TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, trong năm 2018, nguồn cung của phân khúc nhà giá rẻ chỉ chiếm tỷ trọng dưới 20%. Loại căn hộ có diện tích 60m2 và giá bán tầm 700 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 5%. Khoảng 80% người dân thành thị không thể mua nhà tại những dự án nhà ở thương mại có chất lượng vào hàng tối thiểu và có giá bán thấp nhất trên thị trường.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nhà nước mới chỉ có một số chính sách dành cho phát triển nhà ở xã hội mà chưa có chính sách về tín dụng cho người có thu nhập thấp.
Nhu cầu nhà giá rẻ nhiều, nhưng người dân vẫn chưa thể tiếp cận được. |
Quỹ đất phát triển nhà ở thương mại giá rẻ, bình dân hiện là những khu vực xa trung tâm, thường thiếu điều kiện về kết nối giao thông, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng dịch vụ yếu.
“Các dự án nhà ở giá rẻ, bình dân mặc dù nhu cầu rất lớn nhưng tỷ lệ hấp thụ lại chưa tương ứng. Vì dự án loại này vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của đông đảo người tiêu dùng. Những nơi có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức phát sinh nhiều lao động làm việc lại là những nơi có rất ít dự án nhà ở giá rẻ, bình dân.
Cùng với đó, chủ đầu tư khi tham gia phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân thường không có lợi nhuận cao từ việc kinh doanh bán sản phẩm đến khai thác sử dụng sau đầu tư”, ông Đính nói.
Còn theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, có nhiều nguyên nhân khiến người có thu nhập thấp không thể sở hữu được 1 căn nhà.
Thứ nhất, khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng, tín dụng ưu đãi để phát triển thương mại và nhà ở giá rẻ từ cuối 2016 đến nay không phát triển, do đó không có nhiều.
Nhiều dự án nhà ở xã hội không có nguồn tín dụng cho vay nên chưa phát triển được. Một số dự án hoàn thành rồi nhưng không có ai đến mua vì không vừa lòng người tiêu dùng, có thể là về tiện ích, có thể là vì vị trí quá xa. Khả năng phát triển nhà ở xã hội theo chính sách cũ đang bị ách tắc.
"Một trong những nguyên nhân là do thiếu ưu đãi vốn. Về chính sách chung, theo tôi vẫn nên tiếp tục phát triển nhà ở xã hội nhưng giải pháp thì chưa rõ. Hiện tại, chúng ta nên quan sát thị trường, có nhiều dự án với phạm vi lớn có thể làm thỏa mãn khả năng thanh toán của người tiêu dùng trong một thời hạn dài", ông Võ nhấn mạnh.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh lại cho rằng, để nhà ở bình dân thực sự khởi sắc, các doanh nghiệp không nên chỉ kêu gọi sự hỗ trợ từ Nhà nước mà cần phải dựa trên nguyên tắc thị trường.
Tuy nhiên, việc phát triển nhà giá rẻ tại Việt Nam đang có một bất cập đi ngược với bài toán kinh tế thị trường. Đó là, theo nguyên tắc kinh tế thị trường thì giá cả của một sản phẩm là do thị trường đó quyết định. Nhưng ở phân khúc căn hộ giá rẻ tại Việt Nam thì giá cả lại quyết định nguồn cung và nguồn cầu.
"Hiện nhà nước quy định nhà giá rẻ là khoảng 1 tỷ đồng/căn hộ với giá bán từ 15-20 triệu đồng/m2. Như vậy, chúng ta đang đưa ra một mức giá trước, từ đó dẫn tới việc phải điều chỉnh cung – cầu thế nào thực sự là một thách thức lớn", TS. Vũ Đình Ánh phân tích.
Theo VTC