Cơ hội nào cho đồ chơi Việt?

Thứ tư, 05/10/2016, 16:49
Tại Việt Nam, thị trường các sản phẩm tiêu dùng trẻ em gồm đồ chơi, quần áo trị giá khoảng 1,1 tỉ USD.

Cán cân thị trường đồ chơi trẻ em từ lâu nghiêng hẳn về phía doanh nghiệp ngoại không còn là điều xa lạ, khi các mặt hàng đồ chơi nhập khẩu chiếm phần lớn thị trường. Mới đây, Hiệp hội Các nhà sản xuất đồ chơi thế giới vừa khảo sát một số địa phương tại Việt Nam, trong đó có TP.HCM và Bình Dương.

Khảo sát này tìm hiểu khả năng xây mới các cơ sở sản xuất đồ chơi và chuyển dịch các nhà máy đồ chơi hiện ở Indonesia sang Việt Nam để tận dụng lợi thế sản xuất giá rẻ. Nếu điều này xảy ra, thị trường đồ chơi trong nước sẽ phong phú hơn nhưng cũng đẩy các nhà sản xuất đồ chơi nội địa vào thế bị kẹp giữa đồ chơi nhập khẩu cao cấp và đồ chơi giá rẻ từ Trung Quốc.

Thị trường đồ chơi trẻ em hiện được chia thành 2 phân khúc chính. Nhóm đồ chơi cao cấp được bán ở các hệ thống cửa hàng đồ chơi nhập khẩu, trung tâm thương mại. Đồ chơi được nhập khẩu qua các công ty như: Phương Nga chuyên phân phối các nhãn hiệu Barbie, Hotwheels, Disney… qua chuỗi cửa hàng Funny Land, nhà sách, trường học; Việt Tinh Anh độc quyền phân phối đồ chơi LEGO, Siku, Moxie Girlz, K’s Kids... qua chuỗi My Kingdom; An Điền chuyên phân phối đồ chơi nhãn hiệu Nhật như Tomy, Bandai, Epoch.

Trong khi đó, Petrosetco có lợi thế về các thương hiệu đồ chơi Đức như BIG, Fischertechnik, Teifoc... Mỗi món đồ chơi cao cấp có giá bán vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng nhưng sức mua khá cao. Dù giá đồ chơi nước ngoài cao nhưng được nhiều người tiêu dùng chọn mua vì yên tâm về chất lượng, đặc biệt khi có nhiều thông tin đồ chơi Trung Quốc có nhiều chất gây hại cho sức khỏe trẻ em.

Phân khúc thứ hai là thị trường đồ chơi bình dân tại các chợ, siêu thị và cửa hàng đồ chơi nhỏ lẻ. Ở các kênh phân phối này, bất kỳ món đồ nào, từ đơn giản như trái bóng, thú nhồi bông, cho đến xe lắp ráp, đồ chơi xếp hình tinh xảo, thì hơn 90% có xuất xứ từ Trung Quốc; giá nào cũng có, vài chục ngàn đồng hay vài trăm nghìn đồng. Đồ chơi Việt Nam trong phân khúc này chỉ có một vài thương hiệu tên tuổi, như Nhựa Chợ Lớn, Long Thủy, LHT.

Đại Đồng Tiến tuy cũng là doanh nghiệp có tiếng trong ngành nhựa, song chỉ tập trung gia công cho thương hiệu Viking Toys của Thụy Điển chứ không tham gia thị trường dưới thương hiệu riêng. Ngoài ra, ngách thị trường được các doanh nghiệp nội phát triển là nhóm đồ chơi gỗ mang tính giáo dục như Đức Thành với thương hiệu Winwintoys, Nam Hoa…

Trong khi đó, đồ chơi Việt có mẫu mã đơn điệu, giá bán không cạnh tranh, kiểu dáng không bắt mắt nên ít được ưa chuộng.

Theo nghiên cứu của Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Nkid, thị trường tiêu dùng cho trẻ em tại Việt Nam ước tính lên đến 5,2 tỉ USD cho 3 nhóm giáo dục, y tế và các sản phẩm dịch vụ liên quan. Trong đó, các sản phẩm dịch vụ liên quan đến trẻ em ước đạt doanh thu khoảng 3 tỉ USD/năm. Trong nhóm này, các sản phẩm sữa, thực phẩm dinh dưỡng chiếm khoảng 1,2 tỉ USD, sản phẩm tiêu dùng gồm đồ chơi, quần áo trị giá 1,1 tỉ USD, còn dịch vụ vui chơi giải trí ước tính khoảng 700 triệu USD.

Sự phát triển nở rộ của các hệ thống phục vụ cho bà mẹ và trẻ em như Kids Plaza, Bibo Mart… đã chứng minh thị trường “mẹ và bé” còn rất nhiều tiềm năng. Lấy hệ thống Concung làm ví dụ. Chỉ sau 5 năm ra mắt, chuỗi siêu thị thời trang, đồ chơi, thực phẩm này đã mở được 83 cửa hàng trên cả nước.

Đồ chơi Việt có tìm được chỗ đứng trước các ông lớn nước ngoài?

Theo thống kê dân số, Việt Nam đang có khoảng 22 triệu trẻ em ở độ tuổi từ 0-14, chiếm 24% dân số. Tiềm năng là vậy nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng chen chân được vào thị trường đồ chơi màu mỡ. Không phải là một sản phẩm tiêu dùng lâu dài mà có tốc độ thay thế nhanh, nên giá vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng và đây không phải là lợi thế của đồ chơi Việt Nam.

Chủ một công ty chuyên sản xuất xe đạp trẻ em có nhà máy tại quận Bình Tân, TP.HCM cho biết, một chiếc xe được nhập khẩu từ Trung Quốc rồi vận chuyển từ miền Bắc vào miền Nam để bán vẫn có giá chỉ bằng phân nửa so với hàng sản xuất tại TP.HCM. Ông đã sang nhà sản xuất ở Trung Quốc để tìm hiểu và nhận thấy, các xưởng sản xuất ở đây, ngoài đầu tư cho công nghệ tiên tiến, tiêu thụ ít năng lượng hơn, nguyên liệu nhựa tái chế được tận dụng để sản xuất đồ chơi, lại sản xuất với quy mô lớn cung ứng toàn cầu nên có giá bán rẻ.

Nhóm đồ chơi phổ biến nhất hiện nay là đồ chơi nhựa cũng yêu cầu nhà sản xuất phải đầu tư ban đầu vài chục tỉ đồng, hằng năm lại phải tái đầu tư 30-40% doanh thu cho dàn máy móc mới. Chẳng hạn, để sản xuất 1 chiếc xe đạp trẻ em, cần nhiều chi tiết; mỗi chi tiết lại cần 1 khuôn sản xuất. Chi phí đầu tư cho 1 mẫu xe vài chục bộ khuôn lên đến hàng trăm triệu đồng hoặc cả tỉ đồng. Do đó, các đơn vị quy mô nhỏ và vừa trong nước cùng lắm mỗi năm chỉ làm ra được một vài mẫu để bán.

“Dù làm nghề sản xuất đồ chơi hơn 20 năm, song sản phẩm của Công ty không thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu giá rẻ ở các thành phố lớn. Do đó, Công ty phải tìm thị trường ở các tỉnh, xuất khẩu một phần sang Campuchia và Lào”, đại diện Công ty cho biết. Theo ông, nếu chỉ tập trung vào một vài dòng sản phẩm mới tạo được lợi thế về giá, còn nếu sản xuất đa dạng mẫu mã thì buộc phải bán giá cao mới tồn tại được.

Ngoài mẫu mã thiết kế, các nhà sản xuất đồ chơi trong nước cũng bất lợi trong chi phí bản quyền sử dụng hình ảnh các nhân vật hoạt hình mà trẻ em yêu thích. Một trong những lợi thế mà ngành đồ chơi nước ngoài có được là sở hữu hình ảnh nhân vật từ phim ảnh. Tiêu biểu như Disney, năm 2015, doanh thu từ mảng DCP (các sản phẩm tiêu dùng sử dụng hình ảnh nhân vật của Disney) đem về cho hãng 4,5 tỉ USD.

Trong đó, riêng hình ảnh nhân vật từ bộ phim Star Wars đã đem về 700 triệu USD tại thị trường Mỹ. Hãng Warner Bros (Mỹ) chọn Công ty Global Brands Group làm đại lý cấp phép bản quyền tại Việt Nam, Lào, Campuchia hình ảnh các nhân vật: chuột Jerry, mèo Tom, người dơi Batman, chó Scooby-Doo, Harry Potter...

Có hai cách chính để trả tiền bản quyền: trả theo tỉ lệ phần trăm trên doanh số bán sản phẩm (tỉ lệ này thay đổi tùy theo mặt hàng), hoặc trả một khoản tiền tối thiểu được định trước trong trường hợp doanh số bán hàng thực tế quá thấp. Dù sao, có thể thấy chi phí để mua quyền sử dụng hình ảnh các nhân vật phim ảnh để tạo sự gần gũi và thích thú của trẻ em, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.

Theo khảo sát của NCĐT, trong các kênh phân phối đồ chơi, các cửa hàng nhỏ lẻ và siêu thị đồ trẻ em là hai kênh bán chạy nhất. Còn tại các siêu thị, chi phí thuê chỗ, thuê kệ hàng khá cao lại bán không chạy, do đó khá ít doanh nghiệp cầm cự được ở đây.

Nếu đồ chơi nhựa thất thế thì ngành đồ chơi gỗ, chiếm 10-15% thị trường đồ chơi cả nước, đang là phân khúc mà doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế. Đức Thành là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất đồ chơi gỗ mang tính giáo dục cho trẻ với thương hiệu Winwintoys.

Bà Trương Thị Bình, Giám đốc Kinh doanh Công ty Gỗ Đức Thành, cho biết doanh số bán hàng dù có tăng trưởng nhưng không thể tăng đột biến như các sản phẩm khác vì nhu cầu đối với mặt hàng này chỉ luôn ở mức ổn định. Dù có lợi thế cơ sở vật chất và nguồn gỗ vụn tận dụng được trong sản xuất gỗ nội thất, hằng năm, Công ty chỉ cho ra đời 40-50 mẫu sản phẩm với tỉ lệ lợi nhuận khoảng 20%.

Theo bà Bình, một trong những cơ hội mà doanh nghiệp đồ chơi Việt có thể lưu tâm chính là xu hướng quan tâm đến chất lượng của các bậc phụ huynh. Trong đợt Tết Trung thu vừa rồi, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết, có đến 80% mẫu đồ chơi được kiểm tra không có thông tin sản phẩm trên bao bì và có đến 75% không có dấu hợp quy CR (tiêu chuẩn quy định chất lượng với sản phẩm đồ chơi), cùng nhiều thông tin về đồ chơi chứa chất hóa học nguy hiểm, đồ chơi bạo lực, thiếu tính giáo dục đang tràn lan trên thị trường.

Do đó, nếu tập trung cho chất lượng và truyền thông hiệu quả, phải chăng đây là hướng để đồ chơi Việt tạo dựng được lợi thế cạnh tranh, thay vì cuộc chiến không cân sức về giá cả và mẫu mã như trước

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích