Tại đại hội cổ đông thường niên 2018 ngày 29/6, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai (mã CK: QCG) nhận nhiều mối quan tâm của nhà đầu tư về vụ lùm xùm mua hơn 30ha đất công của Công ty Tân Thuận và bị yêu cầu thu hồi, đàm phán lại.
Các câu hỏi được cổ đông đặt ra là số phận của khu đất hiện giờ ra sao và Công ty Tân Thuận đã hoàn lại tiền chưa. Giao dịch này có làm ảnh hưởng đến dòng tiền của Quốc Cường Gia Lai không.
Trước đó, hôm 18/4, Văn phòng Thành ủy TP.HCM thông báo về việc chuyển nhượng khu đất hơn 30 ha của Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.
Quan điểm của Thành ủy, khu đất này đã đền bù, thuộc Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè), có vị trí đẹp ở gần sông Sài Gòn, nhưng được chuyển nhượng với giá 1,29 triệu đồng mỗi m2 vào tháng 6/2017. Công ty Tân Thuận thu về cho ngân sách số tiền hơn 400 tỷ đồng, trong khi nếu bán theo giá thị trường có thể thu về hơn 2.000 tỷ. Để tránh thất thoát tài sản công, giao dịch này bị hủy, thành phố yêu cầu đàm phán lại và đề nghị thu hồi.
Trước những thắc mắc của cổ đông, bà Loan phân trần: “Thật ra, Quốc Cường Gia Lai bị oan trong thương vụ mua bán khu đất này”. Nỗi oan của doanh nghiệp là 32 ha đất phía Tân Thuận bán chỉ là đất nông nghiệp, không phải đất "sạch" đã giải phóng mặt bằng xong mà đang đền bù không tập trung. Khu đất không có đường vào, chưa làm hạ tầng, cũng không có tiện ích. Thế nhưng, theo bà Loan, loại đất nông nghiệp này lại bị so sánh một cách khập khiễng với giá đất thổ cư trong khu dân cư có pháp lý hoàn chỉnh. Trên thực tế giá đất nông nghiệp luôn thấp hơn đất thổ cư rất nhiều.
Một góc khu đất 32ha Quốc Cường Gia Lai mua hụt từ Công ty Tân Thuận. |
Người đứng đầu QCG phân tích, trong trường hợp doanh nghiệp may mắn đền bù được đất sạch 100% thì khi chuyển mục đích sử dụng đất chi phí bỏ ra cũng không hề rẻ. Bởi lẽ, Nhà nước áp cách tính thuế theo phương pháp thặng dư lấy giá thị trường trừ đi hàng loạt các chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí làm hạ tầng… Do đó, doanh nghiệp vẫn phải đóng thuế rất cao.
“Thoạt nghe qua ai nấy đều tưởng chúng tôi mua rẻ nhưng thực chất khi cộng tất cả mọi chi phí vào, phát sinh thêm áp lực bồi thường giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất thì tổng chi phí rất cao”, bà Loan giãi bày.
Chủ tịch QCG chia sẻ thêm, ban đầu công ty có 5 ha đất sạch nằm trong khu này và không có ý định mua quỹ đất diện tích lớn. Khi bà tìm đến Công ty Tân Thuận ngỏ ý bán 5 ha đất sạch thì đơn vị này không muốn mua lại. QCG nêu phương án hợp tác liên doanh cùng phát triển nhưng khi làm thủ tục lại vướng Tân Thuận không đủ năng lực tài chính để làm chủ đầu tư dự án.
Chính vì thế, Tân Thuận đề xuất phương án trình lên UBND TP.HCM xin bán dự án cho QCG. "Giao dịch diễn ra bình thường. Đến khi công ty hoàn tất nghĩa vụ chuyển tiền xong thì thông tin bán rẻ đất công ập đến", bà Loan nhớ lại.
Hiện thương vụ này đã bị hủy. Doanh nghiệp đã giao lại đất cho Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai cũng đã nhận lại đủ tiền. Tuy vuột mất quỹ đất 32 ha, bà Loan lại cho rằng trong cái rủi có cái may. Với dòng tiền được hoàn lại, doanh nghiệp có thể dồn nguồn lực tài chính về một mối, tập trung đền bù dự án 91,6 ha thuộc Khu Dân Cư Bắc Phước Kiển, huyện Nhà Bè đã được chấp thuận đầu tư từ trước.
“Giao dịch này bị hủy giúp công ty thoát nỗi lo bị đọng tiền vào việc đền bù giải phóng mặt bằng vốn đang diễn biến ngày càng phức tạp tại huyện Nhà Bè. Công ty có thể rảnh tay hoàn tất những dự án khác còn dang dở”, bà Loan nói.
Theo VNE