Văn phòng UBND TP.HCM vừa thông báo chấp thuận chỉ tiêu quy hoạch và phương án kiến trúc dự án Tháp SJC thuộc khu tứ giác Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Thánh Tôn – Nguyễn Trung Trực (phường Bến Thành, quận 1).
Cụ thể, công trình sẽ được "cắt ngọn" từ 208 mét xuống 199,8 mét thông qua việc giảm số lượng tầng nổi từ 54 xuống còn 46 và chỉ còn chức năng văn phòng, khách sạn, thương mại dịch vụ và căn hộ cho thuê. Chức năng căn hộ bán theo phê duyệt ban đầu được lược bớt.
Mặt bằng xây dựng dự án Tháp SJC. |
Theo quy hoạch trước đó, Tháp SJC gồm 54 tầng cao và 6 tầng hầm với tổng mức đầu tư sau thuế ước tính là 5.633 tỷ đồng. Dự án được thành phố giao cho Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn làm chủ đầu tư trên mặt bằng cũ của Trung tâm thương mại quốc tế ITC - công trình bị hỏa hoạn khiến 60 người tử vong cách đây 17 năm.
Dự án sau đó được chuyển cho chủ đầu tư mới là Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương. Doanh nghiệp này có 4 cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn, Công ty cổ phần Kinh Đô, Công ty cổ phần Hùng Vương, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á.
Cơ cấu cổ đông sau đó được rút gọn lại khi hai công ty liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nắm giữ tổng cộng 60% vốn điều lệ, phần còn lại thuộc về Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM.
Từ khi thành lập vào năm 2007 đến giữa năm 2017, mỗi năm Sài Gòn Kim Cương thua lỗ khoảng 19-30 tỷ đồng và nâng lỗ lũy kế hiện tại lên mức xấp xỉ 204 tỷ. Sau thời gian dài đình trệ và tận dụng mặt bằng làm bãi giữ xe, Sài Gòn Kim Cương mới tổ chức lễ động thổ vào cuối năm 2016. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong từng nêu tên dự án này trong nhóm ba công trình "vàng" đang làm xấu bộ mặt thành phố do thi công dang dở.
Ban lãnh đạo công ty từng cho biết, dự án đang trong giai đoạn triển khai xây dựng nên nguồn thu chính đến từ cho thuê mặt bằng và đặt bảng quảng cáo, nhưng con số không đáng kể. Kế hoạch kinh doanh năm nay và các năm tới được xác định tiếp tục lỗ cho đến khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác.
Theo VNE