Khách sạn ven biển: Quán quân tăng trưởng
Trong 6 tháng đầu 2017, thị trường khách sạn Đà Nẵng đón thêm 1 khách sạn 5 sao và 3 khách sạn 4 sao - cung cấp thêm hơn 1.000 phòng, nâng tổng nguồn cung 3-5 sao lên 12.969 phòng. Tính đến cuối năm 2017, dự kiến thị trường sẽ có thêm khoảng 3.800 phòng từ 21 khách sạn được khai trương - nâng tổng số phòng lên hơn 16.800 phòng, tăng 40% so năm 2016. Đây là tỷ lệ tăng cao nhất về nguồn cung trong giai đoạn 2014-2017, CBRE đánh giá.
Trong 6 tháng đầu 2017, thị trường khách sạn Đà Nẵng đón thêm 1 khách sạn 5 sao và 3 khách sạn 4 sao |
Riêng trong quý II vừa qua, cũng theo CBRE, nhìn chung các khách sạn ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khối khách sạn 4 sao trong thành phố dẫn đầu mức tăng doanh thu phòng bình quân (37% theo năm).
Theo sau là khách sạn 4 sao ven biển với tỷ lệ tăng 8.8% theo năm về doanh thu phòng bình quân. Đây cũng là phân khúc ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về nguồn cung khách sạn mới trong 4 năm qua. Về xu hướng này, bà Dương Thùy Dung, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển, CBRE Việt Nam cho biết: “Hàng loạt các khách sạn 4 sao khai trương trong những năm gần đây, đặc biệt là các khách sạn mới nằm dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp, góp phần vẽ nên đường skyline mới cho TP Đà Nẵng… Trong thời gian sắp đến, tuyến đường này sẽ chào đón thêm nhiều tòa nhà cao tầng hơn nữa và đa dạng hơn về loại hình BĐS.”
Đáng chú ý, thị trường năm nay cho thấy sự dịch chuyển rõ nét hơn về quốc tịch khách quốc tế đến Đà Nẵng. Cụ thể, “du khách đến từ Hàn Quốc đã bắt đầu vượt du khách Trung Quốc về số lượt khách. Nếu trong năm 2015, khách Trung Quốc chiếm 17,2% thì trong nửa đầu năm 2017 tỷ lệ này tăng lên 30%”. Đặc biệt, bà Dung cũng lưu ý “sự dịch chuyển về quốc tịch khách sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự dịch chuyển của dịch vụ đi kèm như F&B (bộ phận nhà hàng và quầy uống trong khách sạn – PV), dịch vụ giải trí cũng như nhu cầu về đầu tư BĐS...”
CBRE dự báo, năm 2017 thị trường cũng sẽ đón những thương hiệu khách sạn mới, chính thức hoạt động tại Đà Nẵng như Sheraton, Four Points by Sheraton, Hilton và JW Mariott - đưa địa bàn này lên dẫn đầu cả nước về số lượng các thương hiệu quốc tế.
Điểm nóng đã bớt....nóng?
BĐS nghỉ dưỡng ven biển là điểm nóng đầu tư trong 2 năm gần đây, đặc biệt là loại hình căn hộ nghỉ dưỡng (condo-tel) đang thu hút nhiều quan tâm của các nhà đầu tư. Kỳ vọng lợi nhuận từ việc cho thuê trong tương lai là mục đích đầu tư chính của khách hàng. Mặc dù vậy, đang xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy trạng thái “hạ nhiệt” ở phân khúc này.
Các sản phẩm với cam kết hấp dẫn ngày càng trở nên rủi ro: đến từ vận hành sau hoàn thiện xây dựng, và trong trường hợp mức cam kết lợi nhuận cao hơn dòng tiền kinh doanh thu về |
Tính đến quý II vừa qua, tỷ lệ bán trung bình toàn thị trường đạt 89,2%, tăng 8,4 điểm % theo quý và 11,4 điểm % theo năm. Tuy nhiên, tốc độ bán trong nửa năm đầu 2017 có phần giảm nhẹ so với năm 2016 là thời điểm thị trường bùng nổ với loại hình BĐS mới. Đại diện CBRE cho biết, nguồn cung lớn được chào bán trong những quý vừa qua đưa ra nhiều lựa chọn cho khách hàng - theo đó, sự cân nhắc mua BĐS cũng trở nên cẩn trọng hơn.
Tương tự, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng có phần trầm lắng hơn so với condo-tel về nguồn cung mới và tốc độ bán. Cụ thể, dẫn nguồn từ đơn vị tư vấn, thị trường không có nguồn cung mới được chào bán trong quý II. Tỷ lệ bán ghi nhận mức tăng nhẹ, 1.0 điểm % theo quý và 4.0 điểm % theo năm. Tốc độ bán chậm một phần do thị trường hạn chế nguồn cung, do đó khách hàng có ít sự lựa chọn. Trong hai quý tiếp theo, dự kiến có khoảng 160 căn biệt thự cao cấp được chào bán.
Dẫu vậy, bà Dung nhận định: "Suất đầu tư sinh lời tại các dự án Villa & Condo-tel tại một vài vị trí đẹp ở Đà nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc khá cao, thậm chí cao hơn đầu tư tại Hà Nội và Tp.HCM nên được các nhà đầu tư cá nhân ưa chuộng. Chưa kể có khá nhiều dự án nghỉ dưỡng đưa ra mức cam kết lợi nhuận rất hấp dẫn như từ 8-10%/năm, cố định trong vòng 5-10 năm (tùy từng dự án). Đây chính là yếu tố thu hút các nhà đầu tư khi phải lựa chọn những kênh đầu tư vừa sinh lời vừa an toàn..."
"Điểm cần lưu ý là phần “tel” (khách sạn) trong mô hình condotel. Trong hầu hết các trường hợp, chúng tôi thấy được rằng rất ít các yếu tố quản lý vận hành như khách sạn được cân nhắc phát triển cho thành phần này. Điều này đặc biệt đáng lo ngại vì chủ đầu tư khó có thể đảm bảo phần lợi nhuận đã cam kết. Để tạo nguồn doanh thu chi trả cho cam kết, condotel phải được vận hành hoàn như khách sạn và đạt kết quả hoạt động kinh doanh ấn tượng. Thế nhưng, hầu hết các dự án đều không được hoạch định kỹ cho yếu tố vận hành và chính việc cạnh tranh gay gắt trong phân khúc khiến các chủ đầu tư phải tăng cường quảng bá sản phẩm cũng như áp dụng chính sách cam kết lợi nhuận để thu hút người mua..." Ông Rudolf Hever, GĐ bộ phận Tư vấn Khách sạn, Savills Châu Á – Thái Bình Dương |
Theo Dân Việt