Dấu ấn bất động sản 2018: Cơn sốt đất khuynh đảo thị trường điểm nóng Thủ Thiêm chấn động TP.HCM

Thứ sáu, 28/12/2018, 12:35
2018 là một năm nhiều biến động đối với thị trường bất động sản. Trong khi phân khúc đất nền xuất hiện những cơn sốt đất nền cục bộ trải dài từ Bắc vào Nam thì thị trường căn hộ nghỉ dưỡng lại chứng kiến sự sụt giảm chưa từng thấy. Cùng với những diễn biến bất thường, thị trường BĐS 2018 cũng bị tác động mạnh mẽ bởi hàng loạt chính sách như việc chính phủ chưa thông qua luật đặc khu kinh tế hay ngân hàng Nhà nước tăng cường siết chặt tín dụng vào BĐS.

1. Sốt đất khuấy đảo thị trường bất động sản 2018.

Thị trường bất động sản đầu năm 2018 đã chứng kiến nhiều khu vực sốt nóng cục bộ. Tại TPHCM, giá đất tại quận 2, 9, Thủ Đức, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ… đã vọt lên 50-100% so với cuối năm 2016. Còn tại các khu vực được quy hoạch lên đặc khu như Phú Quốc, Vân Phong, Vân Đồn giá nhà đất cũng tăng mạnh, có những khu vực tăng 100% chỉ trong vài tháng. Cơn sốt đất đặc khu chưa dứt, giữa năm 2018 thị trường BĐS tiếp tục chứng kiến cơn sốt đất nền ven biển miền Trung chạy dài từ Lăng Cô – Đà Nẵng – Phú Yên – Bình Thuận rồi lan cả những vùng hẻo lánh như Côn Đảo.

Giới địa ốc thừa nhận cơn sốt ảo xảy ra chủ yếu là do hiện tượng thổi giá của “cò đất”. Thị trường cũng xuất hiện một số công ty môi giới có dấu hiệu lừa dối khách hàng, nhà đầu tư để trục lợi như các vụ việc liên quan đến Công ty địa ốc Alibaba, Vạn An Phát…

Để "hãm phanh" cơn sốt đất, giữa năm 2018 các cơ quan quản lý ra quyết định dừng giao dịch tại 3 khu vực Phú Quốc, Vân Phong, Vân Đồn. Tiếp đó, chính quyền nhiều địa phương đã ban hành các công văn khẩn cấp đề nghị các sở ban ngành ngừng tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ tách thửa, san lấp mặt bằng, phân lô bán nền. Đặc biệt, có những địa phương còn huy động cả công an vào cuộc để ngăn chặn sốt đất. Đến cuối năm 2018, cơn sốt đất nền tại hầu hết các khu vực trên đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

2. Bom tấn Vincity khuấy động thị trường BĐS Hà Nội

Những tháng cuối năm 2018 thị trường BĐS chứng kiến sự “náo động” bất thường khi hai dự án “bom tấn” VinCity Ocean Park – Gia Lâm và VinCity Sportia - Đại Mỗ của Tập đoàn VinGroup chính thức ra mắt. Hai dự án này đã tạo nên

làn sóng mua nhà sau một quãng thời gian dài im ắng của phân khúc căn hộ chung cư Hà Nội. Theo chủ đầu tư, chỉ riêng buổi ra mắt căn hộ mẫu VinCity Ocean Park đã thu hút trên 5.000 khách tham gia giao dịch với khoảng 3.500 căn hộ được bán. Sau 1 tháng trình làng đã có 7.500 căn hộ VinCity Ocean Park được giao dịch. Cùng với VinCity Ocean Park, dù ra mắt sau nhưng VinCity Sportia cũng không kém phần sôi động khi gây sốt cục bộ tại thị trường BĐS phía Tây Hà Nội.

3. Sự sụt giảm chưa từng thấy của thị trường Condotel 

Thị trường căn hộ du lịch (condotel) phát triển vượt bậc trong giai đoạn 2015-2017, tuy nhiên bước sang năm 2018 thị trường này có xu hướng sụt giảm mạnh cả nguồn cung và giao dịch. Hầu hết các điểm nóng về du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…đều khan hiếm dự án mới.

Một số nguyên nhân khiến thanh khoản loại hình này sụt giảm, có thể kể đến như mức giá chào bán của phân khúc bị đẩy lên quá cao trong khi pháp lý chưa rõ ràng, gây tâm lý e ngại cho giới đầu tư. Bên cạnh đó, ngân hàng siết chặt cho vay đầu tư bất động sản khiến dòng vốn đổ vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là condotel bị hụt hơi. Ngoài ra, năng lực phát triển, vận hành dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn còn hạn chế dẫn đến sự ngờ vực của khách hàng có nhu cầu đầu tư lâu dài. Với thực trạng trên, Condotel không còn là xu hướng lựa chọn ưa thích của các nhà đầu tư nữa.

4. Siết mạnh tín dụng vào bất động sản

Dư nợ tín dụng BĐS trong hệ thống ngân hàng chiếm tỷ trọng dưới 10% trong tổng dư nợ. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, tỷ trọng dư nợ thực cho vay BĐS ước chừng phải lên gần 20%, nếu cộng cả cho vay BĐS ẩn nấp trong cho vay tiêu dùng... Điều này rất đáng lo ngại nếu dòng tiền đổ vào có thể bong bóng bất động sản sẽ hình thành vào những năm tới.

Trước tình trạng này, trong năm 2018 Ngân hàng Nhà nước đã có thông điệp kiểm soát chặt tín dụng, nhất là cho vay bất động sản - lĩnh vực đòi hỏi khoản vay dài ngày. Đặc biệt, kể từ đầu năm 2019, Thông tư 19/2017/TT-NHNN cũng quy định các ngân hàng phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cho bất động sản từ 45% xuống còn 40%. Theo đánh giá của các chuyên gia, với quy định này tín dụng sẽ là “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản năm 2019.

5. Quốc hội hoãn thông qua luật đặc khu

Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 hồi tháng 10/2017. Các đơn vị dự kiến xây dựng đặc khu gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang). Sau đó, dự luật đã được tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2018.

Tuy nhiên, Luật Đặc khu tiếp tục bị lùi thời gian trình Quốc hội xem xét. Nguyên nhân Quốc hội chưa xem xét Dự luật này là để tiếp tục xin ý kiến cử tri, nhân dân, các tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn chỉnh Dự án Luật thông qua vào kỳ họp sau, tức Luật có khả năng được thông qua vào kỳ họp của tháng 5/2019.

6. Rà soát, kiểm tra hàng nghìn dự án BDS.

Trong năm 2018, TP.HCM và Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt chấn chỉnh thị trường nhà đất theo hướng minh bạch, công khai đồng thời thu hồi những dự án lâu ngày không triển khai. Cụ thể, tại TP.HCM Sở Tài nguyên và Môi trường đã cùng 24 quận, huyện tiến hành rà soát 2.758 dự án bất động sản. Qua đó, Sở phát hiện 215 dự án có dấu hiệu chậm triển khai, cần xem xét tính pháp lý và đưa ra hướng xử lý. Còn tại Hà Nội sau khi rà soát 39 dự án chậm triển khai trên địa bàn, UBND TP.Hà Nội đã ra quyết định thu hồi 16 dự án bỏ hoang tại 12 quận huyện.

7. Vốn FDI dồn dập vào BDS.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chảy khá mạnh vào bất động sản Việt Nam. Năm 2018 ước tính cả nước đạt hơn 30 tỷ USD, trong đó có hơn 6,5 tỷ USD đầu tư vào bất động sản, chiếm 21,3% đứng thứ hai trong thu hút vốn FDI với vị trí dẫn đầu là Nhật Bản, tiếp theo là Hàn Quốc và Singapore, Trung quốc (Hongkong). Theo nhận định của các chuyên gia, dòng vốn FDI vào BĐS sẽ còn tăng mạnh trong năm 2018 và dự báo tiếp tục đà tăng tốt trong năm 2019.

8. Điềm nóng quy hoạch Thủ Thiêm

Trong kết luận kiểm tra công bố ngày 7/9, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều vi phạm của UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai dự án KĐT mới Thủ Thiêm gồm: Sai phạm trong việc điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền, thu hồi đất đối với phần diện tích 4,3ha để thực hiện dự án trong KĐT Thủ Thiêm là chưa đủ cơ sở pháp lý…Bên cạnh đó, việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng chưa phù hợp quy định, UBND TP.HCM cũng đã vi phạm các quy định tại khu tái định cư 160ha…

Sau kết luận sai phạm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã thay mặt lãnh đạo thành phố các thời kỳ, xin lỗi người dân Thủ Thiêm vì những sai phạm trong thời gian thực hiện quy hoạch khu vực này. Ông Phong cũng đã nhiều lần đầu đối thoại người Thủ Thiêm để thực hiện lộ trình để giải quyết dứt điểm vấn đề Thủ Thiêm trong năm 2019, không để kéo dài.

9. Nhiều dự án hạ tầng giao thông tỉ USD đưa vào sử dụng

Năm 2018 là năm nhiều dự án hạ tầng lớn trải dài khắp cả nước đi vào hoạt động. Hai dự án hạ tầng lớn nhất trong năm 2018 đều nằm tại Quảng Ninh và do Tập đoàn Sungroup làm chủ đầu tư. Đầu tiên là sân bay Vân Đồn – Sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng được chính thức đưa vào hoạt động vào ngày 30/12. Dự án thứ hai là cao tốc Hạ Long - Vân Đồn với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ xuyên vùng Đông Bắc cũng chính thức được thông xe vào cuối năm 2018.

Tại TP.HCM, hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng kết nối vùng ven với các quận trung tâm cũng được đưa vào sử dụng gồm nút giao thông Mỹ Thủy như cầu Kỳ Hà 3, cầu vượt trên đường Vành đai 2, hầm chui rẽ trái Vành đai 2 đi cảng Cát Lái, cầu 4 làn xe qua đảo Kim Cương (Q.2)…Còn tại Hà Nội, dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình và cầu Văn Lang nối Ba Vì (Hà Nội) với TP.Việt Trì (Phú Thọ) đã chính thức được thông xe vào ngày 10/10.

10. Bùng nổ tranh chấp ở các dự án chung cư.

Quan sát thực tế cho thấy trong vòng 2-3 năm trở lại đây số vụ tranh chấp chung cư ngày càng gia tăng. Những vụ việc mâu thuẫn tại các khu chung cư khắp từ Bắc vào Nam kéo dài và đến nay vẫn âm ỉ một phần vì chủ đầu tư chưa đưa ra được cách giải quyết thấu tình đạt lý. Nguyên nhân của hàng trăm vụ mâu thuẫn chung cư hiện nay xuất phát từ nhiều vấn đề. Có những chung cư chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, chưa giải quyết kịp thời những khúc mắc của cư dân khiến mâu thuẫn tăng cao nhưng cũng có nhiều chung cư tranh chấp xuất phát từ một nhóm nhỏ cư dân đòi quyền lợi. Dù là nguyên nhân nào đi nữa thì việc tranh chấp kéo dài sẽ làm giảm giá trị khu chung cư và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

11. Hoàn thành tòa nhà cao nhất Việt Nam.

The Landmark 81 - tòa nhà cao nhất Việt Nam do tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện, trong tháng 1/2019 khánh thành hạng mục đầu tiên là khách sạn 6 sao và dự kiến sẽ khai trương toàn bộ tòa nhà vào quý 1/2019.

Theo Coteccons (tổng thầu chính của dự án), tham gia dự án triển khai The Landmark 81 có đến hơn 100 nhà thầu phụ, nhà cung cấp và các đội thi công. Với chiều cao 461.2m, The Landmark 81 được ghi danh vào vị trí thứ 8 trong top 10 tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới như Burj Khalifa (848m), Shanghai Tower (632m), One World Trade Center (546m), Petronas Towers (451m)... Với chiều cao 461.2m, The Landmark 81 sẽ trở thành biểu tượng mới của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, đánh dấu bước tiến của thị trường bất động sản, biểu trưng cho sự thịnh vượng và phồn vinh của đất nước.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích