Hậu thâu tóm BigC, Metro: Bát đũa, tăm tre Thái "đổ bộ" vào Việt Nam

Thứ ba, 04/10/2016, 10:33
Sau thương vụ thâu tóm thành công hai hãng bán buôn, bán lẻ lớn nhất thị trường Việt Nam là Metro và BigC của các đại gia Thái Lan, gần đây khi đến hai siêu thị này, người tiêu dùng dễ bắt gặp hàng Thái Lan xuất hiện ngày càng nhiều, cho dù những loại hàng đó Việt Nam sẵn có.

Theo ghi nhận của phóng viên tại quầy bán đồ vật dụng gia đình của siêu thị BigC Thăng Long, hàng loạt thìa, muỗng, bát, đũa nhựa, chén, bát sứ có xuất xứ từ Thái Lan chiếm một diện tích khá lớn trên kệ. Thậm chí cả tăm tre Thái Lan cũng được nhập về bày bán tại đây.

Tại gian hàng bánh kẹo, nhiều loại bánh kẹo, đồ ăn nhanh, kem, sữa cũng được bày la liệt và bắt mắt trên kệ hàng.

Hiện, cả siêu thị Metro và BigC đều xây dựng mô hình siêu thị tích hợp, bán buôn, bán lẻ rất nhiều sản phẩm khác nhau từ: thực phẩm tươi, đồ đông lạnh, hàng may mặc, đến các hàng điện tử, trong đó có nhiều thiết bị điện tử được liên doanh từ Thái Lan như: bếp từ, lò vi sóng, máy xay sinh tố, quạt, nồi cơm điện của các hãng Panasonic, Sony, Mitsubishi, Sharp...

Theo một khách hàng tại đây, nếu để ý kỹ, BigC thời gian gần đây đang mở bán thêm cả các mặt hàng điện tử, điện máy gia dụng. Tham vọng của họ nhằm đưa các chuỗi sản phẩm này đa dạng, phù hợp với sự tìm kiếm của khách hàng. "Kể từ khi có chủ mới, rất nhiều kệ hàng thay đổi, chiến lược marketing của doanh nghiệp là 1 tuần thay đổi hàng kệ /lần nhằm tạo sức hút và điểm mới cho khách hàng", vị khách cho hay.

Đáng nói, những sản phẩm cùng hãng liên doanh, có sản xuất cả ở Việt Nam và Thái Lan, song hàng Thái vẫn được ưu tiên.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc hàng Thái được ưu tiên trong chuỗi bán lẻ của họ là chuyện được dự đoán từ trước. Tuy nhiên, điều này chúng ta không nhận ra ngay được bởi họ cũng chưa dại gì để thay đổi toàn bộ hàng Thái, mà cần có thời gian nghiên cứu thị hiếu và nhận diện thương hiệu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, xét về dài hạn, không có luật nào cấm họ bán hàng Thái tại Việt Nam, nhất là khi hàng ASEAN theo Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được dỡ bỏ thuế quan và hàng rào phi mậu dịch, xóa bỏ rào cản về dịch vụ.

"Hàng ngoại đang bằng cách này hay cách khác xâm nhập vào từng mâm cơm, bữa ăn của Việt Nam. Nói như vậy để thấy nước lũ đã dồn đến chân tường, góc nhà rồi, nếu không nhanh chúng ta sẽ giao toàn bộ mảng bán lẻ cho nước ngoài. Phố phường sẽ toàn những biển hiệu hàng ngoại, đồ ngoại thì hàng Việt sẽ "chết" từ cuộc chơi thương hiệu, marketing đến sân chơi thị phần", chuyên gia Phạm Chi Lan phân tích.

Trên thực tế theo nhiều người tiêu dùng, hàng Thái có mẫu mã và chất lượng khá tốt. Hàng Thái không cạnh tranh về mức giá rẻ như hàng Trung Quốc tại Việt Nam mà chú trọng xây dựng hình ảnh, cạnh tranh về mật độ hiện diện sản phẩm và thương hiệu tại các cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại và nay là các đại siêu thị bán buôn, bán lẻ.

Theo khẳng định của các chuyên gia kinh tế, hàng Thái đang mở rộng lớn về các cửa hàng tiện ích, cùng với cửa hàng tiện ích của Hàn Quốc, Nhật Bản thì cửa hàng tiện ích Thái Lan được đầu tư rất nhiều. Quán ăn Thái Lan cũng được mở rộng tại nhiều trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí... đi kèm với đó là các sản phẩm sản xuất tại Thái Lan từ bim bim đến các vật dụng như túi bóng, tăm tre Thái Lan.

Theo nghiên cứu của PGS. TS. Hoàng Thị Phương Thảo, Đại học Mở TP.HCM, Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn thứ 2 sau Trung Quốc với hơn 90 triệu dân, đa phần dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa tăng, thu nhập được cải thiện mạnh và thói quen mua sắm hiện đại ngày một lớn.

Việc các đại gia bán lẻ của Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản lần lượt xâm nhập bằng nhiều cách vào Việt Nam khiến cuộc cạnh tranh đầu ra cho các sản Việt trở lên quyết liệt hơn bao giờ hết. Các DN Việt đang phải bằng mọi cách để kết nối với các DN bán lẻ Việt Nam nhằm đứng chân ở các vị trí thuận tiện, chống cuộc xâm nhập về mật độ hàng hóa và nhận diện thương hiệu ở các khu vực trọng yếu.

Các tin cũ hơn