Trong vài ngày tới, biệt thự Phương Nam sẽ chính thức trùng tu do những chuyên gia kiến trúc, bảo tồn châu Âu đảm trách.
Vật liệu quý hiếm
Hội đồng Kiến trúc TP.HCM cho biết chủ nhân căn biệt thự Phương Nam thuê đội ngũ chuyên gia nước ngoài khảo sát gần 3 năm và dự kiến đầu 2019 sẽ trùng tu. Thời gian dự kiến trùng tu ít nhất là 3 năm.
Hạng mục đầu tiên, nhóm trùng tu sẽ dỡ dãy nhà phía sau biệt thự nằm ở mặt đường Nguyễn Thị Diệu. Đây là công trình được xây dựng thêm sau năm 1975 không mang dấu ấn biểu trưng. Bước tiếp theo là nâng cấp hàng rào và 3 cổng nằm ở hai mặt đường Võ Văn Tần và Bà Huyện Thanh Quan. Cuối cùng là trùng tu hội trường âm nhạc, nhà chính và mái.
Kiến trúc sư (KTS) Nicolas Viste (chuyên gia bảo tồn Pháp) - Trưởng nhóm trùng tu biệt thự 110-112 Võ Văn Tần, cho biết ông đã mất nhiều thời gian nghiên cứu về căn biệt thự nhằm có đánh giá toàn diện. "Gần 100 năm tồn tại, chắc chắn căn biệt thự sẽ phải thay thế, sửa chữa một số vật liệu. Chúng tôi phải tìm hiểu rõ mỗi viên gạch, thanh dầm, khung cửa... là nguyên gốc hay đã có thay đổi" - KTS Nicolas Viste nói.
Biệt thự Phương Nam đã gần 100 năm tuổi và đang chuẩn bị trùng tu |
Theo KTS Nicolas Viste, khó khăn lớn là ban công và cầu thang được xây dựng với kỹ thuật rất tân tiến. Để có thể sửa chữa chúng, phải tìm ra được những vật liệu phù hợp. Chủ nhân khi xây dựng đã lựa chọn những nguyên vật liệu quý, hiện rất khó tìm. Cụ thể, gạch ceramic được đặt hàng riêng cho khí hậu ở Đông Dương. Khung sắt ở lan can đặt tại Pháp, Đức và vận chuyển đường biển về Việt Nam lắp đặt. Kính thông gió, cửa kính được sản xuất từ những năm 20 của thế kỷ trước từ châu Âu. Tranh tường do hoạ sĩ chuyên nghiệp vẽ… Chưa kể, phần mái nhà hiện đã hỏng, chủ nhà sau này phải dùng các tấm tôn, kim loại che lại. Mỗi khi mưa, nước sẽ thấm sâu làm hư hỏng thêm một số kiến trúc như tường, gạch, cửa… Khắc phục được phải mất nhiều công sức.
"Dù khó khăn đến mấy thì mọi kế hoạch cũng đã thực hiện xong. Biệt thự này chúng tôi đánh giá là báu vật quốc gia của các bạn. Vì vậy phải trùng tu nguyên bản và bảo đảm tính trường tồn theo thời gian" - KTS Nicolas Viste nêu ý kiến.
Trong khi đó, trong email gửi đến phóng viên Báo Người Lao Động, bà Andrea Teufel, chuyên gia phục chế, Giám đốc các dự án bảo tồn văn hóa CHLB Đức, nhận định cần làm mọi cách giữ nguyên hiện trạng ban đầu của căn biệt thự nói trên. Đây là công trình độc nhất vô nhị còn lại ở TP.HCM. Qua khảo sát trực tiếp công trình này cho thấy từ kiến trúc đến các bức tranh được vẽ ở từng căn phòng đều rất đặc biệt.
Chủ nhân là ai?
Theo tìm hiểu của phóng viên, biệt thự 110-112 Võ Văn Tần có 3 mặt tiền: Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Thị Diệu. Thời gian xây dựng vào những năm 1920-1930. Diện tích toàn bộ khu đất rộng 2.800m2, công trình xây dựng chỉ chiếm 40% diện tích.
Chủ nhân ban đầu là ông Sáu Nhiều (tên thật Nguyễn Văn Nhiều). Có giai đoạn bán cho một đại gia và đặt tên là biệt thự Phương Nam. Dân Sài Gòn xưa đi ngang qua đây ai cũng trầm trồ. Một thời gian sau, biệt thự này thuộc về hai người là Đặng Kim Chi (SN 1938) và Nguyen Kim Sa Dang (SN 1934, định cư tại Mỹ). Năm 2015, cụ Chi và cụ Dang đã bán cho Công ty Cổ phần MINERVA, do ông Dương Hoàng Danh (SN 1973) làm tổng giám đốc với giá trị 35 triệu USD (khoảng 700 tỉ đồng).
Điều đáng quan tâm là trước khi thương vụ này diễn ra, Công ty Cổ phần MINERVA vừa thành lập cách đó 1 tháng. Phóng viên liên hệ chủ đầu tư để tìm hiểu về mục đích trùng tu cũng như chi phí cho việc này nhưng không có câu trả lời chính thức.
Sẽ là điểm tham quan hấp dẫn Theo KTS Trần Văn Vĩnh, họa tiết được vẽ trên trần nhà và các bức tranh ở từng căn phòng của biệt thự Phương Nam đều ẩn chứa nhiều nét văn hóa đặc trưng. Sau khi phục dựng có thể làm điểm tham quan, triển lãm, chắc chắn thu hút được nhiều du khách. "Xem kế hoạch trùng tu, tôi nhận thấy các chuyên gia thực hiện rất khoa học. Họ tính toán và bảo đảm tính nguyên vẹn khi thay thế các vật liệu mới" - KTS Vĩnh nhận định. |
Theo NLĐ