Hôm qua, Sở Y tế TP.HCM cho biết, BV Nhi đồng TP.HCM sẽ được đưa vào hoạt động tháng 11/2016 tuy nhiên các gói thầu thiết bị y tế vẫn đang lùm xùm. |
Thay đổi xoành xoạch
Rút kinh nghiệm từ các gói thầu trang thiết bị trước đây “trúng” hàng Trung Quốc kém chất lượng, giữa tháng 8/2016, lãnh đạo TP.HCM đã có công văn gửi Sở Y tế nêu rõ, trong hơn 10 gói thầu thiết bị y tế phải đạt tiêu chí tất cả được sản xuất chính hãng tại các nước trong khối G7. “Đấu thầu trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố phải đạt tiêu chí các thiết bị y tế phải được sản xuất chính hãng tại các nước G7 gồm Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Ý.
Nhà cung cấp phải được ủy quyền của hãng và có cam kết bảo hành thiết bị sau khi được sử dụng”- công văn nêu rõ. Thậm chí, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM trong các cuộc họp với cơ quan chức năng nhiều lần khẳng định lại: “Các gói thầu phải là thiết bị có xuất xứ G7, châu Âu chứ không làm khác. Nếu làm bậy mai mốt thanh kiểm tra ra ai vi phạm thì sẽ bị xử lý”.
Vậy nhưng mọi chuyện không diễn ra như chỉ đạo khi Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình y tế, thuộc Sở Y tế TP.HCM, nơi được giao làm chủ đầu tư bệnh viện này “bất tuân thượng lệnh”. “Họ cứ sửa hồ sơ xoành xoạch dù hồ sơ đã bán đi” - ông D. một nhà thầu ta thán. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong trong 11 gói thầu trang thiết bị y tế có giá trị hơn 1.300 tỷ đồng đã chuẩn bị kỹ lưỡng về hồ sơ nhưng khi đưa ra mời thầu gói thầu nào cũng bị sửa lại theo hướng thay đổi nhiều chi tiết.
Một nhà thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị chống nhiễm khuẩn nói rằng, họ đã bị loại tức tưởi khi doanh nghiệp khác đã mánh khóe kết hợp các gói trang thiết bị lại để có gói thầu trị giá lớn. “Họ làm vậy để loại các nhà thầu nhỏ, nhằm mục đích thao túng giá trúng thầu” - người này nói.
Dẫn chứng từ gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị chống nhiễm khuẩn, cho thấy gói thầu này có đến 69 mặt hàng, có thể chia thành các gói nhỏ, độc lập như: gói các thiết bị inox; máy rửa và sấy khô giường, xe chuyển bệnh, băng ca; gói thiết bị giặt là và gói các loại máy tiệt trùng… Đơn vị tư vấn đấu thầu cho Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM là Công ty Mediconsul VN đã cố tình gom hết lại thành một gói lớn.
Từ “chiêu” này dẫn đến hồ sơ yêu cầu năng lực các nhà thầu được quy định “giá trị hợp đồng tương tự đã thực hiện 70 tỷ đồng” và “doanh thu bình quân hằng năm từ hoạt động sản xuất kinh doanh tối thiểu 138 tỷ đồng”. Với cách làm này nên… chỉ có một công ty đáp ứng được tiêu chí trên. 4 đơn vị tham gia đấu thầu khác đã bị loại.
Cũng trong gói thầu này, công ty tư vấn đã chia nguồn gốc xuất xứ thiết bị ra làm 3 nhóm, gồm thiết bị xuất xứ từ các nước Đức- Nhật- Hoa Kỳ và Anh; nhóm thiết bị xuất xứ từ Canada, Pháp, Ý và nhóm các nước còn lại.
Một nhà thầu cho biết, đơn vị tư vấn đã “chẻ” thiết bị nhóm G7 ra làm 2 để đánh giá, chênh lệch giữa 2 nhóm đến 20% mà không dựa trên cơ sở khoa học nào. Trong khi ở nhóm còn lại, các sản phẩm có xuất xứ từ Hàn Quốc, các nước châu Âu đều được đánh đồng như Trung Quốc và các nước châu Á khác. “Điều này không ngoài mục đích tăng lợi thế cho một số nhãn hiệu nào đó”- các nhà thầu đặt nghi vấn và cho biết, hậu quả là bác sĩ của bệnh viện phải sử dụng thiết bị trời ơi.
Ai thao túng?
Dù Bộ Y tế đã phê duyệt gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị hồi sức nhưng ngày 22/8 vừa qua, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình y tế lại có công văn đến các đơn vị mua, nhận hồ sơ mời thầu gói này thông báo điều chỉnh hàng loạt tiêu chí cấu hình và thông số thiết bị theo hướng… hạ xuống so với ban đầu. Theo đó, 24 thiết bị được điều chỉnh thông số kỹ thuật.
Đơn cử như, máy thở di động từ thể tích khí thở vào từ 0-999ml bị “điều chỉnh” xuống từ 0 đến lớn hơn hoặc bằng 2.000ml; chỉ số ngưng thở cũng điều chỉnh từ 0-99ev/h bằng cách hạ xuống còn 0 đến lớn hơn hoặc bằng 50 lần/giờ…
Tương tự, ở thiết bị máy theo dõi bệnh nhân 6 thông số yêu cầu trong hồ sơ ban đầu được Bộ Y tế duyệt là ắc quy dự phòng dùng liên tục lớn hơn 100 phút, sau đó sửa hạ xuống còn lớn hơn hoặc bằng 90 phút; nguồn pin của ắc quy cho máy có thời gian sử dụng lớn hơn hoặc bằng 2 giờ, cũng được hạ xuống lớn hơn hoặc bằng 90 phút.
Theo yêu cầu, với bộ dụng cụ cấp cứu nhi, nhà sản xuất phải đưa ra sản phẩm đạt chất lượng quốc tế ISO 9001 hoặc ISO 13485 và sản phẩm cung cấp phải đạt ít nhất một trong các chứng chỉ CE theo tiêu chuẩn châu Âu hoặc FDA của Mỹ.
Tuy nhiên, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình y tế đã sửa lại, bỏ luôn yêu cầu sản phẩm cung cấp phải đạt ít nhất một trong các chứng chỉ CE hoặc FDA. Thậm chí, ở sản phẩm Bộ dụng cụ bộc lộ tĩnh mạch cho bệnh nhi được duyệt phải có danh sách công việc bảo dưỡng theo khuyến cáo của nhà sản xuất, có đội ngũ kỹ sư hằng năm bảo trì định kỳ… đều được chủ đầu tư bệnh viện “điều chỉnh” bỏ hết các nội dung trên.
Ở gói thầu “cung cấp và lắp đặt thiết bị phục vụ khoa phòng”, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình y tế cũng điều chỉnh hồ sơ thầu hàng loạt thiết bị, trong đó, nhiều mục như máy sấy thực phẩm dù yêu cầu nhà sản xuất phải đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO 9001 nhưng bị điều chỉnh bỏ đi. Nhiều mục bảo hành, bảo trì bị bỏ, các tiêu chuẩn cao như CE, FDA bị bỏ ra ngoài dù hồ sơ ban đầu có đưa vào.
Một ngày sau những “điều chỉnh” trên được tung ra, bà Cầm Thị Thu Hiền - Giám đốc Công ty CP kỹ thuật và Thiết bị y tế Sài Gòn đã phản ứng bằng văn bản gửi chủ đầu tư. Đơn vị này đề nghị làm rõ hồ sơ mời thầu liên quan đến gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị chẩn đoán hình ảnh.
“Việc điều chỉnh chấm điểm 0 nếu không đạt mục 43 (dung lượng nhiệt Anode tối đa lớn hơn hoặc bằng 3.5 MHU) là nhằm hạn chế gần như phần lớn các trang thiết bị có tên tuổi và chất lượng như Siemens, Philips, Toshiba và chỉ có duy nhất hệ thống thiết bị DSA của Hãng GE có thể đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật này”- kiến nghị nêu rõ. Bà Hiền cho rằng, việc chấm điểm như trên sẽ dẫn đến việc chỉ định thầu cho Hãng GE của Mỹ đồng thời đề nghị giữ nguyên cách chấm điểm như hồ sơ mời thầu ban đầu chứ không sửa nữa.
Trong một lá đơn gửi đến Bí thư Thành ủy và UBND TP.HCM, một công ty chuyên về trang thiết bị y tế, tham gia vào các gói thầu trên (xin giấu tên) tố Công ty Mediconsul VN “lật kèo”. Theo công ty này, trước khi tham gia đấu thầu thì công ty tư vấn Mediconsul VN cam kết họ là đơn vị thay mặt cho UBND TP.HCM và Sở Y tế thực hiện toàn bộ quá trình tổ chức đấu thầu và giám sát lắp đặt thiết bị y tế. “Công ty tư vấn sẽ lập hồ sơ mời thầu đảm bảo đề xuất các tiêu chí phù hợp với thiết bị của chúng tôi tham gia đấu thầu, chúng tôi sẽ thanh toán phí tư vấn cho đơn vị tổng cộng 5% giá trị trúng thầu cho mỗi gói thầu. Chúng tôi đã nộp trước cho công ty 2%, phần còn lại nộp sau khi trúng thầu”, đại diện doanh nghiệp này viết, đồng thời cho biết, sau đó Mediconsul VN đã điều chỉnh hồ sơ mời thầu gây bất lợi cho doanh nghiệp của họ và nhiều gói thầu bị điều chỉnh như vậy. |
Theo Tiền Phong