|
Dù thời gian gia hạn mới chỉ dừng lại ở mức 5 tháng, chưa đạt mức mong muốn 12 tháng, nhưng với con số hơn 7.300 tỷ đồng tiền thuế được chậm nộp trong khoảng thời gian này sẽ giúp các doanh nghiệp dễ thở hơn rất nhiều, bởi đó là khoản “tiền tươi” có thể sử dụng ngay để chi trả lương nhân viên, chi phí tồn tại hay chuẩn bị cho kế hoạch mở bán dự án trở lại.
Trước đó, để hỗ trợ thị trường bất động sản - vốn chịu ảnh hưởng nặng nề cả trực tiếp và gián tiếp khi hoạt động giãn cách xã hội diễn ra, nhu cầu sụt giảm do thu nhập người dân bị ảnh hưởng, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 25/2020/NĐ-CP gỡ "nút thắt" quan trọng cho việc triển khai dự án sau khi đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Không những vậy, hàng ngàn tỷ đồng "thu oan" trong giai đoạn 2017 - 2019 do bất cập từ khoản 3, Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP về giao dịch liên kết của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con cũng đã được chấp nhận hoàn trả và bù trừ vào nghĩa vụ tính thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm.
Đây đều là chính sách quan trọng, được xem là những "liều trợ lực" mạnh có thể giúp doanh nghiệp hồi sức, bởi nó không chỉ trực tiếp giúp các doanh nghiệp có thêm các nguồn tiền khôi phục sản xuất - kinh doanh, mà còn giúp các nhà đầu tư yên tâm hơn vào triển vọng tăng trưởng của thị trường.
Khác với những đợt khủng hoảng trước đây, tác động của dịch Covid-19 được đánh giá mạnh hơn, sâu rộng hơn với khối doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp địa ốc. Nếu ví nền kinh tế như một rừng cây và các doanh nghiệp là những thân cây, thì rừng cây đó đang phải đối mặt với một trận giông bão chưa từng có trong lịch sử với sức tàn phá nặng nề cùng các di chứng có thể để lại tới vài năm.
Hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, hàng hóa không bán được, trong khi các gánh nặng về thuế, nợ vay ngân hàng từng ngày từng ngày đè nặng lên đầu các doanh nghiệp và doanh nghiệp nào càng lớn, mức độ ảnh hưởng lại càng nghiêm trọng.
Trong kịch bản xấu nhất được đề cập trong báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho thấy, nếu dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tới cuối năm 2020, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp bất động sản ước tính lần lượt tăng 25% và âm (-) 10,6% so với năm 2019.
Đó là chưa kể đến việc, muốn có doanh thu và lợi nhuận ở mức như trên, doanh nghiệp phải bán được hàng, tức tạo được thanh khoản cho dự án của mình.
Trong tình trạng mất tới hơn 4 tháng không triển khai được các chương trình truyền thông và marketing dự án, doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải chi trả thêm rất nhiều tiền cho các hoạt động tái khởi động, thậm chí phải đầu tư thêm hạ tầng công nghệ phục vụ công tác giới thiệu tới khách hàng.
Trong khi lương cho người lao động (chi phí hoạt động), chi phí lãi vay và một số khoản phải trả khác (nếu có) vẫn phải duy trì, việc được cơ quan quản lý hỗ trợ giãn các khoản thuế, đặc biệt tiền sử dụng đất phải trả sẽ tạo thêm "sức đề kháng" giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn "stress" nặng như hiện nay.
Đồng thời, trong điều kiện môi trường lãi suất biến động, sở hữu tiền mặt dồi dào có thể giúp các công ty chủ động được nguồn vốn mở rộng quỹ đất, phát triển dự án mà hạn chế đi vay, phụ thuộc vào nguồn tín dụng bên ngoài để chờ nền kinh tế phục hồi.
Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, những doanh nghiệp đang mất khả năng chi trả hoặc khả năng chi trả của họ giảm mạnh thì trong trường hợp này không chỉ kéo dài thời gian nộp thuế việc bơm một dòng tiền trực tiếp vào cho các doanh nghiệp đó cần được tính đến. Có thể bằng cách cho các doanh nghiệp vay với những điều kiện dễ dàng cùng với thời gian ân hạn dài, có thể đến 1 năm mà không phải trả gốc lẫn lãi thông qua hệ thống ngân hàng, tức là hệ thống ngân hàng được ủy thác một số tiền của Chính phủ mới có thể giúp các doanh nghiệp.