Gặp khó ở Sài Gòn, đại gia bất động sản dạt tỉnh

Thứ bảy, 22/12/2018, 09:58
Theo ông Phan Công Chánh, việc doanh nghiệp bất động sản TP.HCM ồ ạt dạt về tỉnh lẻ làm dự án và bán hàng không phải sở trường cho thấy TP đang khan hiếm nguồn cung cục bộ.

Thị trường đất nền TP.HCM đang bị thu hẹp nguồn cung nên những tháng cuối năm 2018 chứng kiến sự trỗi dậy của các thị trường lân cận với hạ tầng kết nối với TP ngày một dễ hơn.

Dạt tỉnh để duy trì nuôi quân

Thị trường bất động sản thời gian qua chứng kiến xu hướng khác với nhiều năm trước. Cùng với sự khan hiếm về quỹ đất và nguồn cung bất động sản tại TP.HCM, thị trường đất nền ở các khu vực giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu... sôi động. Các doanh nghiệp bất động sản cũng đẩy mạnh tăng tốc hoạt động bán hàng tại các thị trường này.

Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều ông lớn bất động sản có thị trường chủ lực tại TP.HCM đều có động thái vươn khỏi Sài Gòn săn quỹ đất, phát triển dòng sản phẩm mới. Các đại gia này có tham vọng phát triển dự án quy mô lớn ở địa bàn Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ.

Theo chuyên gia bất động sản cá nhân Phan Công Chánh, việc doanh nghiệp bất động sản TP.HCM ồ ạt dạt về tỉnh lẻ làm dự án và bán hàng không phải sở trường cho thấy TP đang khan hiếm nguồn cung cục bộ. Điều này đã dẫn đến hệ quả là làn sóng mở rộng thị trường về những địa bàn mới ngày một nhiều.

Các doanh nghiệp về tỉnh lân cận săn quỹ đất phát triển dự án ngày một nhiều.

Ông Chánh phân tích, vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP.HCM là thời gian tạo lập dự án khá dài, mất 3-5 năm để có được đất sạch, đầy đủ pháp lý, sẵn sàng đưa ra thị trường. Trong suốt chu kỳ chờ đợi dự án đủ điều kiện mở bán, doanh nghiệp chịu không ít áp lực, đó là mất đi chi phí cơ hội vì dòng vốn bị chôn trong dự án chưa thành phẩm. Mặt khác, các công ty vẫn phải vận hành hệ thống và nuôi quân.

Do cần phải có sản phẩm mới liên tục để bán hàng nuôi hệ thống, duy trì nguồn nhân lực hiện có, các công ty địa ốc TP HCM chọn giải pháp dạt ra tỉnh giáp ranh để triển khai dự án, đẩy nhanh tiến độ bán hàng.

Các dự án ở tỉnh lẻ được doanh nghiệp bán hàng gần đây có điểm chung là vị trí tốt, quãng đường di chuyển xa nhưng kết nối giao thông thuận tiện với TP.HCM, đồng thời có tốc độ ra sản phẩm nhanh hơn.

Mặt tích cực của chiến lược dạt về thị trường tỉnh lân cận là doanh nghiệp đa dạng được rổ hàng hóa, có thêm sản phẩm mới, tiếp cận được với nhóm khách hàng mới và đứng trước cơ hội mở rộng thị phần, tăng nhận diện thương hiệu.

Các sản phẩm ở tỉnh thường mềm hơn TP.HCM, là một lợi thế để các chủ đầu tư cấu trúc sản phẩm từ đắt đỏ sang vừa túi tiền hơn.

Doanh nghiệp đón nguồn tiền cuối năm

Thời điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp chạy nước rút bung hàng để đón đầu nguồn tiền mặt từ lương thưởng và kiều hối.

Đơn cử, Công ty Hưng Thịnh chuyên phát triển dự án căn hộ ở TP.HCM, đột ngột đổi khẩu vị bằng một dự án bất động sản liền thổ tại Long Thành - Đồng Nai. Đơn vị này đã mở bán giai đoạn đầu dự án hơn 3.600 nền đất sổ đỏ với giá dưới một tỷ đồng mỗi nền.

Tại TP. Bà Rịa, khoảng 1.000 nền trong các dự án khác nằm cạnh khu công nghiệp Phú Mỹ, Châu Đức cũng rục rịch thủ tục để tung ra thị trường dịp cuối năm nay. Trong đó Hưng Thịnh Land cũng đóng góp khoảng 400 nền.

Hàng loạt dự án tại các địa phương lân cận TP.HCM bung hàng đón sóng mua bất động sản cuối năm..

Còn tại Long An, sau khi siêu dự án có quy mô 355 ha của Tập đoàn Nam Long tại Bến Lức bị dời lịch mở bán sang đầu năm 2019 thì rất nhiều doanh nghiệp khác lại tranh thủ cơ hội này để bung hàng trước khi năm 2018 khép lại.

Đơn cử, nhà phát triển bất động sản Seaholdings đang gấp rút để kịp tung ra thị trường sản phẩm đất nền Lago Centro, dự án có quy mô 16,2 ha với vị trí ngay mặt tiền tỉnh lộ 830 của huyện Bến Lức. Mới đây, dự án Khu đô thị sinh thái Năm Sao - Five Star Eco City, với quy mô lên đến 420 ha cũng chính thức công bố mở bán sau nhiều năm bất động.

Trong khi đó, hàng loạt dự án trong huyện Đức Hòa (Long An) như Yeshouse, Areca Villa Long An, Golden City cũng tái khởi động, đẩy nguồn cung trong khu vực này tăng cao trong thời gian ngắn.

Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, các tỉnh giáp ranh TP.HCM đang được mang lại khá nhiều cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, ông lưu ý các dự án này phụ thuộc lớn và kế hoạch phát triển các dự án hạ tầng giao thông nên cần làm rõ bài toán kết nối hạ tầng trước khi chọn dự án để rót vốn.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích