ngắn nhờ một vài giao dịch tài chính. Sau đó, ông Tiền đã tiến hành "niêm yết cửa sau" CTCP Tập đoàn Đầu tư An Bình (ABG) thông qua việc Hanic chào mua hơn 70% cổ phần của ABG.

Sau khi giao dịch hoàn tất, vốn điều lệ của Hanic tăng từ 424 tỷ lên 1.150 tỷ đồng và ông Tiền trở thành cổ đông lớn nhất của Hanic với tỷ lệ sở hữu 9,5%.

Cổ phiếu SHN có những giai đoạn tăng phi mã kể từ khi có sự xuất hiện của ông Vũ Văn Tiền

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích