Chậm thoái vốn khỏi Habeco, Sabeco sẽ bị kiểm điểm

Thứ tư, 05/10/2016, 08:53
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu phải thoái vốn khỏi Sabeco, Habeco trong năm 2016, nếu chậm Bộ Công Thương phải kiểm điểm trước Thủ tướng.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/10, đại diện Bộ Công Thương than cần 12 – 14 tuần mới có thể hoàn tất thủ tục niêm yết Habeco, Sabeco trên sàn chứng khoán.

“Khả năng có thể lên sàn được của hai doanh nghiệp này trong năm 2016 là rất khó khăn, nhưng nếu có chậm cũng chỉ đến quý I/2017”, vị này nói.

Nhà nước thoái vốn tại Habeco năm 2016 trong khi việc cổ phần hóa Sabeco sẽ chia thành 2 đợt. Ảnh: VTC.

Theo kế hoạch, Habeco sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu nhà nước (9.000 tỷ đồng) trong năm 2016. Còn Sabeco sẽ thực hiện thoái vốn theo 2 đợt.

Đợt 1 sẽ bán 53,29% vốn nhà nước (24.000 tỷ đồng) trong năm 2016. Đợt 2 sẽ bán 32% vốn điều lệ (16.000 tỷ đồng) sau khi đã niêm yết trên sàn chứng khoán.

Đồng tình với ý kiến của Bộ Công Thương về chủ trương thoái vốn khỏi Sabeco, Habeco, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay chủ trương của Chính phủ là cương quyết thoái vốn nhà nước tại đây.

Ông Dũng yêu cầu Bộ Công Thương, đơn vị chủ quản của hai doanh nghiệp trên phải minh bạch, công khai bán vốn nhà nước ở đó cho các doanh nghiệp theo hình thức đấu giá.

“Không bán chỉ định cho một nhà đầu tư hay bán giới hạn. Bộ Công Thương sẽ bán cổ phần nhà nước tại hai doanh nghiệp trên cho đơn vị, cá nhân nào có điều kiện mua được với giá cao nhất. Mục tiêu là mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước nên ai ra giá cao nhất sẽ được mua. Không được để có lợi ích nhóm trong việc cổ phần hóa”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Đáng nói, người phát ngôn Chính phủ yêu cầu việc niêm yết phải được thực hiện trong năm 2016. Muốn vậy, các doanh nghiệp này phải lên sàn chứng khoán, có tư vấn đấu thầu xác định giá trị doanh nghiệp trước khi bán.

Trước việc Bộ Công Thương kêu khó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu: “Nếu chậm sau năm 2016, Bộ Công Thương phải kiểm điểm trước Thủ tướng, Nhà nước, hai doanh nghiệp phải kiểm điểm trước Bộ Công Thương. Lên sàn chậm là lỗi của chính doanh nghiệp vì họ cổ phần hóa lâu rồi, nhưng không niêm yết”.

Tại buổi họp báo, việc bổ nhiệm con trai nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, ông Vũ Quang Hải cũng rất được quan tâm.

Trả lời báo chí về việc này, đại diện Bộ Công Thương cho hay Bộ đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình sau khi làm việc với đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

“Với tinh thần trung thực, khách quan, cầu thị, chúng tôi đang tiếp thu ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để hoàn tất báo cáo gửi Chính phủ về việc này trước ngày 1/11 tới”, vị này nói thêm.

Trước đó, vào hôm qua (3/10), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tiếp tục yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra, làm rõ căn cứ pháp lý, điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục tuyển dụng, bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải.

Theo Zing

Các tin cũ hơn