TP.HCM nói không với "lô cốt"!

Thứ năm, 03/01/2019, 09:40
TP.HCM sẽ hết dần "lô cốt" cùng cảnh mặt đường bị xẻ nát khi triển khai đồng bộ công nghệ khoan ngầm ở các tuyến đường

Người dân Sài Gòn khóc ròng vì lô cốt

Năm 2019 và 2020, TP.HCM có hàng loạt công trình thi công trùng lắp trên cùng một đoạn, tuyến đường nhưng Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP khẳng định chỉ cấp phép thi công sau khi có kế hoạch phối hợp chi tiết của chủ đầu tư để thống nhất triển khai đồng bộ và sẽ có hàng loạt tuyến đường phải thực hiện giải pháp khoan ngầm.

Quá sợ… đào hở

Tại TP.HCM, nhiều năm qua, các tuyến đường liên tục bị đào lên, lấp xuống để thi công các công trình điện, nước, cáp viễn thông… Tình trạng này đặc biệt rầm rộ vào thời điểm cuối năm - thời điểm làm ra tiền của các hộ kinh doanh - khiến nhiều tuyến đường trở thành "lô cốt" hết lần này đến lượt khác. Năm nay cũng vậy, không chỉ các tuyến đường cũ, hàng loạt con đường mới cũng liên tục bị đào lên, lấp lại. Lý do là dù cùng một tuyến đường nhưng do nhiều chủ đầu tư khác nhau, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm.

Hiện tại, TP có tới 148 vị trí rào chắn công trình trên 60 tuyến đường đang gây bức xúc cho người dân và dư luận. Trong đó, có thể kể đến các "lô cốt" của dự án cải thiện môi trường nước (giai đoạn 2), dự án giải quyết ngập có xét tới yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), các dự án nâng cấp, cải tạo như ở Tỉnh lộ 10, đường Huỳnh Tấn Phát. Mỗi dự án có hàng loạt gói thầu và cứ thế "lô cốt" mọc dày đặc, nhiều đoạn chiếm hơn nửa mặt đường làm kẹt xe xảy ra liên tục.

Sau họa "lô cốt", khi công trình của các dự án trên rút đi, người dân còn phải chịu khốn khổ vì mặt đường như manh áo, nham nhở các đường rãnh kéo dài, trồi lún do đơn vị thi công tái lập cẩu thả, nhiều đoạn mặt đường bị xẻ nát, chằng chịt các vết chắp vá... Tình trạng này có thể nhìn thấy ở đường Hai Bà Trưng, Mai Thị Lựu (quận 1), Nguyễn Kiệm, Phan Ðình Phùng (quận Phú Nhuận), Nguyễn Thị Định (quận 2)…

PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường (Ủy ban MTTQ TP.HCM), khẳng định việc đào đường thời gian qua quá bầy hầy. Tình trạng trên làm hư hại nghiêm trọng kết cấu, độ chịu lực của mặt đường. Trong khi đó, với những tuyến có bề rộng nhỏ thì "lô cốt" chiếm hơn nửa mặt đường và án ngữ suốt thời gian dài đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, kinh doanh, buôn bán của người dân. Ông Ninh cũng cho rằng các cơ quan chủ quản đã nhân nhượng các nhà thầu khi thi công. Qua số liệu thống kê của Thanh tra Sở GTVT, năm 2018, vi phạm ở các công trình đào đường liên tục gia tăng. Ðặc biệt, việc thu dọn, tái lập mặt đường ẩu chiếm tới hơn 50% số vụ vi phạm.

Cảnh đào đường bầy hầy như thế này sẽ giảm khi năm 2019, Sở GTVT buộc các đơn vị thi công 88 tuyến đường phải thực hiện công nghệ khoan ngầm

88 tuyến đường phải đào ngầm

Trước bức xúc của người dân về vấn nạn "lô cốt", ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết sở đang tập trung triển khai ứng dụng công nghệ vào đào đường, đặc biệt trong năm 2019, sẽ có 88 tuyến đường được yêu cầu phải thực hiện công nghệ khoan ngầm. Ðây là những tuyến có mật độ giao thông cao, khu vực công cộng, đường phố chính đô thị tại TP. Những công trình phải thực hiện khoan ngầm bao gồm điện, cấp - thoát nước và viễn thông. Sở GTVT cũng đã có văn bản nêu danh mục cụ thể và hướng dẫn các chủ đầu tư về quy trình thực hiện.

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 - chủ đầu tư và cũng là đơn vị cấp phép thi công nhiều công trình, nhìn nhận việc áp dụng công nghệ khoan ngầm là cần thiết bởi sẽ khắc phục những tồn tại hiện nay của phương pháp đào hở. Ðó là sẽ giảm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng, đường sá, đồng thời hạn chế kẹt xe do "lô cốt" ở các công trình. "Thời gian qua, một số công trình đã sử dụng thí điểm công nghệ khoan kích ngầm hoặc khoan định hướng lắp đặt công trình ngầm và đã thu được kết quả đáng khích lệ" - ông Vĩnh Ninh nói.

Dẫn chứng thêm cho nhận định của ông Vĩnh Ninh, ông Trần Văn Chín, Chủ tịch HÐQT VMC Group, một trong những đơn vị cung cấp công nghệ khoan Robot kéo ống HDD (công nghệ của Mỹ), cho biết công nghệ này đã được ứng dụng ở nhiều công trình trên địa bàn TP như khoan đường ống kỹ thuật băng ngang đường Mai Chí Thọ (quận 2), ngầm hóa hệ thống điện truyền tải, phân phối của TP…

Qua nhiều công trình đã thực hiện, ông Chín khẳng định đã giảm nhiều yếu tố gây bức xúc trong dư luận so với cách làm truyền thống. Cụ thể là sẽ giảm kẹt xe, ô nhiễm, giảm hư hại mặt đường, chi phí và thời gian thi công. "So với cách làm truyền thống, giải pháp này không phải di dời, giải phóng mặt bằng và thời gian thi công nhanh hơn. Ðồng thời, mũi khoan cũng có thể linh hoạt điều chỉnh, né tránh các công trình ngầm hiện hữu trong quá trình thi công và sau khi hoàn tất, toàn bộ dữ liệu sẽ được lưu trữ, giúp phục vụ cho các công trình sau này" - ông Chín cam kết.

Tính toán kỹ chi phí

Theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, giải pháp khoan ngầm là cần thiết và nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Tuy nhiên, phải tính toán kỹ về chi phí vì có thể bị "đội" vốn lên so với cách đào đường truyền thống. Do đó, khi áp dụng giải pháp khoan ngầm cần thực hiện đấu thầu rộng rãi, lựa chọn công nghệ khả thi và phải giám sát, kiểm soát chặt công tác thực hiện để kéo giảm chi phí có thể phát sinh.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn