Xe cấp cứu 2 bánh, y học gia đình là sự kiện nổi bật ngành y tế TP.HCM năm 2018

Chủ nhật, 30/12/2018, 18:06
Ngành y tế TP.HCM vừa tổng kết hoạt động năm 2018 với những sự kiện nổi bật.

Trạm Y tế phường 13, quận Bình Thạnh

Trạm y tế đầu tiên hoạt động theo nguyên lý y học gia đình

Trạm Y tế phường 13, quận Bình Thạnh được Sở Y tế chọn là nơi đầu tiên trong 24 trạm điểm khởi động lộ trình đổi mới hoạt động trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình. Bên cạnh việc luân phiên 2 chiều bác sĩ của bệnh viện và trung tâm y tế xuống trạm y tế, đào tạo liên tục nâng cao kiến thức thực hành trong hoạt động khám, chữa bệnh cho bác sĩ trạm y tế, Sở Y tế đã triển khai “apps hội chẩn” trên điện thoại thông minh, với ứng dụng này, các bác sĩ tại trạm y tế sẽ dễ dàng trao đổi và xin ý kiến chuyên môn ngay lập tức với các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành của các bệnh viện thành phố, đồng thời các bác sĩ của các bệnh viện thành phố cũng có thể trao đổi trực tiếp với người dân đang ngồi khám bệnh với bác sĩ ở trạm y tế. Hoạt động này đã góp phần tạo niềm tin cho người dân khi đến khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế, trong vòng 20 ngày thực hiện đổi mới hoạt động trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, đã có 691 lượt người dân đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế phường 13, quận Bình Thạnh mà trước đó gần như không có.

Cấp cứu bằng xe 2 bánh.

Thí điểm xe cấp cứu 2 bánh

Năm 2018, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục mở rộng mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh 115 và đã triển khai thí điểm loại hình xe cấp cứu 2 bánh với mong muốn rút ngắn hơn nữa thời gian tiếp cận người dân khi có nhu cầu cần được cấp cứu. Trong 2 tuần triển khai thí điểm, trong tổng số 67 cuộc gọi cấp cứu 115 của người dân trên địa bàn quận 1 được tổng đài chuyển đến trạm cấp cứu vệ tinh tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, đã có 26 lần trạm cấp cứu của bệnh viện điều xe cấp cứu 2 bánh đến nhà người dân trong hẻm sâu để cấp cứu.

Trong đó, tùy theo nội dung của các cuộc gọi cấp cứu, có 9 lần bệnh viện chỉ cần điều xe cấp cứu 2 bánh đến nhà người dân và các bác sĩ đã sơ cứu, khám bệnh, kê đơn và tư vấn người bệnh mà không cần hỗ trợ của xe cứu thương; có 17 lần điều động cùng lúc vừa xe cấp cứu 2 bánh và xe cứu thương vì các trường hợp này là tai nạn giao thông và các bệnh lý cần phải nhập viện khẩn cấp, bác sĩ đi xe cấp cứu 2 bánh đến trước để kịp thời sơ cứu trong khi chờ xe cứu thương đến để chuyển bệnh nhân về bệnh viện điều trị. Sau khi trải nghiệm, người dân đều rất hài lòng với loại hình xe cấp cứu 2 bánh vì bác sĩ đến rất nhanh so với trước đây, chỉ mất thời gian trung bình là 3-5 phút là bác sĩ đã tiếp cận người bệnh.

Lần đầu tiên mổ tim hở ở bệnh viện tuyến huyện

Sau hơn 3 năm chuẩn bị, trong năm 2018, với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ Viện Tim TP.HCM, bệnh viện quận Thủ Đức đã chính thức triển khai phẫu thuật tim hở. Bên cạnh đầu tư nguồn lực cho phòng mổ tim và các trang thiết bị chuyên dùng đạt chuẩn, hơn 20 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong ê-kíp phẫu thuật tim của Bệnh viện quận Thủ Đức đã được đào tạo thực hành mổ tim hở tại Viện Tim TP.HCM.

Cho đến nay, đã có 54 bệnh nhân với nhiều loại bệnh lý tim bẩm sinh và mắc phải đã được phẫu thuật thành công tại bệnh viện quận Thủ Đức. Theo kế hoạch, Viện Tim tiếp tục chuyển giao những kỹ thuật mổ tim phức tạp hơn cho bệnh viện quận Thủ Đức trong thời gian tới, dự kiến trong vòng 2 năm tới, Viện Tim sẽ chính thức công nhận và bàn giao toàn bộ kỹ thuật mổ tim hở đối với những bệnh lý thường gặp để bệnh viện quận Thủ Đức đảm trách.

327 bác sĩ tốt nghiệp đăng ký công tác tại bệnh viện tuyến huyện

Năm 2018 là năm đầu tiên có số lượng bác sĩ mới tốt nghiệp đăng ký về công tác tại các bệnh viện tuyến huyện cao nhất. Sở Y tế đã phân công 327 bác sĩ mới tốt nghiệp của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đến nhận công tác tại các bệnh viện tuyến huyện và các bệnh viện đa khoa khu vực (ĐKKV) của thành phố, bao gồm: 23 bệnh viện quận, huyện và 3 bệnh viện khu vực của thành phố: Bệnh viện ĐKKV Củ Chi, bệnh viện ĐKKV Hóc Môn, bệnh viện ĐKKV Thủ Đức. Trong đó, 3 bệnh viện có số lượng bác sĩ đăng ký đến công tác cao nhất lần lượt là bệnh viện huyện Bình Chánh (31 bác sĩ), bệnh viện quận 11 (29 bác sĩ), bệnh viện ĐKKV Hóc Môn (23 bác sĩ). Riêng bệnh viện huyện Cần Giờ vẫn còn gặp khó khăn về nguồn nhân lực vì không có bác sĩ nào đăng ký về bệnh viện công tác.

Tiêu chí chất lượng cho các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ

Trong năm 2018, Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng và chính thức ban hành “Tiêu chí chất lượng áp dụng cho phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh”, phiên bản 1.0. Bộ tiêu chí dành riêng cho phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được Hội đồng chất lượng khám chữa bệnh Sở Y tế và các chuyên gia của Ngành Y tế thành phố biên soạn dựa trên những quy định pháp luật và các chuẩn chất lượng thiết yếu đối với hoạt động của loại hình phòng khám chuyên khoa này, đã được Sở Y tế công bố trước đó.

Với 16 chuẩn thiết yếu dành cho phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ dựa trên các quy định pháp luật hiện hành, Sở Y tế đã biên soạn thành 12 tiêu chí chất lượng, mỗi tiêu chí được thiết kế theo bậc thang chất lượng từ mức 1 đến mức 5. Trong năm 2018, Sở Y tế đã đánh giá chất lượng tất cả phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn thành phố và công khai kết quả cho người dân biết và chọn lựa khi có nhu cầu.

Hướng dẫn về dược lâm sàng, phòng chống kháng thuốc trên toàn thành phố

Lần đầu tiên, dữ liệu về độ nhạy kháng sinh của các vi khuẩn phân lập được từ các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố được tổng hợp trở thành căn cứ khoa học và thực tiễn gợi ý chọn lựa loại kháng sinh ban đầu thích hợp trong điều trị các bệnh nhiễm trùng thuộc các nhóm nguy cơ khác nhau của nhiều chuyên khoa khác nhau. Bên cạnh đó, các chuyên gia trong lĩnh vực dược lâm sàng của các trường đại học và các bệnh viện đầu ngành trên địa bàn thành phố đã xây dựng tài liệu “Hướng dẫn hoạt động dược lâm sàng tại các bệnh viện” gồm 17 chuyên đề cơ bản nhất cho hoạt động dược lâm sàng tại các bệnh viện, định hướng cho người dược sĩ lâm sàng trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không chỉ thực hiện việc cung ứng thuốc mà còn phải trực tiếp tham gia chăm sóc người bệnh qua phối hợp và tương tác với bác sĩ trong chỉ định thuốc hợp lý, phối hợp và tương tác với điều dưỡng trong chăm sóc và theo dõi người bệnh sử dụng thuốc, và trực tiếp hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích