Triều Tiên sẽ thay đổi đường đi?

Thứ tư, 02/01/2019, 09:06
Trong bài phát biểu đầu năm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhắc lại cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cho dù tiến trình đối thoại với Mỹ đang bế tắc, nhưng cũng cảnh báo sẽ nhanh chóng khôi phục chương trình vũ khí hạt nhân nếu các biện pháp trừng phạt không được gỡ bỏ.

Ông Kim nói có thể “thay đổi đường đi” nếu Mỹ không thực hiện thỏa thuận. ảnh: abcnews

“Tôi hoàn toàn sẵn lòng đạt được một chế độ hòa bình vĩnh viễn và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, ông Kim nói trong bài phát biểu hôm 1/1. Nhà lãnh đạo trẻ cảnh báo Triều Tiên có thể bị buộc phải tìm một “con đường” mới tiến đến hòa bình và phi hạt nhân hóa nếu Mỹ không thực hiện thỏa thuận.

Sau hàng loạt tiến triển ngoại giao nhanh chóng năm 2018, Mỹ và Triều Tiên vẫn bất đồng về cách giải thích thỏa thuận đạt được tại Singapore, khiến những cuộc đàm phán tiếp theo bị bế tắc. Một trong những vẫn đề cản trở đàm phán phi hạt nhân hóa là việc Washington đòi hỏi Triều Tiên phải công khai cơ sở hạt nhân và tên lửa. Theo các nhà phân tích, Bình Nhưỡng tin rằng việc công bố như vậy sẽ giúp Mỹ lập ra danh sách tấn công, vì thế tiến trình đàm phán mới bế tắc.

Triều Tiên cho rằng họ đã thể hiện sự chân thành bằng việc đóng cửa địa điểm thử vũ khí hạt nhân, bắt đầu dỡ bệ phóng tên lửa tầm xa Sohae và sẵn sàng dỡ cơ sở ở Yongbyon nếu Mỹ có các bước đi tương ứng. Triều Tiên cáo buộc Mỹ hành động “như xã hội đen” với các biện pháp trừng phạt. Còn Mỹ khăng khăng duy trì trừng phạt cho đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có kiểm chứng.

Trong bài phát biểu đầu năm, ông Kim nói sẵn sàng gặp lại ông Trump bất kỳ lúc nào, đáp lại phát biểu trước đó của ông Trump rằng ông muốn một cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên trong năm nay.

Bằng việc mạnh mẽ kêu gọi nới lỏng trừng phạt và giải quyết vấn đề hạt nhân thông qua đối thoại hòa bình, ông Kim đã đá bóng sang sân của ông Trump”, GS Kim Yong-hyun ở ĐH Dongguk ở Hàn Quốc, đánh giá. Học giả này cho rằng bài phát biểu của ông Kim cho thấy “sự cam kết chắc chắn” sẽ cải thiện quan hệ hai miền Triều Tiên và phát triển quan hệ với Mỹ, và có thể dẫn tới “giải quyết hòa bình vấn đề bán đảo Triều Tiên trong năm nay”.

Tuy nhiên, phá bỏ bế tắc trong đàm phán có thể khó khăn hơn một bài phát biểu đơn lẻ, GS Yang Moo-jin, công tác tại ĐH Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, đánh giá. Học giả này cho rằng chiến lược gây “sức ép tối đa” và duy trì trừng phạt của Mỹ với Triều Tiên sẽ chỉ khiến Bình Nhưỡng nghi ngờ ý định của ông Trump về việc tuân thủ thỏa thuận ở Singapore.

Trong một động thái nhằm tránh dẫm chân tại chỗ, ông Stephen Biegun, phái viên đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên, tháng trước nói rằng Washington sẵn sàng bàn về các sáng kiến xây dựng lòng tin với Bình Nhưỡng. Ông gợi ý rằng Mỹ có thể nới lỏng lệnh cấm đi lại đối với người Mỹ đến Triều Tiên vì các lý do nhân đạo.

Mọi ánh mắt đổ dồn vào ông Trump

Dẫu hai bên đưa ra những thông điệp hòa giải ngay từ đầu năm, nhiều ý kiến lo ngại quan hệ Bắc Kinh và Washington năm nay có thể tiến đến mức đối đầu giống như thời Chiến tranh Lạnh. Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đầu tuần này cảnh báo nguy cơ hai nước ngày càng coi nhau như mối đe dọa.

“Nếu các quan chức chính phủ hàng đầu có quan niệm nguy hiểm đó thì một cuộc chiến tranh lạnh thời hiện đại giữa hai nước là điều không thể tránh khỏi”, cựu Tổng thống Mỹ viết trong bài đăng trên báo The Washington Post.

“Vào thời điểm nhạy cảm này, những hiểu nhầm, tính toán sai và không tuân theo những quy tắc cẩn thận trong những vấn đề như eo biển Đài Loan và Biển Đông có thể leo thang thành xung đột quân sự, gây ra thảm họa trên toàn thế giới”, ông cảnh báo.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích
  • Kết quả SXMT nhanh nhất