|
Thị trường giảm tốc, nhà đầu tư vẫn có thể thu lợi nhuận cao
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Xây dựng, tổng số giao dịch nhà đất thành công trong cả nước năm 2019 là 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018. Tại TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, năm 2019 là năm thứ 2 thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt với khó khăn khi nhiều dự án nhà ở bị đứng hình và môi trường kinh doanh chưa thật sự minh bạch.
Cụ thể, từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, có 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý. Năm 2019, Thành phố chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nguồn cung khan hiếm khiến giá nhà bị đẩy lên cao. Riêng tại thị trường TP.HCM, giá căn hộ chung cư đã tăng khoảng 15 – 20%. Đặc biệt, có dự án căn hộ tăng tới 39% so với năm 2018.
Năm 2019, cả nước có 83.136 giao dịch nhà đất thành công, giảm 26,1% so với năm 2018 |
GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nguồn cung nhà tại Hà Nội và TP.HCM đang rất hạn chế. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài sẽ dẫn tới sốt giá. Năm 2020, nếu lượng dự án không tăng lên được thì trong 3 năm tới, câu chuyện sốt đất sẽ xảy ra.
Cũng theo giáo sư Võ, cùng với nhu cầu nhà ở gia tăng tại Việt Nam năm 2020 cũng sẽ chứng kiến nhu cầu mua nhà của người nước ngoài tại Hà Nội tăng cao, đặc biệt là khách mua đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore."Năm 2019, giá nhà đã tăng gần 10%. Năm 2020, nếu nguồn cung vẫn tiếp tục khan hiếm thì giá nhà có thể tăng đến 20%. Tôi có nhận định năm 2020, các nhà đầu tư vào bất động sản nhà ở có thể thu được lợi nhuận cao", ông Võ nói thêm.
Bốn chiến lược đầu tư vào bất động sản năm 2020?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia về thị trường bất động sản năm 2020, các nhà đầu tư vào bất động sản nhà ở có thể thu được lợi nhuận cao. Về tổng thể, cầu có thể tăng, giá có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Song đến cuối năm 2020, thị trường có thể sẽ trở lại "bình thường".
Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư khi đầu tư vào bất động sản trong thời gian tới, ông Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, chia sẻ 4 chiến lược. Cụ thể:
Thứ nhất, nhà đầu tư tiềm năng. Chủ đầu tư, tính pháp lý dự án, giá trị thực và tính chế tài của cam kết lợi ích. Pháp lý càng chắc chắn càng ít rủi ro. Tùy vào bản ngã của nhà đầu tư tiềm năng – thích rủi ro hay ghét rủi ro.
Thứ hai, nhà đầu tư phát triển. Trong giai đoạn này là câu chuyện sinh tử. Có sản phẩm rồi bán hay không bán là một chiến lược sinh tử. Có tham gia vào hay không, tình huống giai đoạn này khó khăn hơn, tỷ suất lợi nhuận đạt được cũng khó khăn hơn.
Thứ ba, các nhà đầu tư tài chính có nhiều lựa chọn hơn. Cần phải có kiến thức thông tuệ.
Thứ tư, nhà đầu tư xây dựng. Bắt buộc chọn nhà đầu tư phát triển có năng lực phát triển trong 1-2 năm tới.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận, tốc độ tăng giá của bất động sản ven đô sẽ nhanh hơn ở nội đô. Do đó, đầu tư vào khu vực ven đô có thể sẽ có triển vọng tăng giá nhanh hơn. Tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, triển vọng để phát triển bất động sản ven đô còn khá mạnh vì có dòng di dân từ các tỉnh về rất nhiều, nhu cầu nhà ở của người nhập cư cũng ở mức cao. Tuy nhiên, điều này có thể không đúng với các tỉnh khác.
Theo NCĐT