Giải mã Alpha King
Từ cuối năm 2017, cái tên Alpha King nổi lên và thổi một "cơn gió lạ" vào thị trường địa ốc Sài Gòn đang có phần trầm lắng với việc triển khai cùng lúc 3 dự án siêu sang là 289 Trần Hưng Đạo, 87 Cống Quỳnh và số 2 Tôn Đức Thắng. Mức giá bán được chào lên tới 10.000 USD/m2 căn hộ, thuộc hàng đắt đỏ nhất trung tâm Quận 1. Cùng với đó là loạt tin đồn về tham vọng thay đổi diện mạo trung tâm Sài Gòn, với loạt dự án lớn như Saigon One, SJC Tower, 2-4-6 Hai Bà Trưng...
Đình đám là vậy, song không có nhiều thông tin về cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp này. Một báo cáo hiếm hoi từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết CTCP Phát triển Bất động sản Alpha King có vốn điều lệ 60 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ Alpha King Investments Limited (trụ sở tại British Virgin Islands) nắm 93,34%.
Phối cảnh dự án Centennial Saigon tại số 2 Tôn Đức Thắng của Alpha King (phần bên trái). |
Mức vốn điều lệ khiêm tốn, đặt bên cạnh loạt dự án có tổng tiền đầu tư hàng nghìn, thậm chí nhiều chục nghìn tỷ đồng dẫn tới đồn đoán rằng Alpha King có chăng chỉ là một pháp nhân, đứng tên cho một ông lớn nào đó.
Điểm chung của phần nhiều các dự án nằm trong danh mục của Alpha King là đều đã "qua tay" các nhóm nhà đầu tư có liên hệ tới Vạn Thịnh Phát Group. Điều này khiến người ta cho rằng Alpha King thực chất là một thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn địa ốc đình đám Sài Thành. Hướng tư duy này càng thêm có cơ sở khi Alpha King đặt trụ sở tại số 8 Nguyễn Huệ (Quận 1) - một trong những "đại bản doanh" của Vạn Thịnh Phát.
Giữa mớ thông tin hỗn độn đó, CEO Chan Min Simon của Alpha King hồi đầu năm đã thông qua tờ Zing.vn để khẳng định rằng Alpha King và Vạn Thịnh Phát là hai công ty độc lập với nhau.
"Khi tiến vào thị trường Việt Nam, chúng tôi hợp tác với nhiều đối tác khác nhau và Vạn Thịnh Phát là một trong số đó. Alpha King là một nhà phát triển bất động sản quốc tế và đang đại diện cho chủ đầu tư quốc tế. Chúng tôi không chỉ xây dựng một dự án mà còn cung cấp nền tảng để kết nối Việt Nam với thế giới và để đưa thế giới đến với Việt Nam", doanh nhân có tên gọi thường ngày Jimmy Chan nhấn mạnh.
Theo những chia sẻ thẳng thắn của vị Tổng giám đốc Alpha King, thì nhà đầu tư quốc tế đứng sau "cơn gió lạ" này là ai?
Một diễn biến mới đây phần nào mang tới hình dung tương đối đầy đủ. Đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 12/4 vừa qua của CTCP Phát triển Bất động sản Alpha King thể hiện chức vụ Chủ tịch HĐQT được thay đổi từ ông Chan Min Simon sang ông Wang Weixian.
Tìm hiểu của PV cho thấy ông Wang Weixian sinh năm 1964, là một doanh nhân kỳ cựu ở Trung Quốc. Cụ thể, ông có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, xây dựng, đầu tư và phát triển bất động sản, hiện là Chủ tịch Cornerstone Capital, Peninsula Shanghai Waitan Hotel cùng nhiều doanh nghiệp khác.
Đáng chú ý hơn, ông Wang là người sáng lập và là Chủ tịch SPG Land Holdings trước khi pháp nhân này bị tập đoàn Nhà nước GreenLand Group mua lại và đổi tên thành GreenLand Hong Kong Holdings năm 2013.
Giới thiệu về ông Wang Weixian trong Báo cáo thường niên 2018 của Greenland Hong Kong Holdings. |
Lần theo Báo cáo thường niên năm 2018 của GreenLand Hong Kong Holdings, ông Wang Weixian từ năm 2013 tới nay là Chủ tịch danh dự. Đáng chú ý, doanh nhân có tên thận mật David Wang được giới thiệu là Chủ tịch của Alpha King Real Estate Development - "một doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam, được thành lập dưới sự hợp tác của GreenLand Hong Kong Holdings và Tập đoàn Bảo hiểm Ping An".
Tới lúc này, câu hỏi ai đứng sau Alpha King xem ra đã có lời giải. Biết thêm rằng GreenLand Group và Ping An Group là những định chế tài chính lớn nhất Trung Quốc. Ping An năm 2018 đạt doanh thu khoảng 160 tỷ USD, lợi nhuận 18 tỷ USD, tổng tài sản 1.071 tỷ USD với tập khách hàng gần 200 triệu người. Trong khi đó, GreenLand có trụ sở tại Thượng Hải, đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng và tài chính, tiêu dùng. Tập đoàn 100% vốn nhà nước này nhiều năm liền nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu. GreenLand đặt mục tiêu lọt vào top 100 tới năm 2020 với doanh thu 120 tỷ USD, lợi nhuận 7,5 tỷ USD.
"Cầu nối"
So với quy mô doanh nghiệp trong nước, thì nguồn lực của các tập đoàn Trung Quốc là vượt trội. Với ưu thế đó, Việt Nam - một thị trường mới nổi có tiềm năng cùng vị thế "huyết mạch" - chắc hẳn đã nằm từ lâu trong "portfolio" của những GreenLand hay Ping An.
Tuy nhiên bởi nhiều lý do, sẽ là dễ dàng hơn nếu dụng đến "cầu nối" - là những trung gian am hiểu văn hoá địa phương, đồng thời có sợi dây gắn kết chặt chẽ với đối tác có nhu cầu đầu tư.
Lãnh đạo Tập đoàn Times Square và Tập đoàn CMIG bàn luận hợp tác về "Một vành đai, một con đường" ngày 27/10/2016. |
"Là những người Trung Quốc hải ngoại, chúng tôi sẽ giới thiệu những công ty Trung Quốc như CMIG tới Việt Nam, đồng thời để xây dựng cầu nối cho 'Một vành đai, một con đường' ở các quốc gia Asean trên cơ sở hợp tác win-win", một bản tin dẫn lời ông Chu Lập Cơ và bà Trương Mỹ Lan trong chuyến thăm và làm việc của vợ chồng Chủ tịch Times Square Group cùng một số lãnh đạo doanh nghiệp Việt tại trụ sở CMIG Group (*) - một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Trung Quốc tại Thượng Hải ngày 27/10/2016.
Sự kiện này bắt đầu cho chuỗi các chuyến thăm và gặp gỡ của nhóm doanh nghiệp Việt với loạt tập đoàn lớn của Trung Quốc.
Ngày 2/5/2017, đoàn 12 lãnh đạo các doanh nghiệp tại Việt Nam dưới sự dẫn đầu của Chủ tịch Times Square ông Chu Lập Cơ và Chủ tịch Vạn Thịnh Phát bà Trương Mỹ Lan đã thăm và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Guotsing Holding Group. "Hai bên đã thảo luận và đạt được tầm nhìn hợp tác trong những lĩnh vực cùng quan tâm và ký thoả thuận đối tác chiến lược", trích một mẩu tin về sự kiện.
Buổi lễ ký kết thoả thuận đối tác chiến lược giữa đoàn doanh nghiệp tới từ Việt Nam và Tập đoàn Guotsing Holding Group của Trung Quốc ngày 2/5/2017. |
Một tháng sau, ngày 2/6/2017, tại Thượng Hải, lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng Quốc gia Trung Quốc (China State Construction Engineering Corporation - CSCEC) và ông Wang Weixian, lúc này được giới thiệu là Chủ tịch Công ty AKR Việt Nam đã thảo luận hợp tác và ký kết hợp đồng nguyên tắc trị giá 830 triệu USD cho dự án Golden River và dự án 289 tại Việt Nam. Hai dự án này nhiều khả năng Khu phức hợp Ba Son và 289 Trần Hưng Đạo, hiện đang được Alpha King phát triển với tên gọi thương mại lần lượt là Centennial Saigon và Alpha Town.
Lễ ký kết hợp đồng trị giá 830 triệu USD giữa Công ty AKR Việt Nam và Tập đoàn CSCEC Trung Quốc ngày 2/6/2017. Người bên trái là ông Wang Weixian. |
Tới ngày 10/11/2017, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Tập đoàn CGGC International bà Li Pingli có buổi trao đổi với Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ông Dương Quang Thành, trong đó nhấn mạnh lợi ích của chiến lược "Một vành đai, một con đường" đối với người dân Việt Nam. Ngay sau đó, bà Li Pingli đã có cuộc gặp với Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bà Trương Mỹ Lan để bàn sâu về các chủ đề hai bên cùng quan tâm như bất động sản, cảng biển và nhiều dự án khác. CGGC Group còn được biết đến với tên gọi Tập đoàn Cát Châu Bá, là một doanh nghiệp nhà nước rất lớn hoạt động trong lĩnh vực xây lắp ở Trung Quốc. Tháng 8/2017, CGGC từng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét cho phép đầu tư các dự án đường cao tốc, đường sắt trên cao và tàu điện ngầm ở Việt Nam.
Phó Chủ tịch Tập đoàn CGGC bà Li Pingli và Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bà Trương Mỹ Lan có cuộc gặp bên lề APEC 2017 tại Đà Nẵng. |
Xuyên suốt loạt sự kiện này, Vạn Thịnh Phát nổi lên với vai trò "cầu nối", giới thiệu đến các nhà đầu tư lớn ở Trung Quốc về cơ hội và tiềm năng ở Việt Nam. Sự xuất hiện của Alpha King cùng những CSCEC Group hay Shanghai Construction Group ở bộ ba dự án Ba Son, 289 Trần Hưng Đạo và 87 Cống Quỳnh phần nào cho thấy thành quả của những nỗ lực tới từ tập đoàn đặt trụ sở tại 193-203 Trần Hưng Đạo, Quận 1.
Trong bối cảnh nhu cầu về đầu tư cả hai khu vực công và tư ở Việt Nam là rất lớn, nhưng nguồn lực còn nhiều hạn chế, việc tận dụng hiệu quả dòng tiền từ Trung Quốc sẽ là một lời giải quan trọng cho bài toán khát vốn trong ngắn và trung hạn. Vai trò của Vạn Thịnh Phát cùng những "cầu nối" tương tự bởi vậy là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc thu hút đầu tư phải đảm bảo yếu tố 'win-win'.
Theo Nhà đầu tư