Việc Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP "Về quản lý thuế đối với doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết" quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế". Điều khoản này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam (VNREA), quy định khống chế lãi vay theo Nghị định 20 không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật DN năm 2014, không phù hợp với thực tế và gây nhiều khó khăn cho DN.
Vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của DN nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh, đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh BĐS.
Khống chế lãi vay, doanh nghiệp kêu khó. |
Quy định này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các DN nói chung và DN kinh doanh trong các ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn nói riêng, khiến các DN e ngại.
"Quy định khống chế chi phí lãi vay đã tạo ra rào cản đối với hoạt động vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh hợp pháp của DN", ông Nam nói.
Đặc biệt, ông Nam cho rằng quy định này sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ – con hiện nay, bởi trong các tập đoàn kinh tế, công ty mẹ là đầu mối huy động vốn vay từ các nguồn vốn trong nước và nước ngoài để cho vay lại các đơn vị thành viên.
Điều này dẫn đến quy định của Nghị định 20 tạo ra rào cản trong cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, lại không đồng tình với những quan điểm "kêu khó" về quy định của Nghị định 20.
Theo ông Châu, Luật Nhà ở quy định về vốn phục vụ cho phát triển nhà ở thương mại bao gồm: Vốn thuộc sở hữu của chủ đầu tư; vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tiền mua, tiền thuê mua, tiền thuê nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và vốn vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam.
Ông Châu cho rằng, ngoài 4 nguồn vốn phục vụ cho phát triển nhà ở thương mại nêu trên, các DN có thể huy động thêm nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư BĐS, quỹ đầu tư tín thác BĐS (REIT), hoặc phát hành trái phiếu DN để giảm dần sự phụ thuộc quá mức vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Theo quy định của pháp luật, nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng chỉ là một trong các nguồn cấp vốn cho DN. Trong khi đó, hiện nay, các DN BĐS lại đang dựa vào hai nguồn vốn chính là nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng. DN rất cần nguồn vốn tín dụng ngân hàng để thực hiện dự án cho đến thời điểm đủ điều kiện huy động vốn từ khách hàng.
Tuy nhiên, nếu phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính càng lớn thì độ rủi ro cho DN càng cao và có thể dẫn đến "bong bóng" trên thị trường BĐS. Đó cũng chính là lý do khiến Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS.
Theo ông Châu, việc thực hiện quy định "trần tổng chi phí lãi vay được trừ tối đa là 20%" theo Nghị định 20 và lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường BĐS của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết và sẽ tạo áp lực tích cực, lành mạnh, buộc các DN BĐS phải nâng cao uy tín thương hiệu, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng.
Như vậy, DN cần tăng nguồn vốn chủ sở hữu, chuyển đổi thành công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán. Đồng thời, DN cần tìm kiếm nguồn vốn bổ sung từ các quỹ đầu tư, từ nguồn vốn FDI, hoặc thông qua hợp tác, liên doanh, liên kết, phát hành trái phiếu.
"Các quy định của Nghị định 20 là việc bình thường của Nhà nước trong khâu quản lý để đấu tranh chống chuyển giá", ông Châu nói.
Theo VTC