Hơn 1,27 triệu khách du lịch Trung Quốc đã đến Campuchia trong 8 tháng đầu năm 2018, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2017 nhưng không phải tất cả chủ doanh nghiệp địa phương đều hài lòng.
Theo South China Morning Post, tại Siem Reap, trung tâm du lịch và điểm khởi đầu cho các chuyến đi đến khu phức hợp đền thờ nổi tiếng Angkor Wat, một số người đang phàn nàn về việc du khách Trung Quốc áp đảo thị trường.
Channy Murphy, chủ sở hữu của quán rượu Ireland Mad Murphy nằm cách đường Pub nổi tiếng không xa, cho biết các khách hàng phương Tây đang dần biến mất.
Trong suốt đầu những năm 2000, các thị trường du lịch hàng đầu của Campuchia bị các nước phương Tây thống trị, với Mỹ, Pháp và Anh xếp hàng đầu. Giờ đây, những quốc tịch này phần lớn được thay thế bởi du khách đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc.
Một người đàn ông Campuchia bày bán lồng đèn mừng năm mới của Trung Quốc ở Phnom Penh. Ảnh: AP. |
Năm ngoái, Campuchia đã tiếp đón 5 triệu khách du lịch và ngành này chiếm 32,4% GDP của đất nước. Campuchia có kế hoạch tăng lượng khách lên 12 triệu vào năm 2025.
Khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến thăm thủ đô Phnom Penh tháng 1 năm ngoái, ông và Thủ tướng Hun Sen đã thảo luận về cách đưa thêm khách du lịch Trung Quốc đến thăm Campuchia.
Murphy nói rằng theo kinh nghiệm của cô, khách du lịch Trung Quốc có xu hướng ở trong các nhóm du lịch và hiếm khi đi quá xa khỏi lộ trình.
Bill Laurance, nhà sinh thái học tại Đại học James Cook ở Australia, người nghiên cứu về tham vọng của Trung Quốc ở nước ngoài, cũng nhận xét rằng khách du lịch Trung Quốc có xu hướng tách mình khỏi các doanh nghiệp địa phương.
"Khách du lịch Trung Quốc thường có xu hướng ủng hộ mạnh mẽ các doanh nghiệp do Trung Quốc sở hữu và điều hành, có thể là nhà hàng, khách sạn, cửa hàng du lịch hoặc doanh nghiệp du lịch. Khi hoạt động ở nước ngoài, các công ty Trung Quốc cũng thích thuê công dân Trung Quốc làm nhân viên bất cứ khi nào có thể, thay vì thuê người dân địa phương", ông nói.
Laurance cho biết nguồn thu từ du lịch vì vậy không chảy về túi người Campuchia mà lại về tay người Trung Quốc.
Ông Him Samnang, một hướng dẫn viên du lịch tại Angkor Focus Travel ở Siem Reap, cho biết khách Trung Quốc có xu hướng gắn với các khách sạn và nhà hàng được điều hành bởi những người có cùng quốc tịch.
Mặt trời mọc trên bảo tháp trung tâm của đền Angkor Wat ở Siem Reap. Ảnh: AFP. |
Chhay Sivlin, chủ tịch Hiệp hội đại lý du lịch Campuchia, cho rằng sự ưu ái của người Trung Quốc đối với các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Trung Quốc là do rào cản ngôn ngữ và chính sách của chính phủ.
"Người nước ngoài có thể sở hữu doanh nghiệp tại Campuchia theo luật. Điều này đã dẫn đến dòng người Trung Quốc đầu tư vào các doanh nghiệp khác nhau ở đây. Do rào cản ngôn ngữ, khách du lịch Trung Quốc thích sử dụng các dịch vụ có nguồn gốc Trung Quốc", cô nói.
Chhay cho rằng các doanh nghiệp do Trung Quốc điều hành cũng tạo ra một mạng lưới tích cực cho đất nước. "Mặc dù điều này có thể được coi là thách thức lớn đối với các chủ doanh nghiệp địa phương nhưng nó cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho những người Campuchia khác", cô nói.
Sihanoukville, một thành phố cảng trên bờ biển phía Nam Campuchia, đã chứng kiến sự tăng trưởng lớn trong ngành sản xuất, du lịch và cờ bạc nhờ đầu tư của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng này đã gây ra căng thẳng. Giá khách sạn tăng lên ở mức được xem là vượt quá túi tiền của hầu hết người Campuchia trong khi số lượng khách địa phương giảm đi. Chính phủ thậm chí đã thành lập một đội đặc nhiệm để giúp giảm bớt căng thẳng giữa các doanh nghiệp Campuchia và Trung Quốc.
Hồi năm 2006, Thủ tướng Hun Sen đã gọi Trung Quốc là "người bạn đáng tin cậy nhất" của đất nước ông. Kể từ đó, Trung Quốc đã trở thành nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Campuchia.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: Kyodo. |
Tuy nhiên, Laurance nói rằng phần lớn số tiền mà Trung Quốc mang lại vẫn tập trung trong tay giới cầm quyền.
"Các tập đoàn và nhà tài chính của Trung Quốc có xu hướng đối phó với các quan chức cấp cao và những người ra quyết định khi hoạt động ở nước ngoài, thường là để đạt được những gì họ muốn, có thể là khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt, hoặc tài nguyên thiên nhiên khác", ông nói.
"Họ không ngại sử dụng hối lộ và các ưu đãi khác và chính giới thượng lưu giàu có được hưởng lợi nhiều từ cách làm này", ông nhận xét.
Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đã gây ra sự phẫn nộ sâu sắc đối với nhiều người Campuchia. Nhiều người dân ở đây tỏ ra ác cảm với Trung Quốc, báo chí địa phương đầy rẫy những câu chuyện về tội phạm và hành vi sai trái của Trung Quốc.
Số liệu do cảnh sát Campuchia đưa ra hồi đầu năm 2018 cho thấy trong số 378 người nước ngoài bị bắt trong nửa đầu năm 2018, có tới 257 người Trung Quốc.
Tuy nhiên, đầu tư và du lịch của Trung Quốc vẫn là một nguồn thu nhập khổng lồ cho Campuchia với mức tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 7% trong 10 năm qua.
Công trình xây dựng tại Đảo Kim cương, hay còn được gọi là "Koh Pich", dự án do Chính phủ Trung Quốc tài trợ ở Phnom Penh. Ảnh: Reuters. |
Mặc dù vậy, du lịch Trung Quốc không thể tiếp tục là nguồn thu nhập chính. Chhay Sarath, phó giám đốc bộ phận đầu tư du lịch của Bộ du lịch Campuchia, cho biết chính phủ đang có ý định đa dạng hóa thị trường du lịch để không phụ thuộc vào một thị trường.
Chhay thừa nhận những căng thẳng giữa công dân Trung Quốc và người Campuchia ở những nơi như Sihanoukville nhưng cho rằng thị trấn này chỉ đơn thuần là đang trong "giai đoạn phát triển" khi nhận đầu tư từ Trung Quốc.
Các quan chức của Bộ Du lịch gần đây đã lên kế hoạch thu hút khách du lịch từ những quốc gia như Thái Lan và Nhật Bản. Nhưng tại thời điểm này, Trung Quốc vẫn là nguồn thu lớn nhất cho ngành du lịch Campuchia.
Theo Zing