Bao giờ các trục đường nối quận 7 với trung tâm Sài Gòn hết kẹt cứng
Thứ bảy, 15/06/2019, 09:11
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, tuyến đường từ quận 7 đến trung tâm Sài Gòn chỉ có thể hết kẹt xe khi người dân có đủ các hạ tầng như trường học, bệnh viện, công sở tại nơi sinh sống.
Kẹt xe kéo dài trên đường Nguyễn Hữu Thọ đoạn trước khi qua cầu Kênh Tẻ.
Phân tích về tình trạng thường xuyên tắc nghẽn giao thông ở hai trục đường Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Tất Thành kết nối quận 7 với khu trung tâm Sài Gòn, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đánh giá nguyên nhân cơ bản là hạ tầng khu vực chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân.
KTS Nam Sơn phân tích trong phát triển đô thị có 3 bước gồm đánh giá hiện trạng, quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Ở bước thực hiện quy hoạch, nguyên tắc là phát triển hạ tầng phải đi đôi với phát triển đô thị.
"Đô thị phòng ngủ" ở quận 7
Cụ thể, ông Nam Sơn giải thích khi làm khu dân cư phải xây dựng cân đối song song không chỉ hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước) mà cả hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, nơi làm việc, trung tâm thương mại) chứ không thể chỉ lo làm mỗi nhà ở.
"Nhưng nhiều chủ đầu tư chỉ chú trọng phát triển nhà ở. Có một khái niệm liên quan câu chuyện này là 'đô thị phòng ngủ', chỉ những khu đô thị mà cư dân ở đó chỉ về nhà để ngủ", ông Sơn nhận xét.
Theo KTS Nam Sơn, việc đi lại giữa quận 7 với trung tâm TP.HCM không chỉ gồm chuyện đi làm mà còn cả đưa con đi học. "Ở khu Nam một số trường tốt thì đắt đỏ, trường bình thường lại không đủ, nên có thể nhiều người phải đưa con đi học ở trung tâm", ông giải thích.
Để chấm dứt tình trạng tắc nghẽn trên các trục đường khi di chuyển từ quận 7 vào nội đô TP.HCM, ông Sơn đánh giá cần giải 3 bài toán.
Thứ nhất, nếu có đủ trường học, nơi làm việc tại chỗ thì cư dân không phải di chuyển nhiều vào nội trung tâm thành phố nữa. Thứ hai, khu Nam là khu đất thấp của thành phố, nên nếu xây dựng công trình phải làm hạ tầng bền vững song song như nạo vét hệ thống kênh, cống, xây công viên để chống ngập; đảm bảo mật độ xây dựng thấp.
Cuối cùng, ông cho rằng vẫn phải làm hạ tầng giao thông kết nối nhưng khi quy hoạch tốt từ đầu và giải được hai vấn đề trên thì tự lưu lượng giao thông di chuyển vào trung tâm thành phố sẽ giảm.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận định không chỉ hai trục đường Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Tất Thành, các trục khác nối khu Nam (quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh) với nội đô như Dương Bá Trạc - cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Nguyễn Tri Phương - Phạm Hùng cũng thường xuyên quá tải.
Ông Châu đánh giá thành phố đã có nhiều giải pháp như các dự án mở rộng cầu Kênh Tẻ hiện hữu, mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, làm thêm cầu Nguyễn Khoái, cầu Thủ Thiêm 4, tuyến metro số 4...
Tuy nhiên, chủ tịch HoREA cho rằng để tình hình kết nối giao thông cải thiện đáng kể, cần có thời gian chứ không thể xuất hiện "phép lạ" sau một đêm.
Kẹt xe càng nghiêm trọng, thị trường sẽ tự hạ nhiệt
Về giải pháp để hạn chế tình trạng kẹt xe kết nối vào khu vực trung tâm, chủ tịch HoREA nhấn mạnh lại nguyên tắc quy hoạch hạ tầng đô thị phải đi đôi với quy hoạch hạ tầng giao thông.
Cụ thể, khi phê duyệt quy hoạch, ông Châu cho rằng phải đảm bảo tỷ lệ hợp lý cho giao thông, gồm giao thông kết nối bên ngoài và giao thông nội bộ bên trong dự án.
Một số giải pháp khác theo ông là phát triển hệ thống phương tiện giao thông công cộng có sức chứa lớn; sử dụng mô hình chia sẻ phương tiện để giảm lượng xe lưu thông.
Không chỉ giao thông kết nối bên ngoài mà cả giao thông nội bộ của từng dự án ở quận 7 phải được đảm bảo.
Trong khi đó, KTS Nam Sơn đề xuất cơ quan chức năng trong kế hoạch quy hoạch phải khống chế các dự án phù hợp với giao thông, yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm đóng góp cho hạ tầng hay khuyến khích đầu tư vào các khu vực đã có sẵn hạ tầng.
"Việc quản lý nên nghiêm hơn, phải thường xuyên đánh giá chủ đầu tư làm gì để giảm áp lực ách tắc giao thông. Trong một dự án các hạng mục phải được thực hiện song song. Ví dụ khi chủ đầu tư xây xong 50% diện tích nhà ở thì diện tích đường xá, cây xanh nội khu cũng phải hoàn thành 50% mới được xây tiếp", ông Sơn nói.
Kiến trúc sư cũng nhấn mạnh vai trò của nhà quản lý đô thị rất quan trọng. Nếu thực hiện đúng quy hoạch giúp tất cả hạng mục đi cùng nhau, tình trạng "ở nơi này, đi làm nơi kia" sẽ giảm.
Ngược lại, nếu không điều tiết tốt, tình trạng kẹt xe sẽ càng nghiêm trọng. Khi đó, chính điều này sẽ hạ nhiệt các dự án trong khu vực. Ông ví dụ khách hàng không mua nhà ở nơi kẹt xe thì lực hút của thị trường sẽ dịch chuyển về nơi khác. Chủ đầu tư cũng tìm đến những khu vực có hạ tầng tốt hơn.
"Ngân sách có hạn, cần phân bổ ở nhiều lĩnh vực, nên chính quyền không thể cứ chạy theo xử lý hậu quả của các dự án", ông Sơn cho hay.
PV đã đặt câu hỏi từ giữa tháng 5 cho UBND quận 7 về việc các dự án bất động sản phát triển nhanh gây áp lực lên hạ tầng, giao thông khu vực và chính quyền quận có giải pháp gì để giải quyết áp lực trên, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.